Bà mẹ nghèo nuôi 2 con thành triệu phú nhờ 1 phương pháp ít tốn kém mà hiệu quả cao: Gia đình nào cũng hiểu nhưng chưa chắc đã biết tận dụng
Grant là tên của nghiên cứu nhân chủng học dài nhất trong lịch sử loài người được tiến hành bởi ĐH Harvard (Mỹ). Các nhà khoa học đã dành tới 76 năm để theo dõi tình trạng thể chất và tinh thần 268 sinh viên tốt nghiệp trường đại học danh giá này, từ khi còn là thanh niên cho đến khi về già.
Trong gần 8 thập kỷ ấy, các nhà khoa học chỉ tìm kiếm một câu hỏi: Làm thế nào để con người thành công và hạnh phúc? Mãi sau này, họ mới nhận ra bí mật được ẩn giấu trong chính ngôi nhà của mỗi người suốt những năm tháng ấu thơ.
Bà mẹ nghèo có 2/3 con làm triệu phú
Cách đây không lâu, cách dạy con của một bà mẹ gốc Hoa đã thu hút được sự chú ý của giới truyền thông Mỹ.
Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó ở Malaysia. Năm 17 tuổi, bà di cư sang Mỹ dù tiếng Anh còn bập bẹ không học vấn hay tiền bạc trong tay. Người phụ nữ này tìm cách xoay xở nơi đất khách quê người, mãi về sau mới được nhận vào học tại một trường cao đẳng cộng đồng trong 2 năm.
Tiếp theo, bà chuyển tiếp lên ĐH Washington – nơi bà tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân Vật lý và thạc sĩ Khoa học Máy tính. Kể từ đây, bà bắt đầu làm việc cho Tập đoàn Digital Equipment Corp.
Không chỉ thay đổi chính cuộc đời mình, người phụ nữ phi thường này con nuôi dạy 3 người con trai vô cùng thông minh và mạnh mẽ.
Con trai cả Justin Kan tốt nghiệp ĐH Yale, chuyên ngành Vật lý và Tâm lý học. Anh chính founder của Twitch – startup đình đám được Amazon mua lại với giá 970 triệu USD vào năm 2014.
Con trai thứ hai Daniel Kan đã thành lập Cruise – một startup phát triển xe tự lái. Năm 2016, General Motors đã mua lại công ty này với hơn 1 tỷ USD tiền mặt và cổ phiếu.
Con trai út Damien Kan cũng đang là một kỹ sư phần mềm xuất sắc tại Alto Pharmacy.
“Bà luôn dặn chúng tôi: ‘Làm gì cũng phải phấn đấu hết mình’, hay nói cách khác ‘Con hãy cố gắng để trở thành người giỏi nhất’”, triệu phú Justin Kan nhớ lại. “Đây chính là điều đã thôi thúc tôi không ngừng khởi nghiệp, trở nên xuất sắc, kiếm được nhiều tiền và trở thành hình mẫu của xã hội”.
Nhiều người cho rằng cha mẹ của 3 anh em phải là người có xuất phát điểm rất cao mới nuôi dạy các con thành công như vậy trong sự nghiệp. Tuy nhiên, trong một buổi phỏng vấn với báo chí, các anh em nhà Kan đã tiết lộ rằng “Luật giáo dục việc nhà” của người mẹ chính là thứ đã dạy họ cách thành lập và quản lý công ty.
“Nếu mẹ yêu cầu bạn làm việc nhà từ khi còn nhỏ, bạn sẽ trở thành triệu phú khi lớn lên”, Justin hài hước nói. “Đây chính là bài học số 1 về quản trị mà mẹ dạy chúng tôi”.
Làm việc nhà là bước đệm tới thành công
3 anh em nhà Kan học hỏi được rất nhiều từ nguyên tắc làm việc của mẹ. Bà là người không ngại thử nghiệm những ý tưởng, cải tiến mới.
Người phụ nữ này từng làm một lập trình viên, sau đó đã chuyển sang làm nhân viên cho một công ty bất động sản, có nhiệm vụ đi mua nhà rồi cho thuê. Vào cuối tuần, bà sẽ tới những căn nhà cũ cho thuê để sửa chữa.
Cả 3 đứa trẻ đều được mẹ đưa đến đây để làm việc, từ công việc tay chân như dọn dẹp, sửa đồ,… cho đến công việc bàn giấy như nhập dữ liệu,…. Đây đều là những nhiệm vụ căng thẳng và mệt mỏi.
Một lần nọ, Justin than vãn khi đang sơn nhà: “Công việc này thật sự quá vất vả. Lớn lên con sẽ tìm một công việc văn phòng để làm”.
Mẹ anh đã nghiêm khắc trả lời: “Con nghĩ như thế này là vất vả sao? Con sẽ chẳng tồn tại nổi 1 ngày nếu ở nơi mẹ đã từng sống”.
Người phụ nữ này nói với các con rằng cuộc sống là một niềm đau, nhưng cũng mang lại những giá trị tốt đẹp. “Con người phải chấp nhận chung sống giữa cái tốt và cái xấu. Nếu loại bỏ cái xấu thì cái tốt sẽ chẳng còn nghĩa lý gì”, Justin nhắc lại lời mẹ.
Nhờ những lời này, lũ trẻ hiểu rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng mỹ mãn. Chỉ khi biết “xắn tay áo lên làm việc chăm chỉ” và đối mặt với khó khăn, chúng mới có thể sống một cách tốt đẹp.
Không chỉ khuyến khích các con lao động, cách phân công việc nhà của bà mẹ này cũng rất độc đáo. Bà không chỉ định nhiệm vụ riêng biệt cho từng cá nhân, mà giao cho 3 đứa trẻ một danh sách các việc cần làm.
Justin, Daniel và Damien sẽ phải tự thương lượng và phân chia việc nhà với nhau. Ngoài ra, không ai được phép chơi điện tử cho đến khi hoàn thành tất cả mọi thứ.
“Chúng tôi từng nghĩ như thế là bất công, nhưng cũng nhờ thế mà học hỏi được nhiều điều”, người anh cả cho biết. “Thay vì chỉ nghĩ cho bản thân, chúng tôi coi nhau như một tập thể. Chúng tôi cố gắng hoàn thành mục tiêu như một đội, cùng nhau hợp tác, xử lý và chịu trách nhiệm cho từng công việc”.
Cứ như vậy, ba anh em tự phân tích thế mạnh và điểm yếu của nhau, tính toán khối lượng công việc, sau đó phân công nhiệm vụ phù hợp từng người. Kỹ năng làm việc nhóm của họ cũng nhờ thế mà tiến bộ theo năm tháng.
Sau này, cả Justin và Daniel đều áp dụng “Luật giáo dục việc nhà” của mẹ vào việc quản lý công ty và hoàn thành mục tiêu đặt ra.
“Đối với bất kỳ startup nào, mọi người cùng ngồi trên một con thuyền. Ai làm gì hay ai hưởng thành quả đều không quan trọng. Chúng ta cần làm tốt một số việc cụ thể để thành công. Khi thành công, tất cả đều là người chiến thắng. Khi thất bại, tất cả đều là kẻ thua cuộc”, vị triệu phú này cho biết.
Làm thế nào để trẻ thích thú làm việc nhà?
Nghiên cứu của ĐH Harvard cho thấy, trẻ em thích làm việc nhà có cơ hội việc làm cao hơn gấp 15 lần, trong khi tỷ lệ phạm tội giảm gấp 10 lần. Ngoài ra, khả năng ly hôn hay mắc bệnh lý tâm thần của những đứa trẻ này cũng thấp hơn nhiều.
Các chuyên gia Montessori cũng khuyên rằng làm việc nhà là phương pháp hay nhất để trẻ vận động cơ thể và hình thành nhiều tính cách tốt cho tương lai.
Yêu cầu con làm việc nhà thì dễ, nhưng làm thế nào để trẻ duy trì và thích thú với thói quen này mới khó. Phụ huynh cần ghi nhớ những điểm quan trọng sau đây:
1. Để trẻ cảm nhận được tầm quan trọng của mình
Trẻ con luôn muốn được công nhận trong mắt người lớn. Vì thế, phụ huynh có thể nói với con rằng nếu con làm việc nhà sẽ giúp ích rất nhiều cho gia đình, cũng như tiết kiệm thêm thời gian để cả nhà quây quần bên nhau.
2. Cho trẻ toàn quyền lựa chọn
Cha mẹ nên lập sẵn danh sách những việc mà con có thể làm, sau đó cho con chọn 1-2 việc. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy mình có quyền được lựa chọn và kiểm soát, tăng cường sự tự tin vào bản thân. Nhờ vậy, con sẽ sẵn sàng làm việc mình đã chọn.
3. Giải thích chi tiết việc nhà và làm mẫu cho trẻ
Một khái niệm chung chung (như “dọn dẹp phòng”) có thể khiến trẻ bối rối và nản lòng. Phụ huynh nên liệt kê cụ thể từng bước cần làm (như “cất đồ chơi vào hộp”, “xếp sách lên kệ”,… ) để trẻ hiểu chính xác yêu cầu. Ngoài ra, cha mẹ nên làm mẫu trước để trẻ có thể tự mình làm theo sau đó.
4. Khen thưởng
Khen ngợi và trao thưởng sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt. Cứ mỗi bước trẻ hoàn thành trong công việc, phụ huynh có thể thưởng cho trẻ một ngôi sao nhỏ, phiếu khen,… Không nên cho trẻ tiền hay phần thưởng vật chất.
5. Không đòi hỏi sự hoàn hảo
Ở độ tuổi này, trẻ chỉ cần tích cực tham gia làm việc nhà, không cần quá quan tâm kết quả. Nếu con giặt tất không đủ sạch, lau bàn không đủ sáng, phụ huynh cũng không nên mắng con. Việc chỉ trích sẽ khiến con mất tự tin và bớt hợp tác.
Nguồn: Tổng hợp