1. Phải làm gì nếu gạo và các loại ngũ cốc có côn trùng?
Khi gạo và các loại ngũ cốc khác trong nhà không dùng đến trong một thời gian dài, rất dễ sinh ra mọt. Mọt gạo là một loài côn trùng gây hại cho các loại hạt ngũ cốc bao gồm lúa mì, gạo và ngô, kê… làm giảm giá trị dinh dưỡng cũng như vị ngon của các loại hạt ngũ cốc. Để ngăn ngừa mọt gạo tấn công lương thực, bạn hãy quấn một ít hạt tiêu bằng một miếng gạc rồi cất vào thùng chứa các loại hạt trên, hiệu quả sẽ khiến bạn bất ngờ.
2. Làm thế nào để thoát khỏi hiện tượng đông đá trong tủ lạnh?
Tủ lạnh sau khi sử dụng lâu ngày có thể gây ra hiện tượng đông đá. Khi tủ lạnh bị đông đá sẽ dẫn tới khả năng làm lạnh giảm, hiệu suất thấp, không gian tủ lạnh bị thu hẹp gây khó khăn trong việc bảo quản thực phẩm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên, nhưng phổ biến nhất là do gioăng tủ lạnh bị hở hoặc do đóng cửa tủ không khít chặt. Để khắc phục tình trạng này một cách đơn giản và nhanh chóng, bạn hãy sử dụng máy sấy tóc.
Cách thực hiện: Tắt nguồn tủ lạnh, sử dụng máy sấy tóc để làm tan chảy hết băng tuyết bám trên thành tủ lạnh. Sau đó, dùng giấy và khăn lau để thấm hút nước.
Lưu ý: Sau khi làm tan chảy lớp tuyết, đá hãy kiểm tra lại gioăng tủ. Nếu gioăng tủ bị mất tính đàn hồi hãy thay cái mới. Đồng thời, bạn nên chú ý đóng chặt cửa sau mỗi lần sử dụng nhằm tránh việc không khí và hơi nước vào nhiều, dẫn đến đóng tuyết lượng không khí vào trong tủ lạnh.
3. Làm gì khi khóa cửa bị gỉ?
Khóa cửa khi sử dụng lâu ngày có thể khiến lõi bị gỉ sét, dẫn tới việc tra chìa khóa vào ổ khóa gặp khó khăn. Nhưng với một chiếc bút chì, mọi việc sẽ thật đơn giản.
Cách thực hiện: Dùng bút chì bôi đen lên chìa khóa. Nhớ bôi kín bề mặt chìa khóa để tăng hiệu quả. Khi mở cửa bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt, việc mở ổ khóa sẽ rất êm và nhẹ nhàng.
4. Bị ngứa do muỗi đốt
Vào mùa hè, muỗi rất nhiều, và bạn không thể tránh khỏi việc bị muỗi đốt. Cảm giác bị muỗi đốt rất ngứa ngáy và khó chịu. Để giảm triệu chứng này, bạn có thể dùng một ít nước xà phòng thoa lên vùng muỗi đốt. Vì vùng bị muỗi đốt có tính axit nhẹ và nước xà phòng có tính kiềm nên sẽ xảy ra phản ứng trung hòa, giúp vết muỗi đốt bớt ngứa.
5. Tác dụng kỳ diệu của gói hút ẩm
Khi mua đồ ăn vặt, bánh kẹo… trong bao bì của chúng đều có gói hút ẩm. Đừng vội vứt bỏ gói hút ẩm, bởi chúng có khá nhiều công dụng hữu ích mà bạn không ngờ tới như: cho vào tủ quần áo để chống ẩm và ngăn mùi ẩm mốc trong tủ, khử mùi hôi của giày, khử mùi tủ lạnh... Tuy nhiên, bạn cần lưu ý cất giữ những gói hút ẩm này cẩn thận, bởi trẻ nhỏ rất nghịch ngợm, nếu chúng vô tình ăn phải chất hút ẩm cũng không tốt cho sức khỏe.
6. Khử mùi hôi lò vi sóng
Khi sử dụng lò vi sóng để hâm nóng thức ăn, mùi thức ăn sẽ lưu lại bên trong lò, lâu ngày khiến lò vi sóng có mùi hôi khó chịu. Để loại bỏ mùi hôi này, hãy sử dụng giấm ăn.
Cách thực hiện: Đổ đầy nước vào bát, sau đó thêm một ít giấm gạo và khởi động lò vi sóng. Nước giấm có tác dụng khử mùi hôi trong lò vi sóng hiệu quả. Sau khi bát giấm nguội, hãy dùng nước này lau lại lò vi sóng, mùi hôi sẽ biến mất hoàn toàn đồng thời còn giúp lò sạch sẽ, sáng bóng.
7. Bảo quản trứng
Nếu bảo quản trứng ở nhiệt độ phòng, trứng sẽ dễ bị lỏng sau một thời gian dài. Một mẹo nhỏ khá đơn giản giúp kéo dài thời gian bảo quản trứng lâu hơn là bạn hãy thay đổi góc độ và đặt những quả trứng có đầu to xuống dưới.
8. Tẩy cặn ấm đun nước
Trong ấm đun nước thường có cặn vôi khi sử dụng một thời gian dài. Lớp cặn vôi này trông khá mất thẩm mỹ, hơn nữa, nó còn khiến ấm đun nước lâu sôi hơn. Để loại bỏ lớp cặn này, bạn hãy sử dụng giấm ăn hoặc chanh.
Cách thực hiện: Cho giấm hoặc chanh vào ấm, rồi đổ nước vào đun sôi. Vì trong thành phần của cặn vôi chủ yếu là Calcium carbonate, trong giấm ăn hoặc chanh có tính axit, chúng sẽ phản ứng hóa học với nhau và tạo thành các chất khoáng tan được trong nước và khí CO2. Khi nước sôi, lớp cặn sẽ tự động tách ra khỏi thành và đáy ấm. Đợi nước nguội, bạn rửa lại bằng nước sạch một vài lần cho trôi bỏ hết cặn bẩn là được.
Theo An Nhiên - Vietnamnet