Trong thời đại hiện nay các bậc phụ huynh thường bận rộn công việc cả ngày, không có nhiều thời gian để nói chuyện, giao tiếp với con. Họ nhận thấy càng lớn con cái càng ít nói chuyện với mình, cũng không hiểu được trẻ đang nghĩ gì. Thực ra, chỉ cần 30' - 1h trước khi đi ngủ, cha mẹ có thể tận dụng quỹ thời gian quý báu này để nói chuyện với trẻ, trẻ sẽ gặt hái được nhiều thứ trong tương lai.
Việc trò chuyện với trẻ không chỉ dừng lại ở ý nghĩa gắn kết hay sẻ chia mà tất cả những gì cha mẹ nói với trẻ sẽ quyết định không nhỏ đến việc hình thành nhân cách và tương lai của trẻ. Nói cách khác, khi cha mẹ giao tiếp với trẻ tức là cha mẹ đang định hướng quá trình phát triển của các con.
Đồng thời, thông qua cuộc trò chuyện này, cha mẹ có thể kịp thời phát hiện những điều thú vị hay những vấn đề, khó khăn mà con gặp phải một cách kịp thời.
Từ đó các bậc phụ huynh sẽ nắm rõ được tình hình của con; nếu trẻ có vấn đề, cha mẹ sẽ kịp thời can thiệp.
Câu hỏi 1: "Hôm nay con có vui không?"
Sau khi tan học, con đã phải xa mẹ một ngày, đương nhiên có rất nhiều điều muốn nói với mẹ. Nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng thấy vui thích khi ở trường, trẻ có thể thấy nhớ mẹ hoặc bị bạn cùng lớp bắt nạt... những điều khó chịu này không thích hợp để hỏi trẻ ngay sau khi tan học.
Trước khi đi ngủ, mẹ dành thời gian để hỏi trẻ thì câu nói đầu tiên mẹ nên dẫn dắt trẻ đi theo hướng tích cực. Ví dụ mẹ có thể hỏi trẻ: "Hôm nay con có vui không"? Nếu trẻ đang vui vẻ thì chắc chắn con sẽ nói và nói chuyện với mẹ không ngừng. Còn nếu bé buồn hoặc in lặng không muốn nói gì thì có thể bé đang không vui.
Để giúp trẻ thấy gần gũi, dễ dàng tâm sự với cha mẹ, các bậc phụ huynh nên đứng ở vị trí của trẻ, hạn chế việc sử dụng các ngôn ngữ phê phán, chê trách tiêu cực. Khi thường xuyên được cha mẹ lắng và thấu hiểu tâm tư tình cảm, trẻ sẽ sẵn sàng giao tiếp với cha mẹ hơn, . Đây là điều tốt.
Hôm nay con đã chơi những trò vui gì cùng bạn?
Thời gian chơi cùng bạn chắc chắn là khoảng thời gian vui vẻ nhất khi ở trường, các mẹ có thể dẫn các bé đi theo hướng này để khơi gợi lại những kỉ niệm vui của bé, các bé sẽ nói chuyện với mẹ, bỏ lại những điều không vui ở phía sau.
Vào thời điểm này, tâm trí của trẻ tràn đầy những kỷ niệm đẹp của ngày hôm nay và có thể tràn đầy khao khát về cuộc sống trong ở trường vào ngày mai. Nhưng những điều không vui của trẻ thì sao? Dù bây giờ trẻ đã tạm quên đi nhưng cha mẹ vẫn cần lưu tâm đến điều đó: những điều gì khiến trẻ không hài lòng? Những việc đó có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ hay không?
Ngoài ra, thông qua giáo viên và các bạn cùng lớp của con, cha mẹ sẽ phần nào nắm được những vấn đề khó khăn trẻ gặp phải khi ở trường, từ đó tìm cách giúp trẻ giải quyết vấn để tốt hơn.
Ở lớp hôm nay con học được những gì hay?
Trẻ nhỏ thường không nhớ được lâu, việc học tất cả các môn ở ở trường nhiều khi khiến trẻ quá tải và không thể nhớ hết được kiến thức. Để có thể hệ thống lại những kiến thức trong ngày của trẻ, cha mẹ có thể tận dụng khoảng thời gian trước khi đi ngủ.
Vừa hỏi vừa cùng con nhớ lại kiến thức trong ngày khiến trẻ thấy thoải mái, vui vẻ và nắm vững kiến thức hơn rất nhiều.
Hôm nay con có giúp ai hạnh phúc không?
Lòng tốt và sự tử tế sẽ đưa mọi người đến gần nhau hơn, đó là cách giúp trẻ giao tiếp và kết bạn, xây dựng được những mối quan hệ tốt. Khi trẻ biết mở lòng “cho đi”, các con sẽ nhận lại được nhiều điều tốt đẹp hơn.
Khi thường xuyên hỏi trẻ về những điều chúng làm cho người khác, trẻ sẽ nhận thấy bản thân được cha mẹ coi trọng, khuyến khích; ghi nhớ những việc tốt mình đã làm từ đó hình thành nên tính cách tốt, biết giúp đỡ và yêu thương người khác từ khi còn nhỏ.
Con có cần cha mẹ giúp gì không?
Đôi khi, trẻ gặp khó khăn vì một bài toán khó, hoặc điểm số không cao, cha mẹ hãy lắng nghe con chia sẻ, từ đó đưa ra sự động viên và lời khuyên hữu ích.
Không chỉ nhưng khó khăn mà những việc sai lầm của trẻ cũng cần được giải quyết triệt để. Hãy dạy trẻ rằng mỗi sai lầm đều sẽ trở thành một bài học; luôn có những bài học được rút ra khi trẻ thành công hay thất bại; thay vì né tránh những điều khó khăn, hãy nắm lấy những cơ hội mà chúng có thể mang lại. Cha mẹ cũng nói về những thách thức của riêng mình và những gì chính bản thân đã học được - hoặc đang học - khi đối mặt với chúng.
Bằng cách quan tâm và chia sẻ, cha mẹ sẽ khiến con hiểu: Dù gặp bất cứ khó khăn nào, gia đình luôn đồng hành, giúp các co vượt qua thử thách.
Kế hoạch ngày mai của con là gì?
Để trẻ có một ngày mới tràn đầy năng lượng và niềm vui, cha mẹ hãy lên kế hoạch cùng với trẻ. Hãy tạo thói quen làm việc có kế hoạch cho trẻ ngay từ khi con nhỏ. Đây là cách tích cực để khuyến khích trẻ suy ngẫm và đặt mục tiêu cho bản thân, đồng thời nhắc nhở các con luôn phấn đấu để trở nên tốt đẹp hơn.
"Mẹ yêu con vì con là chính con"
Câu nói đơn giản trước khi đi ngủ sẽ nhắc nhở con biết rằng tình yêu của mẹ dành cho con là vô điều kiện.
Theo Mộc - VietNamNet