Một bà mẹ ở Mỹ bất ngờ nhận được email từ giáo viên trường mầm non nơi con trai chị đang học. Bé và các bạn bị bắt gặp đang cởi quần và để lộ vùng kín cho nhau nhìn trong giờ ăn trưa. Trong email, cô giáo viết rằng hành động đó không phải là điều bất thường ở độ tuổi của bé nhưng trong trường học thì không phù hợp.
Bà mẹ đã có buổi nói chuyện với con trai và hi vọng các phụ huynh khác cũng nên nhắc nhở con mình về chuyện này.
Tuy nhiên, đối với nhiều phụ huynh, xử lí một tình huống như vậy không phải là chuyện dễ dàng.
Theo chuyên gia về giáo dục giới tính Deborah Roffman, việc trẻ em 4-5 tuổi tò mò về những bộ phận kín trên cơ thể là điều "bình thường, có thể lường trước được và hoàn toàn vô hại". Ảnh: Parentology.
Có rất nhiều hành động của trẻ với cơ thể khiến bố mẹ cảm thấy không thoải mái. Chúng ta ít khi nhìn thấy trẻ em ở trần nơi công cộng, để tay dưới đũng quần, cho nhau xem vùng kín trong căng tin của trường học như ví dụ nói trên hay thốt ra những từ như "dương vật" và "mông đít" ngay trong giờ học.
Trong khi ở những nơi công cộng như trường học, những chuyện như vậy có thể thỉnh thoảng mới diễn ra, thì tại nhà các bé thể hiện sự tò mò về cơ thể của mình nhiều hơn. Đây là điểm cần được các bậc phụ huynh lưu ý.
Như lời của giáo viên trong trường hợp trên, hành động của các bé hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi. Tuy nhiên, nhà trường có các quy định và các bé cần được hướng dẫn để tuân thủ. Vậy các bậc phụ huynh phải làm thế nào để nói chuyện với con mình về những giới hạn mà các bé được làm với cơ thể của mình đồng thời không khiến các bé cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi?
Dưới đây là một số nguyên tắc có thể giúp các bậc cha mẹ làm được điều này.
Hãy thừa nhận sự tò mò của trẻ về cơ thể mình
Nói một cách khác, đừng chỉ trích hay khiến bé cảm thấy xấu hổ vì tò mò với cơ thể mình. Theo chuyên gia về giáo dục giới tính Deborah Roffman, cơ thể là lớp học đầu tiên của trẻ. Bà cho rằng đối với trẻ, những âm thanh từ cơ thể và những gì bắt nguồn từ cơ thể đều "không ngừng lôi cuốn".
Bà khẳng định việc trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ khám phá bộ phận sinh dục của mình là điều hoàn toàn tự nhiên, đặc biệt là khi các bé không dùng bỉm nữa và có thể nhìn thấy các bộ phận này.
Theo bà, đến 4-5 tuổi, hành vi này sẽ trở nên có chủ ý hơn và đó cũng là điều "bình thường, có thể lường trước được và hoàn toàn vô hại".
Theo giáo sư Tanya Coakley, nói chuyện với trẻ về cơ thể và tình dục sẽ mở đường cho trẻ tâm sự với cha mẹ sau này khi lớn lên. Những cuộc nói chuyện đó sẽ có ảnh hưởng tích cực tới trẻ, khiến trẻ cảm thấy thoải mái về cơ thể mình và có thể sau này có gì thắc mắc, trẻ sẽ tìm tới cha mẹ. Theo một nghiên cứu của giáo sư, những cuộc nói chuyện này sẽ làm giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, lây các bệnh về tình dục và giảm các hành vi xấu về tình dục về sau này.
"Điều quan trọng là cần có các cuộc trò chuyện với trẻ mang tính cởi mở, trung thực, không phán xét và có tính giáo dục", giáo sư Coakley nói.
Chuyên gia Roffman cho rằng có nhiều động cơ cũng như sự bộc phát khiến trẻ sờ lên người hay cởi quần áo nơi công cộng. Chạm tay vào cơ quan sinh dục có thể khiến trẻ thấy thoải mái và dễ chịu. Đôi khi trẻ cởi quần áo vì trẻ thấy điều đó rất vui, hoặc cảm thấy muốn vượt qua các giới hạn của bản thân. Nhưng trên hết, những hành động này của trẻ bắt nguồn từ mong muốn khám phá cơ thể và đó là mong muốn lành mạnh.
Điều khiến trẻ cảm thấy xấu hổ là khi trẻ làm điều gì đó mà trẻ thích nhưng bị nhận xét rằng đó là hành động xấu xa. Cảm giác xấu hổ có sức mạnh ghê gớm, có thể tàn phá cách trẻ nhìn nhận bản thân cũng như cơ thể của mình. "Điều đó cũng khiến trẻ cảm thấy bối rối và không hiểu đã làm gì sai. Trẻ sẽ ở trong tâm trạng lo lắng về hành động của mình", bà phân tích.
Saleema Noon, một chuyên gia giáo dục giới tính ở Canada, cho biết: "Chúng tôi muốn ngay từ nhỏ trẻ được học rằng các cảm xúc về tình dục là hoàn toàn lành mạnh. Nếu trẻ khám phá bộ phận sinh dục của mình và những người xung quanh nói với trẻ rằng đó là hành động xấu xa hay bẩn thỉu thì điều đó sẽ ảnh hưởng tới trẻ một cách tiêu cực. Sự tiêu cực đó sẽ bám theo trẻ trong các mối quan hệ sau này".
Sử dụng đúng từ ngữ cho các bộ phận của cơ thể
Chuyên gia Roffman cho rằng việc cha mẹ sử dụng ngôn ngữ có thể tăng cường và cũng có thể phá hỏng khả năng giao tiếp của trẻ. Nếu như chúng ta biết được sự khác nhau giữa mặt và cổ họng, thì các bé gái cũng nên biết sự khác biệt giữa âm hộ và âm đạo. Ngoài ra, theo bà phụ huynh hãy tránh sử dụng từ lóng để gắn với các bộ phận của cơ thế hay những từ nói giảm nói tránh như "vùng kín".
"Một giáo viên có thể cảm thấy e dè khi dùng từ "dương vật". Nếu chúng ta đừng e dè thì thế giới này có phải đẹp đẽ hơn không? Đó chỉ là những bộ phận của cơ thể và chúng không phải là những bộ phận cấp thấp", bà nói.
Hãy tạo giới hạn về thời gian và địa điểm
Theo chuyên gia Roffman việc thừa nhận sự tò mò của trẻ đối với cơ thể, cha mẹ cũng nên đặt ra các giới hạn. Nếu con bạn sờ vào bộ phận sinh dục ở nơi công cộng, hãy nói với bé rằng: "Bố/mẹ biết điều đó khiến con cảm thấy dễ chịu. Cơ thể chúng ta là điều tuyệt vời và đem lại cảm giác tuyệt vời. Nếu nhìn xung quanh con sẽ thấy không ai làm như vậy. Nhưng con có thể làm điều đó trong phòng ngủ hay phòng tắm của con bất kì khi nào con muốn".
Hoặc bạn cũng có thể nói: "Bố/ Mẹ biết cởi truồng là rất vui, nhưng ở trường học, chúng ta cần mặc quần áo khi chơi đùa".
Giáo dục giới tính có nhiều chủ đề khiến các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng hoặc bối rối. Ảnh: Parentology.
Cho trẻ biết khi nào KHÔNG cho người khác đụng chạm vào cơ thể
Roffman cho rằng trong các cuộc nói chuyện với trẻ, cha mẹ hãy phân tích cho trẻ những lúc nào người khác có thể chạm vào người trẻ và những lúc nào thì không.
Ví dụ trẻ có thể để người khác chạm vào người trong trường hợp cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ đưa trẻ đi tắm hoặc thay bỉm cho trẻ hay bác sĩ khám bệnh cho trẻ.
Bạn có thể nói với con: "Trừ phi cha mẹ nói trước với con về lí do còn lại không ai lớn tuổi hơn con được phép sờ dương vật hay âm hộ hay miệng của con" và "Nếu ai đó chạm vào người con hay nhìn con mà khiến con cảm thấy không ổn, con hãy nói với người lớn khác ngay lập tức".
Ngoài ra, theo giáo sư Coakley, cha mẹ hãy nói rõ với con rằng người lớn không được bắt trẻ giữ kín một bí mật nào.
Hãy tự thực hành trước khi thực sự nói chuyện với trẻ
Giáo dục giới tính có nhiều chủ đề khiến các bậc cha mẹ cảm thấy lo lắng hoặc bối rối và đây là điều dễ hiểu.
Vì vậy theo giáo sư Coakley, bố mẹ nên thực hành trước các cuộc trò chuyện bằng cách một người đóng vai cha/mẹ và người kia đóng vai con. Bạn cũng có thể nhờ một người bạn đóng vai giúp. Bạn nên chú ý thực hành cách sử dụng từ ngữ, ngôn ngữ cơ thể và giọng nói của mình. Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với những từ chỉ các bộ phận sinh dục như "dương vật" hay "âm đạo", hãy thực hành cho tới khi bạn có thể dễ dàng nói ra những từ đó.
Theo giáo sư Natasha Cabrera (Mỹ), mặc dù thông thường người mẹ sẽ nói chuyện với trẻ về vấn đề giới tính, nhưng người cha cũng nên tham gia vì cha mẹ thường có cách tiếp cận hoặc diễn đạt khác nhau. Nam giới thường đi thẳng vào vấn đề và thường cung cấp thêm các thông tin mà không cần "kiểm duyệt" vì vậy điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy hứng thú.
Giáo sư cũng cho rằng cách tốt nhất để giải đáp sự tò mò là cung cấp thông tin cho trẻ. Ví dụ bạn có thể cùng con đọc một cuốn sách có hình ảnh về các bộ phận cơ thể người.
Lê Dung(Theo New York Times)
Nguồn: VNEXPRESS.NET