Cha mẹ nào cũng yêu thương và mong con cái trở nên nổi bật. Vậy nên họ không tiếc tiền đầu tư vật chất, cũng như điều kiện giáo dục tốt nhất cho con. Tuy nhiên nhiều cha mẹ lại bỏ qua việc rèn luyện những kỹ năng sống quan trọng. Dù học có giỏi đến mấy mà thiếu kỹ năng sống thì khi va vấp ngoài cuộc đời, con cũng bị hẫng và khó mà hòa nhập với tập thể.
Theo bà Lý Mai Cẩn, giáo sự tại Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, nếu trước 7 tuổi trẻ có những kỹ năng sau thì bố mẹ không cần lo lắng. Tương lai con sẽ rất xán lạn.
Giáo sư Lý Mai Cẩn.
1. Biết chăm sóc bản thân ở một mức độ nhất định
Đây là điều mà các chuyên gia về giáo dục, nuôi dạy trẻ đã nói rất nhiều. Việc bố mẹ bao bọc quá mức, làm cho con mọi việc từ A-Z chẳng những không tốt mà còn gây hại đến tương lai của trẻ. Thay vì nuông chiều mù quáng, bố mẹ hãy để con tự lập, tự làm các công việc phù hợp với độ tuổi. Như vậy, khi đi học mẫu giáo hay đến khi trưởng thành, con đều có thể tự chăm sóc bản thân.
2. Có thái độ tốt
Khi con còn nhỏ, cha mẹ nên vun đắp cho con một thái độ tốt khi đối mặt với những tình huống xảy ra hàng ngày. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến các hành vi của con. Xã hội của chúng ta ngày càng cạnh tranh. Chỉ khi có thái độ tốt thì khi gặp khó khăn, con mới có thể tiếp tục làm việc chăm chỉ, không bỏ cuộc và luôn nỗ lực để làm mọi việc tốt hơn.
3. Có kỹ năng giao tiếp tốt, biết xử lý các mối quan hệ cá nhân
Cả trong cuộc sống cá nhân và công việc, chúng ta đều cần các mối quan hệ nhất định. Nếu trẻ biết cách giao tiếp, xử lý các mối quan hệ cá nhân thì sẽ rất có ích cho cuộc sống khi trưởng thành. Khi gặp khó khăn, trẻ có người trợ giúp, tốt hơn nhiều so với việc đối mặt mọi thứ một mình.
Để rèn luyện kỹ năng giao tiếp, cha mẹ có thể để con tiếp xúc với những đứa trẻ khác hoặc tham gia nhiều hoạt động tập thể hơn. Những đứa trẻ sẵn sàng giao tiếp và có tính lịch sự thường được người khác yêu thích.
4. Trẻ giỏi khám phá và phát hiện ra sự khác biệt của sự vật xung quanh
Trẻ nhỏ luôn cảm thấy lạ lẫm với thế giới xung quanh và muốn trải nghiệm, khám phá mọi thứ. Lúc này, cha mẹ hãy để con được thỏa mãn trí tò mò, tất nhiên là trong một môi trường an toàn. Khi trưởng thành, trẻ có sức sáng tạo mạnh mẽ hơn, cùng sự dũng cảm đối mặt với khó khăn. Vì vậy, trẻ biết cách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng.
Cha mẹ nên nhớ, trong quá trình sáng tạo, trẻ có thể gặp phải sự cố nhỏ nhưng đừng quá lo lắng mà cấm đoán, không cho con được tự do khám phá. Điều này có thể cản trở sự sáng tạo, bản năng tìm tòi của trẻ.
Trẻ có thể sai lầm nhưng nó cũng dạy cho trẻ những bài học mới. Thực tế không chỉ trẻ, mà ngay cả người lớn cũng có thể sai lầm. Vậy nên việc của chúng ta là buông tay đúng lúc, đúng nơi, trở thành chỗ dựa vững chắc để con khám phá hết tiềm năng của bản thân.
Theo Pháp luật & Bạn đọc