Trong quá trình nuôi dạy con cái, mọi bố mẹ đều mong muốn con thông minh, giỏi giang và ngoan ngoãn. Trên thực tế, trí thông minh của một đứa trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, không chỉ có gen di truyền, quá trình giáo dục hay chế độ dinh dưỡng.
Vào năm 2020, một cuộc khảo sát về tình trạng giáo dục con cái của 40.000 hộ gia đình tại 4 tỉnh thành khác nhau của Trung Quốc đã được Viện Khoa học Giáo Dục Trung Quốc thực hiện. Kết quả của khảo sát đã đưa ra những thông tin bất ngờ về bí quyết nuôi dạy, giáo dục con cái của hơn 40.000 bậc phụ huynh, đồng thời chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trí não, trí thông minh và kết quả học tập của trẻ.
Trước tiên, các nhà nghiên cứu thực hiện khảo sát này đã bày tỏ sự lo lắng trước tình trạng các bậc cha mẹ quan tâm đến thành tích của các con hơn là sự trưởng thành của chúng hàng ngày. Hầu hết phụ huynh đều ít chú tâm đến các yếu tố như: Khả năng giao tiếp của con cái, khả năng tự lập, sự thay đổi trong tính cách, sở thích, cảm xúc,... của con.
Và quan trọng nhất, ngoài gen di truyền, giáo dục,... những yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển, trí thông minh của một đứa trẻ có liên quan đến sự tương tác giữa phụ huynh và con cái. Cụ thể bao gồm yếu tố dưới đây:
1. Cha mẹ thường xuyên chơi với con cái
Khảo sát được thực hiện dưới hình thức lấy thông tin thông qua phiếu. Hơn 40.000 phụ huynh tham gia đã chia sẻ chân thực về quá trình nuôi dạy con cái cũng như những thiếu sót của bản thân trong hành trình làm cha mẹ.
Theo đó, số liệu của khảo sát chỉ ra những đứa trẻ sống trong gia đình có cả bố và mẹ thường xuyên đọc sách, làm việc, học tập và vui chơi cùng con thường có tỷ lệ học tập tốt hơn, cụ thể là chiếm 31,31%. Việc các bậc cha mẹ thường xuyên cùng con thực hiện các hoạt động đời thường như: Chơi trò chơi trí tuệ, chơi thể thao, cùng trò chuyện, cùng trải nghiệm những điều mới, cùng nhau sửa chữa, cùng nhau giữ bí mật,... có tác động không nhỏ đến sự phát triển trí não, cảm xúc và trình độ học tập của con.
Từ số liệu này, các nhà nghiên cứu khuyên cha mẹ dù có bận bịu đến mấy vẫn nên dành thời gian cố định mỗi ngày để vui chơi, chia sẻ với con cái.
2. Cha mẹ cho con phụ giúp việc nhà
Nhiều bậc làm cha mẹ cho rằng việc trẻ không cần phải làm việc nhà mà chỉ cần tập trung học tập là đủ. Thế nhưng, làm việc nhà lại là hoạt động không kém phần quan trọng đối với sự kết nối của con với gia đình, cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển và thành tích học tập của chúng.
Kết quả của khảo sát cho thấy những trẻ em biết làm việc nhà có kết quả học tập cao hơn những bạn còn lại. Trong số những gia đình cho rằng “chỉ cần học giỏi thì việc nhà có làm hay không không quan trọng”, chỉ có 3,17% trẻ có thành tích học tập xuất sắc, trong khi ở những gia đình cho rằng “con nên làm một số việc nhà”, tỷ lệ học sinh giỏi là 86,92%.
Các bậc phụ huynh nên nhớ, thói quen làm việc nhà sẽ giúp con cái nhận thức được vai trò của bản thân trong gia đình, ngoài ra còn thúc đẩy sự độc lập, chủ động của con trong quá trình học tập và khôn lớn.
3. Người cha cũng đóng vai trò quan trọng
Cuộc khảo sát chỉ ra chỉ có 10% gia đình có người cha là người chịu trách nhiệm giáo dục chính cho con cái. Chỉ số này cho thấy thực tế mẹ thường là người phụ trách nhiệm vụ hỗ trợ con trong việc học tập, nuôi dạy chứ không phải người cha.
Các nhà nghiên cứu cho rằng việc vắng bóng người tra trong quá trình dạy bảo, giáo dục con cái có thể gây ra những thiệt thòi cho trẻ, đặc biệt là với các bé trai. Cụ thể, việc thiếu sự giáo dục của người cha sẽ làm suy yếu bản dạng giới của trẻ, trẻ dễ bị mẹ bao bọc, che chở quá mức, nhiều em không có sự độc lập, thiếu sự giám sát kỷ luật, thậm chí dẫn đến nhiều vấn đề về cách cư xử, bộc lộ cảm xúc thái quá.
Khuê Hiền
Đời sống Pháp luật