Vì trẻ em là tấm gương phản chiếu của người lớn nên mỗi bậc phụ huynh cần cẩn thận trong việc giáo dục trẻ. Nếu chúng ta vô tình mắc 7 sai lầm này, trẻ sẽ hình thành những hành vi xấu:
Sai lầm trong việc dạy con, trẻ dễ hình thành hành vi xấu (Ảnh minh họa)
7 sai lầm cha mẹ vô tình khuyến khích hành vi xấu ở trẻ
Giáo dục con thiếu nhất quán
Bạn đã bao giờ cấm con ăn đồ yêu thích, nhưng vì chúng quấy khóc quá nhiều nên lại quyết định nhượng bộ? Những hành động như vậy sẽ định hình trong tâm trí trẻ rằng việc quấy khóc, gào thét sẽ lấy được những gì chúng muốn và những câu nói răn đe của cha mẹ đều vô nghĩa. Lâu dần, con bạn sẽ sinh ra tính tình cáu gắt, giận dỗi, la khóc và trông đợi được người khác dỗ dành.
Cha mẹ đưa ra mệnh lệnh suông
Cha mẹ thường đưa ra những yêu cầu suông mà không giám sát xem con có tuân lệnh hay không. Ví dụ, khi con chơi đồ chơi, bạn yêu cầu cất đồ nếu không sẽ không cho con đi chơi hoặc thưởng thức món ăn chúng yêu thích. Nhưng sau đó, bạn bỏ qua, không phạt trẻ hoặc thậm chí không để ý xem con đã cất đồ hay chưa. Từ đó, trẻ sẽ hình thành thói quen phớt lờ mệnh lệnh của cha mẹ và mọi người xung quanh.
Vì vậy, khi đưa ra yêu cầu, bạn hãy luôn kiểm tra kết quả làm việc của trẻ. Ngay cả khi nói sẽ phạt nếu con không tuân thủ, bạn hãy giữ đúng lời nói để con hiểu rằng đây không phải mệnh lệnh suông.
Cha mẹ bào chữa cho hành động sai của trẻ
Khi trẻ làm sai, nhiều phụ huynh thường đưa ra lý do là "Cháu còn nhỏ", "Cháu chưa hiểu chuyện"... để bào chữa. Đúng là trẻ con chưa thông thạo và cư xử đúng mực như người lớn, nhưng phụ huynh cần tránh vin cớ quá nhiều. Hãy cân nhắc liệu hành động này ở độ tuổi của trẻ đã nhận thức được chưa và liệu đã đến lúc phải giáo dục trẻ cách ứng xử hay chưa. Nếu trẻ làm sai, hãy bắt chúng sửa sai, xin lỗi mọi người để không nảy sinh thói quen trốn tránh trách nhiệm.
Cha mẹ la hét khi muốn phạt con
Phụ huynh thường cho rằng la hét sẽ khiến con nghe lời. Thực chất, đó chỉ là giải pháp tạm thời, không có hiệu quả lâu dài, thậm chí sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình.
Cha mẹ dùng lời đe dọa
Giống như la hét, đe dọa là phương pháp giáo dục không hữu hiệu với trẻ, thậm chí sẽ khiến chúng lặp lại hành vi sai trái nhiều lần. Thay vì đe dọa sẽ trừng phạt nếu trẻ làm sai, cha mẹ hãy chỉ ra những hậu quả xấu để chúng nghiêm túc sửa.
Cha mẹ sử dụng vũ lực
Nghiên cứu khoa học cho thấy việc sử dụng vũ lực cả về vật chất lẫn tinh thần sẽ khiến trẻ trở nên hung hăng hơn, thiếu đi những tính cách nhân văn như tôn trọng, bao dung, tha thứ. Ngoài ra, sử dụng vũ lực cũng chỉ là biện pháp giáo dục tạm thời, càng về sau, trẻ sẽ nảy sinh tâm lý chống đối hoặc chai lì với đòn roi.Cha mẹ sử dụng vũ lực
Cha me hùa theo hành vi xấu của trẻ
Khi còn nhỏ, trẻ thường thích gây sự chú ý bằng cách đập bàn ghế, hét ầm ĩ. Nhiều phụ huynh muốn con vui nên đã mỉm cười hùa theo, ngấm ngầm ủng hộ những hành động này. Khi nhận được sự hưởng ứng của bố mẹ, trẻ sẽ càng làm náo loạn hơn, gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh và hình thành cách cư xử thô lỗ, thiếu chuẩn mực.
Theo Thùy Linh/ Gia Đình Việt Nam