Tính đến thời điểm đầu tháng 4, học sinh tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước nghỉ học hơn 2 tháng. Bên cạnh việc lo bổ sung kiến thức cho các em, thì điều đáng quan tâm là sớm nhận biết các biểu hiện về tâm lý, giúp các em không bị rơi vào trầm cảm do ở nhà quá lâu.
Theo chuyên gia tâm lý TS Vũ Thu Hương, các vấn đề về tâm lý này được chia làm 2 nhóm tuổi: Dưới 9 tuổi và trên 9 tuổi.
Đối với trẻ dưới 9 tuổi
Theo TS Vũ Thu Hương, với trẻ dưới 9 tuổi, do tích trữ nhiều năng lượng mà không có môi trường để giải tỏa, trẻ dễ trở nên quá hiếu động, phá phách, nghịch ngợm. Giải pháp là cha mẹ, người chăm sóc cần giảm các đồ bồi bổ năng lượng, tăng cường thể thao trong nhà, tìm cơ hội cho trẻ ra ngoài trời, tới các khu vực vắng người để giải tỏa năng lượng.
Trẻ cần được cha mẹ, thầy cô định hướng khi ở nhà quá lâu. Ảnh minh hoạ: TTXVN.
Nếu trẻ dưới 9 tuổi cảm thấy cô đơn, chán nản, thì sẽ có biểu hiện là mút tay, mút môi, sờ một bộ phận nào đó trên cơ thể... Khi đó cha mẹ cần tìm các việc phù hợp cho con làm như hướng dẫn con làm việc nhà; dành nhiều thời gian chơi, đọc sách cùng con hoặc ôm con trước khi ngủ, tâm sự, nói chuyện nhiều, chia sẻ với con và nhờ con cùng mình vượt qua khó khăn.
"Nếu trẻ dễ phát cáu, gây sự, hay khóc, ăn vạ... cha mẹ hãy để con tự nín. Sau khi con ngừng khóc hoàn toàn chừng 15 phút thì hãy nói chuyện, cư xử bình thường, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc. Ngày thường nên chơi cùng con, giao tiếp, trao đổi với con, tránh to tiếng...", TS Vũ Thu Hương chia sẻ.
Đối với trẻ trên 9 tuổi
Trẻ trên 9 tuổi được nhận định là tuổi teen, dễ khủng hoảng hơn nhiều. Vì vậy, theo TS Vũ Thu Hương, việc ở nhà nhiều sẽ khiến các em dễ lao vào các việc bị cấm như: Đọc truyện cấm, xem phim đen, nghiện game...
Với lứa tuổi này, các bậc phụ huynh cần bố trí lại thời gian biểu cho các em, yêu cầu các em sinh hoạt đúng giờ, hợp lý, không thức khuya, dậy muộn.
Một phương pháp hữu dụng đó là tạo điều kiện cho các em trở thành những quản gia, có trách nhiệm bằng niềm tin của gia đình. "Giao mọi việc từ phân công, quản lý cho các em tự xử; bàn luận về các vấn đề cuộc sống cùng bố mẹ; khích lệ các em vượt qua tính lười biếng để tự học tốt nhất; tìm kiếm thông tin qua sách báo tham khảo và bố trí thời gian ra ngoài dạo chơi", TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.
Trên thực tế, những diễn biến về dịch COVID-19 còn phức tạp, tâm lý lứa tuổi trẻ càng cần được bố mẹ quan tâm hơn nữa để tránh những trầm cảm không đáng có. Quan trọng nhất là gia đình nên luôn bên cạnh trẻ, động viên, trò chuyện, giúp trẻ cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Lê Vân/ Báo Tin tức