Chia sẻ về xu hướng nuôi dạy con như các nước phương Tây của nhiều cha mẹ Việt khi để trẻ tự do làm điều chúng muốn, độc giả Lâm nêu quan điểm: "Tôi đi du lịch cũng thấy cách người phương Tây dạy trẻ. Tuy nhiên, phương pháp dạy trẻ em của họ có hàm lượng chất xám rất cao trong đó. Nếu không biết rõ phương pháp, bạn sẽ chỉ là bắt chước về mặt hình thức.
Ở ta, nhiều người rất giỏi nói suông, thấy Tây thế nào cũng phải làm theo như thế mà không hiểu rõ bản chất và phương pháp bài bản ra sao? Trẻ em phương Tây ngoan dù được để phát triển tự do là nhờ có phương pháp giáo dục, chứ đâu phải tự nhiên mà có. Trong khi đó, chúng ta chỉ bắt chước cái mình thấy trước mắt không thèm quan tâm người ta thực hiện nó thế nào?".
Đồng quan điểm, bạn đọc Alice giải thích về phương pháp nuôi dạy con kiểu tự do của phương Tây: "Ở Pháp, bố mẹ không đánh mắng nhưng phần lớn trẻ rất ngoan, tự lập từ nhỏ, không mè nheo khóc lóc ở nơi công cộng. Trẻ tự ngủ riêng từ khi còn bé, sớm biết tự xúc ăn, tự tắm gội. Câu 'cảm ơn', 'xin lỗi', 'chúc một ngày tốt lành' là những câu trẻ thường giao tiếp ở cấp mẫu giáo.
Ở tuổi tiểu học, trẻ có khả năng phản biện, khả năng trình bày độc lập và đa phần rất bạo dạn, tự tin. Khi trẻ nhỏ phản đối, bố mẹ thường rất kiên nhẫn giải thích cho đến khi trẻ nín khóc thay vì quát nạt, đánh mắng.
Bố mẹ cũng có quy tắc rất nhất quán, và có giới hạn trong sự tự do. Ví dụ, không có chuyện hôm nay bố mẹ cấm trẻ xem tivi nhưng hôm sau vui vui lại cho trẻ xem thoải mái. Cấm ăn món tráng miệng hay bánh kẹo yêu thích, không được mua đồ chơi trong một thời gian nhất định cũng là các hình phạt các bố mẹ hay áp dụng.
Hàm lượng chất xám của cách giáo dục là một phần, bản thân các bố mẹ - chủ thể thực hiện việc giáo dục trẻ - cũng rất có nguyên tắc, giữ lời hứa với con, nhất quán, mẫu mực trong hành xử ở nơi công cộng và tôn trọng trẻ".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dạy trẻ có phương pháp, lộ trình, độc giả Minh Nhựt chia sẻ: "Tất cả đều phải có phương pháp. Và phương pháp ấy là cả một quá trình nghiên cứu, thí điểm, áp dụng và sửa chữa một cách nghiêm túc, trên phạm vi xã hội và trải qua nhiều thế hệ.Nếu chúng ta chỉ nhìn vào kết quả, bắt chước hình thức thì khó mà nắm được hết. Sách chính là chìa khóa đầu tiên dẫn ta vào phương pháp ấy.
Tôi không chắc tất cả chúng ta đều là người bố mẹ tốt, đủ kiến thức và kinh nghiệm sống và tuổi đời để có phương pháp dạy con đúng đắn. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng những cha mẹ có đọc sách sẽ tốt hơn".
"Ai cũng nói phương Tây dạy con thế này, thế kia, sao chúng ta không học theo giống họ? Theo tôi, Tây cũng tuỳ theo mỗi nước. Ở Pháp không thể giống ở Mỹ được. Mỗi quốc gia sẽ có một quy chuẩn xã hội riêng. Nhưng điều cơ bản nhất là muốn dạy con giống Tây thì bản thân cha mẹ cũng phải giống Tây đã. Cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu của trẻ", bạn đọc Mai Quan Hoang nói thêm.
Chia sẻ về phương pháp dạy con hiệu quả của gia đình mình, độc giả Phạm Thị Thu cho rằng cần có sự thay đổi trước tiên trong tư duy của cha mẹ: "Phụ huynh hãy cho con mình được độc lập quyết định một số vấn đề từ đơn giản đến phức tạp tùy theo độ tuổi và tính cách của trẻ. Đặc biệt, hãy tôn trọng sở thích cũng như quyết định của chúng nếu như quyết định đó không ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ và chúng sẽ tập chịu trách nhiệm trên quyết định đó.
Hãy cho trẻ làm việc nhà để thấy được giá trị sức lao động và trân trọng công sức bố mẹ. Bên cạnh đó, bạn cũng phải cực kỳ kiên nhẫn trong việc giải thích, chứng minh đúng sai bằng lập luận thuyết phục trẻ chứ không phải bằng đòn roi, áp đặt suy nghĩ.
Tôi có một cô con gái 12 tuổi và một cậu con trai 9 tuổi thuộc dạng hơi cứng đầu, nhưng đã tự lập được rất nhiều việc: tự lựa chọn sách vở, quần áo, đồ dùng cá nhân, tự cân nhắc đắt rẻ, có nên mua không; tự chuẩn bị sách vở, ủi quần áo, xếp chăn màn, phơi, gấp quần áo cho bản thân và cả cho bố mẹ, rửa bát, quét nhà, quét sân, hút bụi, lau nhà, chà dọn nhà vệ sinh...; tự lên kế hoạch quản lý giờ giấc học tập, rèn luyện thể thao cho bản thân; đặc biệt, con tự giải quyết vấn đề của cá nhân, đưa ra quyết định và hiển nhiên các con sẽ phải học được cách tự đề xuất sự giúp đỡ, tư vấn của người lớn.
Cuộc đời con sẽ còn rất dài, không nói trước được điều gì. Cha mẹ đừng xem dạy con là một việc mệt mỏi, là trách nhiệm. Ngược lại, hãy trải nghiệm nó như sự hưởng thụ niềm vui, hạnh phúc, gắn bó trong cả chặng đường giáo dục con trẻ".
Thành Lê tổng hợp