Mỳ ống là một trong những thức ăn, đồ uống mà Whytney - tiếp viên đã làm việc 7 năm cho một hãng hàng không lớn của Mỹ - rất ít khi dám dùng khi đi máy bay.

Whytney cho biết, nhiều đồng nghiệp của cô mang bữa ăn tự mình chuẩn bị đến nơi làm việc: “ Thường mọi người mang theo thịt, sữa chua, salad, trái cây… trong hộp cơm cách nhiệt ". Khi đi máy bay với tư cách hành khách, nữ tiếp viên hàng không này cho biết cô hạn chế tối đa việc dùng một số loại thực phẩm, đồ uống.

Dưới đây là một số thực phẩm, đồ uống mà các tiếp viên hàng không tiết lộ rằng họ ít khi dùng trên máy bay.

Mỳ ống và súp

“Mỳ ống và súp thường chứa lượng muối lớn; một số suất ăn kiểu Ấn Độ cũng thế cho dù không có thịt. Các loại bánh sandwich có thịt nguội bên trong cũng có thể mặn hơn bình thường” , Whytney nói.

Một nghiên cứu của Đức cho biết, áp suất trên máy bay khiến hành khách cảm thấy một số loại thực phẩm bị giảm hương vị. Để những món này trở nên dễ ăn hơn, các công ty cung cấp suất ăn thường cho vào nhiều muối hơn bình thường.

1 Tiep Vien Hang Khong Tiet Lo 4 Thu Ho Khong Dam An Tren May Bay

Món mỳ ống cho hành khách đi máy bay thường mặn hơn bình thường, có thể dẫn đến mất nước, đau đầu, mệt mỏi.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Vanessa Rissetto (Mỹ), sự thay đổi áp suất khiến một số hành khách bị thiếu nước trong suốt chuyến bay; các món ăn có hàm lượng natri cao có thể làm nặng thêm chứng đau đầu liên quan đến mất nước, táo bón hoặc mệt mỏi. Để đối phó với tình trạng này, bà Vanessa khuyên dùng một số viên điện giải hoặc nước dừa để bù nước, ăn các loại rau, trái cây hoặc đồ ăn giàu protein để cảm thấy khỏe khoắn.

Jasmine King, tiếp viên hàng không có thâm niên 8 năm, từ năm 2015, khuyên rằng để tránh mất nước thêm, nên tránh đồ ăn nhẹ có vị mặn như các loại hạt, bánh quy mặn.

Bít tết và thịt phi lê

Nhiều tiếp viên hàng không "kiêng" ăn hai món này trong thời gian làm việc vì theo kinh nghiệm của họ, bít tết và thịt phi lê thường được nấu không đúng cách. “ Lò nướng quá lớn và người ta có thể nhét rất nhiều thực phẩm vào đó. Nếu bạn là người đặc biệt quan tâm đến cách chế biến thì không nên ăn 2 món này trên máy bay”, một nhân viên của Delta Air Lines nói.

Theo các chuyên gia, các món ăn như bít tết, thịt phi lê nên được hâm nóng đúng cách để loại trừ nguy cơ ngộ độc.

Khay phô mai

Tiếp viên hàng không Jasmine King cho rằng, hành khách sẽ thất vọng nếu đặt món ăn này trên máy bay. “Hãy tránh xa các khay phô mai vì chúng không còn tươi”, Jasmine khuyên và nói thêm, bản thân cô đôi khi cũng thấy thèm món này nhưng thực sự không khuyến khích mọi người ăn nó khi bay.

Đồ uống có cồn

2 Tiep Vien Hang Khong Tiet Lo 4 Thu Ho Khong Dam An Tren May Bay

Nhiều người thích uống chút rượu vang khi đi máy bay, nhưng ở độ cao lớn, tác hại của rượu với cơ thể thường nặng nề hơn.

Như đã nói ở trên, sự thay đổi áp suất trên máy bay khiến nhiều hành khách bị mất nước và rượu là thứ làm nặng thêm tình trạng này. “Rượu ảnh hưởng xấu đến cơ thể khi ở độ cao lớn”, Whytney nói. Rượu cũng dẫn đến tình trạng thiếu oxy, liên quan đến lượng oxy thấp trong mô cơ thể.

Tiến sỹ Clare Morrison, chuyên gia y tế của MedExpress, cho biết: “Áp suất không khí trong máy bay thấp hơn bình thường nên cơ thể khó hấp thụ oxy hơn, có thể dẫn đến tình trạng choáng váng. Do đó khi ở trên máy bay, mọi người dễ say hơn lúc ở mặt đất, với cùng một lượng rượu”.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC