Trong một số trường hợp, nuông chiều con cái quá mức thực sự gây hậu quả xấu cho con trẻ. Nhiều trẻ được nuông chiều, khi lớn lên trở thành người ăn uống mất kiểm soát và hoang phí.

Amy Morin, tổng biên tập trang web Verywell Mind, nhà trị liệu tâm lý, tác giả của nhiều cuốn sách bán nhất nước Mỹ cho biết: "Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy rất vui khi mua tất cả mọi thứ cho con. Họ cho rằng, thật tuyệt khi cho con những thứ mà họ không thể có khi còn bé.

Những bữa tiệc sinh nhật xa hoa, những kỳ nghỉ sang chảnh, hàng đống thiết bị điện tử đời mới và những buổi đi chơi, mua sắm liên miên nhìn bề ngoài giống như con bạn có một tuổi thơ tuyệt vời. Tuy nhiên, cho trẻ quá nhiều tài sản, quá nhiều đặc quyền và quá nhiều cơ hội thực sự có thể không tốt cho chúng.

Trên thực tế, trong một số trường hợp, nuông chiều con cái quá mức sẽ khiến con trẻ thực sự không tự giác quan tâm tới cuộc sống của chúng và nó có thể gây hậu quả suốt đời cho nhiều đứa trẻ".

Các kiểu nuông chiều con

Nuông chiều con cái không chỉ là mua thật nhiều quà cho con vào những ngày lễ Tết. Nó còn có thể liên quan đến việc cho trẻ quá nhiều tự do và quá ít kỷ luật.

Cho quá nhiều

Cho dù đó là quá nhiều đồ chơi, quá nhiều buổi đi du lịch hay quá nhiều thiết bị điện tử, thì việc cho trẻ quá nhiều thứ đều có thể gây hại. Trẻ em cần thời gian nghỉ ngơi và chúng cũng cần cơ hội để học cách tự giải trí.

Chăm chút quá mức

Cha mẹ làm quá nhiều việc cho con cái sẽ ngăn cản chúng học những kỹ năng cần thiết để sau đó có được sự độc lập trong cuộc sống. Làm bài tập về nhà cho con hoặc bố mẹ "ra tay" giải quyết mọi vấn đề khiến con khó chịu có thể cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Cha mẹ không đề ra kỷ luật

Không xây dựng sự kỷ luật hoặc giới hạn lành mạnh cho con cái có thể khiến sau này chúng trở thành người lớn vô kỷ luật. Điều này có thể bao gồm việc bố mẹ không giao việc nhà cho trẻ hoặc nhượng bộ mỗi khi trẻ nổi cơn thịnh nộ.

Lý do cha mẹ nuông chiều con quá mức

Có nhiều nguyên nhân khiến cha mẹ nuông chiều con cái quá mức. Lý do phổ biến nhất là cảm giác tội lỗi.

Cha mẹ làm việc quá tải có thể không muốn bắt con làm việc nhà khi họ đi làm về. Hoặc cha/mẹ không sống cùng con có thể cố gắng đền bù cho việc không ở bên cạnh con bằng cách mua cho con rất nhiều quà.

1 Tai Sao Ban Khong Nen Nuong Chieu Con Qua Muc

Bố mẹ không nên nuông chiều con thái quá (Ảnh minh họa: Fine Art America).

Một lý do phổ biến khác khiến cha mẹ nuông chiều con cái quá mức là họ muốn con mình hạnh phúc.

Vì vậy, thay vì nói "không" và có nguy cơ làm con cái khó chịu, họ nhượng bộ và để cho con cái có bất cứ thứ gì chúng muốn.

Đôi khi cha mẹ không được trang bị đầy đủ kiến thức và không được chuẩn bị để đối phó với các vấn đề về hành vi của con cái. Họ không biết cách đối phó với những cơn giận dữ và sự thách thức từ con của mình. Vì vậy, họ nghĩ rằng, để làm cho cuộc sống dễ dàng hơn thì họ sẽ cố gắng hết sức để tránh kỷ luật đối với con cái.

Cuối cùng, một số bậc cha mẹ chiều con vì muốn bù đắp cho những trải nghiệm tồi tệ thời thơ ấu của chính họ. Một bậc cha mẹ lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó có thể muốn con mình sống không thiếu thốn thứ gì. Hoặc một bậc cha mẹ lớn lên với cha mẹ quá nghiêm khắc có thể muốn con mình có cuộc sống tự do, thoải mái nhất có thể.

Tại sao nuông chiều trẻ em quá mức lại không tốt?

Dưới đây là một số lý do khiến bạn có thể muốn suy nghĩ kỹ hơn về việc có nên cho con mình mọi thứ mà chúng muốn hay không:

Con bạn cần học rằng, chúng có thể sống mà không cần hầu hết mọi thứ. Khi trẻ em nhận được mọi thứ chúng muốn, chúng bắt đầu nghĩ rằng chúng không thể sống thiếu máy điện thoại đời mới nhất hoặc chúng không thể tồn tại nếu không có giày thể thao mới. Điều quan trọng là dạy con bạn sự khác biệt giữa mong muốn và nhu cầu.

Con bạn có thể nghĩ rằng hạnh phúc bắt nguồn từ của cải vật chất. Trẻ em rất dễ bắt đầu suy nghĩ là có nhiều tài sản hơn sẽ giúp chúng có một cuộc sống thỏa mãn hơn.

2 Tai Sao Ban Khong Nen Nuong Chieu Con Qua Muc

Nuôi dạy con không phải là điều đơn giản (Ảnh minh họa: iStock).

Khi quá chiều con, bạn có thể gửi tới con một thông điệp rằng, có một mối liên hệ giữa tiền bạc và giá trị bản thân. Của cải vật chất có thể trở thành một biểu tượng địa vị cho những đứa trẻ và chúng sẽ nghĩ rằng, điều quan trọng là phải thể hiện chúng giàu có như thế nào.

Con bạn có thể không coi trọng bất cứ thứ gì. Khi trẻ em có quá nhiều thứ, chúng không thể chăm sóc cẩn thận tất cả những thứ đó. Đứa trẻ có thể không quan tâm khi đồ vật của chúng bị hỏng hoặc bị mất. Do đó, con bạn sẽ không học cách chịu trách nhiệm.

Việc thiếu kỷ luật dạy cho trẻ em rằng chúng không cần phải tuân theo các quy tắc. Khi các quy tắc không được thực thi, trẻ em bắt đầu tin rằng các quy tắc này không áp dụng cho chúng. Chúng sẽ nghĩ rằng chúng được nằm ngoài các quy tắc và cho rằng chúng đặc biệt hơn những người khác.

Nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ được nuông chiều quá mức phải vật lộn với nhiều vấn đề khi lớn lên. Những người trưởng thành được nuông chiều quá mức khi còn nhỏ cho biết họ có cảm giác bất mãn kinh niên.

Nhiều người trong số họ ăn uống mất kiểm soát và bội chi. Ngoài ra, nhiều người còn nói rằng họ luôn cảm thấy không vui vẻ và gặp khó khăn trong việc đương đầu với thực tế.

Nếu bạn nhận ra mình quá nuông chiều con mình, hãy nhanh chóng tạo ra sự thay đổi tích cực trong gia đình và chấm dứt những hành vi không lành mạnh, có hại cho con bạn.

Khi bạn bắt đầu nói "không" và ngừng nuông chiều con mình quá mức, bạn có thể sẽ thấy con nảy sinh các vấn đề về hành vi. Con bạn có thể sẽ làm mọi thứ trong khả năng để phản đối và phá hoại những nỗ lực của bạn.

Tuy nhiên nếu bạn cư xử hợp lý, mạnh mẽ, có sự am hiểu tường tận vấn đề, bạn sẽ dần thay đổi tình hình, dạy được cho con mình những kỹ năng sống quý giá mà chúng cần để trở thành một người lớn có trách nhiệm.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC