Chị Marisa Hillman đã chia sẻ câu chuyện trên Popsugar.
Đã đến lúc tôi phải chấn chỉnh lại hành vi của mình vì khi đi mua sắm với các con, thỉnh thoảng tôi quên không trả tiền. Ví dụ tôi cho phép con ăn một chiếc bánh, uống một chai nước trong siêu thị nhưng quên không nói với thu ngân để thanh toán. Lần khác, để dỗ các con, tôi đưa cho chúng đồ chơi trong siêu thị. Sau khi chơi chán, các cháu ném vào xe đẩy hàng. Đôi khi các món đồ kẹt dưới đáy xe nên tôi không nhận ra, vô tình mang về nhà.
Tôi biết bạn đang cảm thấy không hài lòng với hành vi của tôi nhưng nếu từng đi mua sắm với trẻ nhỏ, bạn có thể hiểu tại sao tôi lại sơ suất như vậy. Tôi tin rằng ăn cắp là hành vi sai trái nhưng đôi khi tai nạn vẫn xảy ra. Tôi không bao giờ tha thứ cho những hành vi ăn cắp có chủ đích, đặc biệt nếu đó là con cái mình.
Một ngày nọ, con gái 5 tuổi của tôi muốn mua đồ chơi nhưng không nói với mẹ. Thay vào đó, cháu ném món đồ này vào xe đẩy sau khi tôi đã thanh toán xong, chuẩn bị đẩy xe ra khu vực đỗ ôtô. Có lẽ cháu làm thế theo thói quen vì trước đây, tôi hay đưa đồ chơi để dỗ dành cháu và quên dưới xe đẩy. Rất may tôi kịp nhận ra và mang trả lại cho siêu thị.
Tôi giải thích với con rằng các mặt hàng trong siêu thị đều giá trị, phải trả tiền trước khi mang về nhà. Sau khi nghe tôi giải thích, con gái đã hiểu ra sai lầm của mình, hứa không tái phạm. Điều này làm tôi yên tâm vì tôi biết cháu chỉ vô tình chứ không cố ý lấy cắp đồ.
Từ đó, mỗi khi muốn món đồ bất kỳ, cháu đều hỏi tôi có được phép mua hay không. Nếu tôi lắc đầu, cháu miễn cưỡng đặt món đồ lại giá. Hành động này diễn ra vài tháng cho đến gần đây, cháu cố tình ăn cắp bộ đồ làm thủ công mà tôi không đồng ý mua.
Khi nhìn thấy món đồ, cháu đã rất thích, ôm đi khắp siêu thị và năn nỉ tôi cho phép mua. Tuy nhiên tôi lắc đầu đầy kiên định. Khi chúng tôi đến quầy thanh toán, tôi tưởng con đã từ bỏ, đem cất món đồ. Nhưng sau khi tôi thanh toán, cháu lén nhét món đồ vào túi hàng tôi bảo cháu xách.
Khi lái xe rời đi, tôi thấy con lấm lét, liếc ngang dọc nên nghi ngờ con che giấu điều gì đó. Sau khi tôi vặn hỏi, cháu thừa nhận đã lấy trộm món đồ thủ công vì quá thích.
Tôi vội tấp xe vào lề đường, hỏi: "Tại sao con làm như vậy? Con có biết làm thế là sai hay không? Nếu sai thì tại sao?". Cháu bảo biết đó là hành vi sai nhưng rất muốn có món đồ này. Lần đầu cháu lấy trộm đồ là vô ý và tôi đã xin lỗi thay con nhưng lần này là cố tình, tôi yêu cầu cháu tự đem trả lại.
Tôi lái xe quay lại siêu thị, đưa con vào gặp quản lý. Tôi yêu cầu cháu đưa trả món đồ, nhắc lại chính xác những gì cháu nói trong xe về lý do lấy trộm dù biết đây là hành vi sai và nói xin lỗi. Người quản lý nhẹ nhàng nói không sao, cảm ơn mẹ con tôi đã đem trả. Cháu đã khóc khi chúng tôi rời khỏi siêu thị và càng khóc lớn hơn khi tôi nói phạt cháu không được dùng thiết bị điện tử trong một tuần.
Tối hôm đó, vợ chồng tôi thảo luận với con về lý do hành động ăn cắp là xấu. Chúng tôi nhấn mạnh ăn cắp không chỉ là việc lấy đi món đồ mà không trả tiền. Trộm cắp đi đôi với lén lút và nói dối, hai hành vì chúng tôi kịch liệt phản đối, cho rằng không thể chấp nhận.
Kể từ đó, cháu không tái phạm nữa. Bản thân tôi cũng tự nhủ phải cẩn thận hơn khi đi siêu thị. Tôi không đưa cho con đồ chơi trong siêu thị chỉ để dỗ dành cũng không cho các cháu ăn đồ chưa trả tiền.
Trước khi thanh toán, tôi yêu cầu con gái kiểm tra giỏ hàng để đảm bảo không "cầm nhầm" món đồ nào. Cháu làm việc rất nghiêm túc. Sau vài lần được tôi giao nhiệm vụ, giờ cháu tự kiểm tra xe đẩy.
Cháu đã hiểu ra sai lầm của mình và cố gắng sửa chữa. Trong tương lai, con gái vẫn có thể mắc sai lầm nhưng tôi hy vọng những bài học từ thuở ấu thơ sẽ giúp cháu chống lại cám dỗ. Nếu cháu tiếp tục làm sai, tôi sẽ sử dụng những biện pháp cứng rắn hơn.
Theo Popsugar/ VnExpress