Bạo lực lời nói tác hại không kém bạo lực thể chất
Có một đoạn video từng viral trên mạng, với nội dung phỏng vấn một đứa trẻ tức giận và bất lực kể lại việc người lớn coi thường mình như thế nào: "Khi không làm được bài tập về nhà, mẹ luôn gọi con là con heo ngu ngốc không biết làm gì cả. Con ăn uống không sạch sẽ, mẹ mắng con không được tích sự gì. Ngay cả khi ra ngoài chơi, mẹ vẫn phải chỉ trích, cằn nhằn khó chịu".
Có một chàng trai trẻ khoảng 20 tuổi đã bình luận bên dưới video như sau: "Khi tôi còn nhỏ, bố tôi luôn mắng tôi. Ông sẽ mắng tôi nếu tôi không làm tốt bài tập về nhà. Ông sẽ mắng tôi nếu quần áo của tôi bị bẩn. Ông sẽ mắng tôi ngay cả khi tôi đánh trả sau khi bị bắt nạt. Những điều này khiến tôi nghi ngờ bản thân mình. Có đúng là vậy không? Nếu tôi không làm tốt việc gì thì phải chăng tôi kém hơn người khác nhiều? Cho đến ngày nay, mặc cảm tự ti đó luôn xuất hiện gây rắc rối. Tôi cần phải nỗ lực vượt qua và chữa trị nó".
Bạo lực bằng lời nói có hại như thế nào? Tiến sĩ Trường Y Harvard khẳng định: Nó có thể thay đổi cấu trúc não và giảm chỉ số IQ của trẻ.
Nghiên cứu của một nghiên cứu sinh tiến sĩ tên Martin Teicher từ Trường Y Harvard cho thấy bạo lực bằng lời nói có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ba vùng não của trẻ: thể chai, hồi hải mã và thùy trước trán. Trong 3 vùng này, một vùng chịu trách nhiệm truyền tải thông tin về động lực, cảm giác và nhận thức giữa hai bán cầu não; một vùng não chịu trách nhiệm quản lý cảm xúc và vùng còn lại chịu trách nhiệm suy nghĩ và ra quyết định.
Những đứa trẻ tiếp xúc với bạo lực bằng lời nói trong một thời gian dài sẽ bị giảm đáng kể kích thước vùng hải mã và thể chai. Nói cách khác, nếu trẻ tiếp xúc với bạo lực bằng lời nói trong thời gian dài, trí nhớ và tốc độ phản ứng sẽ giảm sút, đồng thời chỉ số IQ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp.
Những đứa trẻ thường xuyên phải chịu bạo lực bằng lời nói như la mắng, lăng mạ, chửi bới từ cha mẹ có chỉ số IQ trung bình khi lớn lên chỉ đạt 112 điểm, thấp hơn 12 điểm so với những trẻ không bị bạo lực bằng lời nói.
Hơn nữa, những đứa trẻ thường xuyên bị la mắng sẽ bị suy giảm đáng kể khả năng học tập cũng như ham muốn học tập. Trên thực tế, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát về vấn đề chỉ trích, 90% trẻ em cho biết trong các cuộc phỏng vấn rằng chúng bị tổn thương bởi những lời nói của người lớn và hơn 50% trẻ tin rằng cha mẹ và người lớn thích phê phán mình. Theo một thí nghiệm của Tiến sĩ Ethan Cross thuộc Đại học Michigan (Mỹ), mạch não xử lý nỗi đau tinh thần và nỗi đau thể xác tương tự nhau. Nói cách khác, khi cha mẹ xúc phạm con cái, tổn thương tinh thần mà con cái phải chịu cũng đau đớn như tổn thương thể xác.
Giáo dục mang tính áp đặt chỉ phản tác dụng
Đại đa số các bậc cha mẹ đều hy vọng con mình sẽ giỏi giang và thành công, nhất là với người thế hệ trước. Họ luôn tâm niệm rằng để nuôi dạy con cái, tôi đã bỏ ra biết bao công sức. Nhưng dù cha mẹ có học được gì và muốn giáo dục con mình như thế nào thì cũng cần lưu ý một điều: giáo dục mang tính áp đặt là không nên.
Việc để trẻ tiếp nhận bạo lực bằng lời nói, áp lực quá sớm không những không cải thiện được phẩm chất tâm lý của trẻ mà còn khiến chúng trở nên thận trọng và rụt rè quá mức. Những ảnh hưởng này sẽ kéo dài suốt đời và rất khó có thể hồi phục.
Trong 1 tập của chương trình Thiếu Niên Nói , có một cô bé học sinh vừa khóc vừa lớn tiếng phàn nàn với mẹ: "Tại sao mẹ luôn so sánh con với các bạn cùng lớp? Tại sao mẹ không bao giờ nhìn thấy sự nỗ lực của con?".
Kết quả là mẹ cô lạnh lùng đáp: "Thật ra là mẹ đánh con liên tục là vì với tính cách của con, nếu không đánh con sẽ không tập trung học".
Khi cô gái lau nước mắt và nói rằng tính cách của cô không thích hợp với cách giáo dục nghiêm khắc như vậy, mẹ cô vẫn nhất quyết giữ vững quan điểm của mình. Cô con gái thấy dù có nói gì cũng không thuyết phục được mẹ nên đã rơi nước mắt bước xuống khỏi sân khấu.
Chẳng bao lâu, cuộc trò chuyện này đã trở thành một chủ đề tìm kiếm nóng trên Weibo, và nhiều cư dân mạng đã nói: "Tôi thấy chính mình ngày xưa ở cô bé này".
Biết bao đứa trẻ đã lớn lên như thế này, bị cha mẹ "bạo lực" từ nhỏ đến lớn, dù là bằng đòn roi nhìn thấy được hay bằng lời nói vô hình.
Nhà tâm lý học nổi tiếng Marshall Luxemburg đã nói: "Có thể chúng ta không cho rằng cách nói chuyện của mình là bạo lực nhưng ngôn ngữ thường gây tổn thương cho bản thân và người khác". Nhiều bậc cha mẹ luôn bỏ qua điểm này và đánh đập, chế giễu, thậm chí bạo hành con một cách vô lương tâm. Nhưng họ chưa bao giờ nghĩ: Bạo lực bằng lời nói tuy không tấn công vào cơ thể nhưng lại tấn công vào tâm trí, và chỉ số sát thương đặc biệt nghiêm trọng.
Theo một nghiên cứu của Đại học Iowa ở Mỹ, chưa đến 20% những điều cha mẹ nói với con hàng ngày là tích cực và khích lệ. Trung bình mỗi đứa trẻ nhận được hơn 400 bình luận tiêu cực mỗi ngày, trong khi chỉ có hơn 30 bình luận tích cực. "Tại sao mày ngu thế?", "Việc nhỏ như vậy cũng không thể làm tốt được!", "Tại sao con không làm được trong khi bạn khác có thể làm được?", "Đừng khóc nữa. Nếu con còn khóc nữa, mẹ sẽ bỏ con cho người khác nuôi",... đó là những câu nói phổ biến mà rất nhiều bậc cha mẹ sử dụng để la mắng con cái mỗi ngày. Không phải họ không biết rằng những lời nói này sẽ làm tổn thương con cái, nhưng người lớn vẫn không kiềm chế được cảm xúc và trút giận lên đầu con mình.
Ảnh minh họa
Giao tiếp tốt với trẻ em không bao giờ là dễ dàng, suy cho cùng, trẻ em và cha mẹ có khoảng cách thế hệ nhiều năm và chênh lệch kinh nghiệm sống. Nhiều việc tưởng chừng dễ dàng đối với cha mẹ lại rất khó khăn đối với trẻ em, bởi vì chúng thực sự chưa biết hoặc chưa được học. Thế nên cha mẹ càng phải kiên nhẫn hơn, quan sát kỹ hành vi của con, cảm nhận kỹ tâm lý của con, phân tích nguyên nhân rồi đưa ra những yêu cầu cụ thể đối với con.
Thực ra, cách đơn giản nhất chính là hãy nhớ lại khi chúng ta còn trẻ, chúng ta cần sự giúp đỡ và tình yêu thương như thế nào từ người lớn? Khi chúng ta có thể kết nối với "đứa trẻ bên trong" của mình, chúng ta cũng có thể đối xử với con mình bằng sự đồng cảm, kiên nhẫn và yêu thương nhiều hơn. Sự hiểu biết và thấu hiểu này không chỉ giúp giáo dục con cái đúng đắn, mà cũng có thể chữa lành chính bản thân người lớn - những người cũng từng là những đứa trẻ.
Theo Phụ nữ mới