Khi nhìn thấy 4 chữ S trên vé máy bay, nhiều hành khách đã gọi đó là một “thảm họa” tại cửa an ninh.

Đối với nhiều du khách, hành khách, việc xếp hàng dài để làm thủ tục check-in, nhập cảnh hay kiểm tra an ninh là điều chán nhất phải làm tại sân bay. Tuy nhiên, với các chuyến bay xuất phát tại sân bay Mỹ, có một thứ còn khiến hành khách cảm thấy tồi tệ hơn, thậm chí có người còn gọi là thảm họa.

“Đó là khi bạn nhìn thấy 4 chữ S (SSSS) xuất hiện trên vé máy bay của mình. Khi tôi nhìn thấy nó, tôi chỉ biết kêu trời”, một hành khách cho biết.

SSSS – ký hiệu không ai muốn nhìn thấy trên vé máy bay - 0

Theo Business Insider, SSSS là từ viết tắt của Secondary Security Screening Selection (Chọn kiểm tra an ninh lần hai).

Những ai có vé máy bay sở hữu mật mã này đồng nghĩa với việc sẽ bị lục soát túi xách, soát người và xem xét giấy tờ tùy thân một cách chi tiết, tỉ mỉ.

Bạn có thể bị hoãn chuyến, hủy chuyến do TSA (Cục An ninh Vận tải Mỹ) xếp bạn vào danh sách nguy hiểm, đe dọa an toàn bay và an ninh của nước Mỹ. Do đó, nhiều người đã gọi mật mã này là dấu hiệu họ không muốn nhìn thấy nhất trên vé máy bay của mình.

Mật mã này thường áp dụng với những người bay các chuyến nội địa tại Mỹ. TSA khẳng định việc lựa chọn đóng dấu SSSS vào thẻ lên máy bay là ngẫu nhiên. Họ sẽ dựa vào các thông tin cơ bản ban đầu của hành khách như tên tuổi, ngày tháng năm sinh, giới tính để lựa chọn.

“Đây là một chương trình sàng lọc hành khách ngẫu nhiên, nhằm tăng cường an ninh bằng cách xác định hành khách có nguy cơ thấp và cao trong việc đe dọa an toàn bay trước khi họ lên máy bay”, đại diện của TSA cho biết.

Tuy nhiên, những người mua vé một chiều, mua bằng tiền mặt sẽ có nguy cơ bị đóng dấu SSSS thường xuyên hơn, theo Mamamia.

Mật mã này được sử dụng sau vụ khủng bố 11/9, nhằm giúp chính quyền liên bang phát hiện ra những kẻ khủng bố đang nhập cảnh hoặc xuất cảnh Mỹ.

 

Nguồn: Anh Minh

VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC