1. Trẻ con Pháp ăn mọi thứ
Ai cũng hiểu rau xanh cung cấp chất xơ và nhiều vitamin thiết yếu nhưng trẻ con thường không thích ăn chúng dù cho cha mẹ nhồi nhét, đánh vật đến mấy. Người Pháp đã nghĩ ra một cách vô cùng hiệu quả: ăn rau vào đầu bữa khi bọn trẻ đang đói nhất. Họ thường trộn các loại rau với gia vị: salad cà rốt nghiền, dựa chuột trộn dấm, củ cải đường trộn cam… để tạo thêm hương vị cho món kén người ăn này đấy.
Người Pháp bày tỏ quan điểm mạnh mẽ rằng việc sum họp cùng nhau trong bữa ăn ít nhất một lần một ngày là rất quan trọng. Ở đó, trẻ sẽ không phải ăn những thứ chúng không thích nhưng nhất định phải nếm món ăn đó để biết mùi vị như thế nào.
Trong bữa ăn, trẻ em và người lớn ăn cùng một loại thực phẩm, không có thứ gọi là “thức ăn riêng của trẻ em” ở Pháp. Bọn trẻ sẽ không phải ăn những thứ chúng không thích nhưng nhất định chúng phải nếm món ăn đó để biết mùi vị như thế nào. Bởi theo các chuyên gia dinh dưỡng, hầu hết trẻ con phải ăn thử món mới từ 7-15 lần trước khi chúng sẵn sàng ăn nó.
2. Cho bé ngủ riêng
Ở Việt Nam, rất nhiều phụ huynh vẫn cho con ngủ chung với mình khi chúng đã lớn tướng, thậm chí khi đã vào lứa tuổi dậy thì. Nhưng ở Pháp, chuyện đó không bao giờ xảy ra. Trẻ em Pháp được bố mẹ dạy ngủ trên giường của mình, trong phòng ngủ riêng. Nếu một đứa trẻ thức dậy trong đêm và khóc, người mẹ sẽ vào dỗ, đợi một lúc để cho con thấy yên tâm, sau đó lại trở về phòng ngủ của mình.
Ngủ phòng riêng giúp trẻ dễ chìm vào giấc ngủ, đi ngủ sớm và ngủ ngon hơn. Bên cạnh đó, trẻ cũng không quấy khóc nhiều, không mất nhiều thời gian để cha mẹ ru.
Điều này khiến trẻ em Pháp hình thành thói quen độc lập ngay từ khi còn nhỏ. Trẻ không ỷ lại vào bố mẹ hay luôn mè nheo vòi vĩnh mà sớm trưởng thành. Trẻ không bị rơi vào cảm giác luôn cảm thấy thiếu an toàn khi không bị phụ thuộc vào bố mẹ. Được ngủ riêng, con cũng sẽ ngủ ngon và sâu giấc hơn, điều này rất có lợi cho sự phát triển trí não và thể chất của bé. Ngoài ra, cho con ngủ chung giường, bố mẹ thường mất cảm giác tự do thoải mái, hay gặp phải những “tình huống xấu hổ”.
3. Dạy trẻ biết cách sử dụng và làm chủ đồng tiền
Trẻ em Pháp thường bắt đầu nhận tiền tiêu vặt từ năm 7 tuổi và được phép sử dụng số tiền đó theo ý muốn của mình (tất nhiên số tiền đó sẽ không quá nhiều). Quản lý và sử dụng tiền bạc một cách hợp lý là một kỹ năng sống quan trọng các bậc phụ huynh cần dạy cho trẻ. Trước khi đưa bé đi mua sắm, bạn hãy ngồi xuống và cùng bé lập danh sách những thứ bé thích và tính toán tiền cho từng hạng mục. Sau đó ba mẹ hướng dẫn và phân loại cho con hiểu. Giúp con xác định việc ưu tiên nên mua đồ gì trước, cái nào nên tiết kiệm không mua…
Dạy con cách tiêu tiền nhằm giúp trẻ hiểu được rằng: tiền không phải là vô hạn, mỗi chúng ta cần phải biết tự chi tiêu trong khả năng của mình, quý trọng đồng tiền và hài lòng với nó.
Ba mẹ cũng nhớ rằng trẻ quan sát rất tốt và cách học bằng việc quan sát là cách tốt nhất. Hãy chi tiêu hợp lý để con bạn có thể học được từ gia đình nhé.
4. Tạo thói quen cư xử văn minh, lịch sự
Phụ huynh đừng chủ quan rằng con còn nhỏ tuổi mà bỏ qua việc dạy dỗ trẻ những quy tắc ứng xử, vì một khi cách cư xử không tốt trở thành thói quen bạn sẽ rất khó khăn trong việc uốn nắn trẻ đấy. Hãy bắt đầu dạy bé từ những cách nói đơn giản nhất như: “Làm ơn”, “Vui lòng”, “Cảm ơn”, “Xin lỗi”, “Con có thể…”, “Xin mời”, “Vâng”, “Dạ”… Để trẻ hiểu được tại sao phải nói chuyện như vậy, trước hết, chính phụ huynh phải là tấm gương sử dụng đúng lúc, đúng chỗ những từ ngữ này trong cuộc sống hằng ngày. Giải thích cho trẻ hiểu cách dùng chúng trong từng hoàn cảnh và nhắc nhở kịp thời nếu trẻ quên hay sử dụng sai.
Phép lịch sự chính là nền tảng căn bản để xây dựng con người chúng ta. Nhờ giữ phép lịch sự, chúng ta sẽ gây được cảm tình của những người xung quanh.
Ngoài ra, bài học tôn trọng mọi người xung quanh cũng nên được ba mẹ quan tâm và truyền tải đến trẻ. Trẻ tôn trọng người khác lớn lên sẽ trở thành những con người biết quan tâm đến mọi người, có tinh thần trách nhiệm và luôn sống chan hòa với bạn bè đồng trang lứa.
5. Không bắt trẻ học chữ quá sớm, thay vào đó khuyến khích các em dành thời gian khám phá thế giới.
Nhiều bậc cha mẹ Việt Nam luôn lo sợ con mình thua các bạn ở lớp đã biết đọc biết viết và cố dạy con bảng chữ cái ngay từ khi lên 4, 5 tuổi. Ai cũng mong muốn con giỏi, con thông minh, vậy nhưng có nhiều ba mẹ vì quá chạy đua theo những kỳ vọng “thiên tài nhí” một cách mù quáng mà đã làm mất đi ước mơ và cơ hội phát triển nhiều giá trị khác của trẻ. Ở nước Pháp, việc dạy chữ sớm dường như là một khái niệm hết sức xa lạ. Đa số trẻ em ở đây khi lên 5 tuổi vẫn chưa biết đọc và ba mẹ thấy điều này hoàn toàn bình thường.
Mầm non là độ tuổi trẻ phát huy tính sáng tạo tiềm ẩn bên trong một cách tối đa. Ba mẹ nên tạo những cơ hội cho trẻ tiếp xúc và khám phá nhiều hơn thế giới xung quanh, khi để trẻ tự do vui chơi, nghịch bẩn trong môi trường ngoài trời, trẻ sẽ được kích thích sự phát triển của một số tế bào thần kinh liên quan tới việc làm giảm căng thẳng, giúp điều chỉnh tâm trạng, tránh bị stress. Việc ra ngoài môi trường thiên nhiên cũng giúp trẻ phát triển hơn khả năng tò mò, thích khám phá và năng động hơn so với việc để trẻ ở trong nhà. Ba mẹ chỉ cần lưu ý lựa chọn môi trường thiên nhiên an toàn, trong lành, tránh những nơi đang xây dựng là được.
6. Cuối tuần là thời gian dành cho gia đình
Nhịp sống hiện đại vội vã khiến chúng ta chạy theo những deadline công việc, mà quên đi giây phút ở bên gia đình. Cùng ở trong một không gian sống mỗi ngày, nhưng chúng ta không ở bên nhau nhiều như nó cần phải.
Người Pháp rất có ý thức về các hoạt động của ngày Chủ nhật và họ có sự chuẩn bị chu đáo để có một ngày nghỉ trọn vẹn và bổ ích. Đây là khoảng thời gian tốt nhất để đi dã ngoại, tổ chức tiệc ngoài trời, đi xe đạp… Ở đó, trẻ con thoải mái tự do vận động, phát triển thể chất cũng như sự sáng tạo, óc quan sát. Điều này cũng giúp kết nối các thành viên trong gia đình, khiến tình cảm gia đình thêm khăng khít, mọi người thấu hiểu và đồng cảm với nhau hơn.
Theo: kiddi.vn