Đây là cha con tôi. Sau khi thấy phòng của hắn bẩn và bừa bộn, tôi nói với con rằng con phải dọn dẹp phòng ốc lại cho sạch sẽ gọn gàng. Nhưng nó đáp lại: Con thấy thế này là sạch sẽ gọn gàng rồi mà! Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì, nói gì?
Nếu để con được quyền nói, có thể nó sẽ bảo: nhưng tiêu chuẩn sạch sẽ của ba khác tiêu chuẩn sạch sẽ của con, với con thế này là sạch rồi! Bạn sẽ làm gì tiếp theo? Có để nó tranh cãi đến cùng với mình hay sẽ ra lệnh, áp đặt, và “cấm cãi”? Bạn sẽ quát lên: Đi dọn mau! Con cái hư đốn!; hay tử tế mà nói chuyện bình đẳng với nó?
Có thể cái lý của nó, với bạn, là sai, nhưng bạn cũng phải dùng lý lẽ để “khuất phục” nó, chứ không phải mang quyền uy ra để trấn áp. Bạn có thể ngồi cả tiếng đồng hồ để “lời qua tiếng lại” với con trong những tình huống thế này không? Và nếu bạn đuối lý, bạn có chấp nhận “thua” nó không?
Tôi thấy rằng đa số chọn phương án đầu, là quát lên và ra lệnh, nếu còn đôi co thì có thể ăn đòn. Một số trường hợp khác là “thao túng tâm lý” bằng các lập luận ngụy biện hoặc “khổ nhục kế”. Như thế là ta đã tước mất đi cái quyền nói của con, ta dạy cho nó cái tính nô lệ bằng chính sự bất công và sức mạnh của mình. Ta biến đứa trẻ thành kẻ nghe lời nhưng không phục. Và tôi hình dung, những đứa trẻ như thế sau này sẽ trở thành kẻ chỉ biết cúi đầu nghe theo hoặc tàng chứa những sân giận trong lòng, và sẽ bùng nổ bất cứ lúc nào.
Tôi không nghĩ rằng người Việt “hiền lành”, đó phần nhiều là tâm lý nô lệ do môi trường chuyên chế gây ra, cái môi trường từ gia đình, nhà trường đến xã hội. Chính vì thế, khi đã “nắm được quyền lực”, họ sẽ sẽ như biến thành một “người khác”: một ông chồng gia trưởng vũ phu, một trưởng nhóm/ trưởng chuyền cay nghiệt, một quan chức chuyên quyền..., dù trước đó, lúc còn ở vị trí thấp (là con, là công nhân, là dân thường, họ rất “hiền lành”).
Ai cũng muốn có những đứa con “ngoan”, “nghe lời”, nhưng tôi thấy, phần đa đã đạt đến kết quả ấy bằng bạo lực, từ bạo lực ngôn từ đến bạo lực tâm lý, hành vi. Chúng ta “dạy” ra những đứa trẻ bằng quyền hành của mình thay vì bằng sự tôn trọng, hiểu biết và sự kiên trì.
Với cung cách ấy, cha mẹ thường chỉ có những “đứa con ngoan” khi chúng còn nhỏ hoặc đang bị phụ thuộc; cũng với cung cách ấy, xã hội thường chỉ có những thần dân khi họ còn yếu thế, nhưng một khi có biến, thì lập tức cái đám đông ấy có thể trở thành một sức mạnh mù quáng và tàn bạo, như lịch sử đã bao phen chứng kiến.
Tự nguyện tham gia gói sách với ba, và trước đó đã bảo: “Năm phần trăm nha ba”
Bạn tôi đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy tôi ngồi “cãi nhau” với thằng con 12 tuổi của mình suốt cả tiếng đồng hồ như đã kể trên. Dễ chịu không? Chắc chắn không dễ chịu, vì ta chỉ muốn chúng “răm rắp nghe lời”. Với ta, việc cãi lại này không những là “hư” mà còn lắm lúc được nâng lên thành “bất hiếu”.
Tôi sợ sự chuyên chế và độc tài đến mức đã bắt đầu khước từ nó từ trong gia đình. Theo cách này, có thể tôi sẽ thất bại trong lựa chọn dạy con của mình, nhưng dù bất luận thế nào, tôi cũng không muốn con cái mình trở thành một kẻ nô lệ hoặc chuyên quyền, độc ác. Tôi muốn nó là một người độc lập, biết tự suy nghĩ và tự chịu trách nhiệm.
Với cách này, hiện nay tôi đang có một đứa con “không ngoan” và có thể sẽ "thất bại"; nhưng ngược lại, trước mắt và hiện tại, tôi có một người bạn và một “trợ thủ đắc lực”. Thôi, bước đầu cứ an ủi vậy đã.
Nhà giáo Thái Hạo