Chuyên gia tương tác với trẻ chậm nói. Ảnh: NV
Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ nhất là trẻ ở độ tuổi học nói phải nghỉ học do dịch COVID-19 kéo dài, trẻ ít giao tiếp hơn, có thể xem tivi, điện thoại nhiều hơn, dễ dẫn tới ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ, thậm chí chậm nói.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thị Kim Thêu, làm việc một Trung tâm nghiên cứu tâm lý trẻ em ở Hà Nội cho biết: Thời gian gần đây, tại Trung tâm tiếp nhận khoảng 70 trường hợp tới khám và tư vấn qua điện thoại về rối loạn sức khỏe tâm thần; trong đó có 90% số trẻ này có biểu hiện chậm nói. Nhiều phụ huynh gọi điện tới Trung tâm tư vấn có con chậm nói rơi vào độ tuổi trung bình từ 15 tháng- 32 tháng.
Theo đó, trẻ chậm nói có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sử dụng nhiều các thiết bị điện tử có thể liên quan đến nguy cơ chậm nói và ít giao tiếp ở trẻ. Các thiết bị này có thể khiến trẻ bớt nghịch ngợm hơn, chúng là mô hình tương tác một chiều, không phản ứng một cách phù hợp với hành vi của trẻ khiến trẻ không có tương tác lại. Đặc biệt, việc để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều sẽ khiến trẻ không có nhu cầu tương tác với người khác. Trẻ có thể sẽ thu mình, ngại nói, ngại tiếp xúc dẫn tới phát triển ngôn ngữ chậm.
Theo BS Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương, lời nói là phương tiện giao tiếp bằng lời, thể hiện bằng âm thanh. Ba thành phần chính của lời nói là phát âm, giọng nói và sự lưu loát. Rối loạn lời nói xuất hiện khi trẻ phát âm nhưng người khác không hiểu, chẳng hạn trẻ bị tật nói lắp, nói ngọng ngịu. Ngôn ngữ là phương tiện để thể hiện và tiếp nhận thông tin thông qua lời nói hoặc cử chỉ (ngôn ngữ tín hiệu, ngôn ngữ cơ thể). Ngôn ngữ là thước đo trí thông minh, vì vậy rối loạn phát triển ngôn ngữ nghiêm trọng hơn rối loạn lời nói. Chậm phát triển ngôn ngữ là khi ngôn ngữ của trẻ phát triển theo đúng trình tự, nhưng tốc độ chậm hơn.
Theo đó, cha mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu có nghi ngờ về sự phát triển ngôn ngữ của con; nhất là nếu thấy bé mất đi các kỹ năng đã học trước đó; trẻ không đáp ứng với âm thanh hoặc không phát ra âm thanh cần được đặc biệt chú ý. Bất thường ngôn ngữ được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp cải thiện khả năng giao tiếp của trẻ, mang lại những cơ hội tốt hơn cho trẻ.
Theo các chuyên gia, giai đoạn phát hiện trẻ chậm nói là giai đoạn trẻ từ 2- 3 tuổi. Giai đoạn này, cha mẹ cần quan tâm tới trẻ để phát hiện những biểu hiện bất thường. Thậm chí, ngay từ 4 - 6 tháng bố mẹ đã cần theo sát sự phát triển ngôn ngữ của con bởi lúc này, trẻ bắt đầu "ê, a", thậm chí có những trẻ ở giai đoạn này nói được những từ như "bà, mẹ…". Tuy nhiên đây là âm ngữ chứ không phải ngôn ngữ, tức là đứa trẻ đó nói nhưng không nói lại được theo yêu cầu của người khác. Nếu con chưa đạt được các mốc phát triển ngôn ngữ, cha mẹ cần đồng hành giúp con sớm theo kịp các bạn.
Nếu trẻ chậm ngôn ngữ ở mức độ nhẹ, phụ huynh cần tham khảo tư vấn của chuyên gia để có cách tương tác tại nhà với trẻ cho phù hợp. Trong trường hợp trẻ chậm nói ở mức độ nặng thì cần can thiệp ngôn ngữ một cách tích cực, càng sớm càng tốt.
Theo đó, cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp hỗ trợ trẻ chậm nói ở nhà như:
Hạn chế dần sự tiếp xúc của trẻ với thiết bị điện tử. Với những trẻ xem quá nhiều cần giảm thời gian cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử dần dần; không nên cắt hoàn toàn sự tiếp xúc đó và cắt ngay lập tức vì dễ dẫn tới tình trạng trẻ bị sốc tâm lý. Cha mẹ cần giảm từng bước một: giảm về mặt thời lượng cho trẻ xem ti vi, điện thoại; kiểm soát về mặt nội dung xem, luôn có người lớn ở bên cạnh.
Cha mẹ, gia đình cần tăng cường tương tác với trẻ. Việc tương tác với trẻ cần thực hiện nhất quán thời gian, địa điểm, không được chồng chéo nhau. Ví dụ như chia từng khung giờ nhất định, bố làm gì, mẹ làm gì cùng trẻ… Việc này phải làm đúng, đủ và đều chứ không phải làm khi có hứng, thì hiệu quả không thật sự rõ ràng. Phụ huynh ghi chép thấy khi nào con chủ động tương tác thì mới chuyển sang nội dung mới.
Đặc biệt, phụ huynh cần thay đổi những thói quen sinh hoạt xấu như: Để trẻ ăn, ngủ không theo thời gian nhất định, ít giao tiếp môi trường bên ngoài, không dám cho trẻ vận động ở môi trường rộng…
Bên cạnh đó, cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Phụ huynh không nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, bữa ăn của trẻ đảm bảo cân đối các thành phần dinh dưỡng giúp cho não bộ phát triển. Tiếng nói, ngôn ngữ cũng phản ánh sự phát triển và tương tác giữa não bộ với các cơ quan đích.
TN
Nguồn: baotintuc.vn