Tuy nhiên, nếu chủ quan hoặc không nắm rõ quy định thì hành khách có thể sẽ gặp phải những tình huống nghiêm trọng mà tệ nhất là có thể bị từ chối xuất/nhập cảnh.
Mỗi một quốc gia có những yêu cầu, quy định riêng trong thủ tục cho phép xuất/nhập cảnh, vì vậy phải tìm hiểu một cách chi tiết những quy định này trước khi bạn thực hiện chuyến bay là một việc làm bắt buộc nếu bạn không muốn mình rơi vào những tình huống phức tạp không đáng có.
1. Chuẩn bị chu đáo tất cả các loại giấy tờ theo yêu cầu sẽ giúp bạn thảnh thơi tại sân bay: bộ giấy tờ cơ bản được yêu cầu cho một chuyến xuất ngoại thường bao gồm: hộ chiếu còn hiệu lực hoặc loại giấy tờ khác có chức năng tương đương, thị thực còn hiệu lực (một vài quốc gia còn yêu cầu thực hiện thêm phần thị thực điện tử), tờ khai xuất/nhập cảnh theo đúng mẫu đã điền đầy đủ các thông tin và ký xác nhận (một số quốc gia còn yêu cầu bạn phải khai báo kèm theo về sức khỏe và đặc điểm cá nhân).
Nếu bay đến các nước trong khu vực ASEAN thì bạn có thể khỏi lo lắng về khoản xin cấp thị thực (vì được miễn hoàn toàn trừ Myanmar – tính tới thời điểm này), một số quốc gia khác ngoài khu vực cũng có quy định miễn thị thực nhập cảnh cho công dân đến từ Việt Nam tùy theo mục đích chuyến đi của bạn.
Tuy nhiên cũng có một số quốc gia có những đòi hỏi phức tạp hơn nhiều ngoài các loại giấy tờ nói trên, có thể bạn sẽ bị yêu cầu cung cấp thêm các loại giấy tờ khác như: vé máy bay khứ hồi, giấy mời tham quan, tham dự, làm việc hay học tập từ người hay tổ chức bảo lãnh của nước sở tại,… khi bạn làm thủ tục nhập cảnh.
Để xác định chính xác mình cần phải cung cấp những loại giấy tờ nào tại quầy thủ tục xuất/nhập cảnh tại sân bay bạn nên tìm hiểu thông tin tại website của đại sứ quán/tổng lãnh sự của quốc gia đó.
2. Hãy hoàn tất tất cả những loại giấy tờ có liên quan đến chuyến bay và thủ tục xuất/nhập cảnh trước khi bạn xếp hàng trước quầy thủ tục: ngoài các loại giấy tờ đã được chuẩn bị trước, tờ khai xuất/nhập cảnh thường được thực hiện trên máy bay hoặc tại sân bay, vì vậy hay có sơ sót trong việc điền thông tin gây rắc rối khi làm thủ tục.
Hiện nay đa phần các quốc gia trên thế giới đều loại bỏ phần khai báo trên tờ khai cho người nhập cảnh nhưng hình thức này vẫn còn thực hiện tại không ít quốc gia khác và đôi khi nó là nguyên nhân chủ yếu tạo nên sự phiền toái cho bạn.
Vì vậy, nếu phải thực hiện việc khai báo thông tin theo hình thức này thì bạn hãy cố gắng làm nó thật tốt theo một số gợi ý như sau:
Thông tin được điền vào tờ khai phải chính xác và đặc biệt là phải trùng khớp với thông tin được in trên hộ chiếu của bạn.
Đây là điều quan trọng nhất mà bạn phải chú ý khi thực hiện điền thông tin trên tờ khai.
• Phải thực hiện tất cả những phần yêu cầu khai báo trên tờ khai, một khoảng trống không được điền thông tin có thể sẽ khiến bạn bị trễ chuyến bay do phải khai thêm và xếp hàng làm thủ tục lại từ đầu, nếu là thủ tục nhập cảnh thì hành động này sẽ khiến bạn bị chú ý nhiều hơn đối với nhân viên làm thủ tục – một điều không nên để xảy ra khi bạn đang ở một quốc gia xa lạ.
• Hãy luôn mang theo mình một cây viết bi bởi không phải lúc nào cũng có sẵn viết tại quầy cho bạn sử dụng và khả năng có thể mượn của ai đó cũng sẽ khá khó khăn.
Nhìn chung, rất hiếm trường hợp bị từ chối xuất/nhập cảnh vì những lỗi nhỏ trong việc điền thông tin trên tờ khai nhưng việc thực hiện nó một cách rõ ràng, đầy đủ, chính xác sẽ giúp bạn nhanh chóng vượt qua khâu thủ tục này và tránh những phiền toái không đáng có trước và sau chuyến bay.
3. Trong quá trình tiếp xúc với nhân viên thủ tục, bạn phải chú ý giữ thái độ bình tĩnh, không được tỏ ra lo sợ nhưng cũng không nên đùa giỡn hay quá thân mật.
Chỉ nên cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết và trả lời các câu hỏi một cách điềm tĩnh, những câu hỏi thông thường liên quan đến loại thị thực mà bạn xin cấp, mục đích của chuyến đi/nhập cảnh, ai là người bảo lãnh hay quen biết bạn tại nước nhập cảnh, bạn làm nghề gì, dự định ở lại bao lâu…
Cuối cùng sau khi đã kiểm tra đầy đủ các loại giấy tờ hợp pháp, nhân viên thủ tục xuất/nhập cảnh sẽ đóng dấu tem xuất/nhập cảnh lên hộ chiếu cho bạn (một số nơi sẽ không thực hiện việc này nếu bạn không yêu cầu), trả lại giấy tờ để bạn tiếp tục qua khâu kiểm tra an ninh nếu bạn xuất cảnh hoặc lấy hành lý để qua khâu hải quan nếu bạn nhập cảnh.
Đặc biệt, khi bạn thực hiện thủ tục xuất/nhập cảnh tại Hoa Kỳ và một số nước khác, sau khi hoàn tất việc kiểm tra giấy tờ, nhân viên thủ tục xuất/nhập cảnh còn yêu cầu lấy dấu vân tay và chụp hình bạn trước khi đóng dấu tem xuất/nhập cảnh và trả lại giấy tờ cho bạn.
Theo doanhnhansaigon