Với mẹo nhỏ này, dù đi cả ngày trên đôi giày cao gót lênh khênh, chân bạn vẫn không hề hấn gì.

Giày cao gót là một trong những phụ kiện quan trọng, không thể thiếu của chị em phụ nữ. Nhất là những đôi giày cao gót với trình "hack" dáng đỉnh cao khiến các chị em xinh đẹp và sang chảnh hơn vài lần. Tuy nhiên, có một thực tế là mang những đôi giày cao gót dù đẹp nhưng cũng rất đau chân. Đặc biệt, những đôi giày mới có phần gót giày thường khá cứng, có thể khiến gót chân bị trầy xước rất đau đớn. Hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một vài mẹo nhỏ có thể khắc phục được tình trạng trên, dù đi cả ngày dài cũng không sợ đau chân nữa.

Cách đi giày cao gót không bị đau chân

1. Dùng cồn

Dùng cồn để làm mềm da, phương pháp này phù hợp với những đôi giày có phần gót cứng, dễ gây tổn thương gót chân.

Cách làm: Đầu tiên, cần chuẩn bị một ít cồn, một tờ giấy vệ sinh hoặc miếng vải. Sau đó, bạn nhúng tờ giấy vào cồn và tập trung thoa vào phần gót giày. Tốt nhất nên dùng kẹp để cố định miếng giấy lại trong vài giờ hoặc để qua đêm. Với cách làm này, gót giày sẽ được làm mềm đi và sẽ không cọ sát gây tổn thương gót chân của bạn nữa.

1 Di Giay Cao Got Khien Chan Bi Dau Biet Meo Nho Nay Du Di Ca Ngay Chan Ban Van Luon Thoai Mai

2. Dùng kem dưỡng da tay

Chúng ta thường sử dụng kem dưỡng để tăng độ ẩm cho da tay nhưng thực tế khi thoa kem này lên gót giày cũng có tác dụng dưỡng ẩm, làm mềm da giày hiệu quả. Ngoài ra, thành phần tinh chất trong kem có thể làm giảm ma sát giữa chân và giày, giúp làm giảm chấn thương tốt hơn.

3. Cất tủ đông

Cất giày vào ngăn đá nếu không biết cách sẽ khiến chúng bị co bé lại, khi sử dụng sẽ càng đau hơn. Cách làm đúng là bạn cho một chiếc túi nilon vào giày, đổ đầy nước vào trong túi sao cho nước tràn đủ diện tích trong lòng giày. Sau đó mới buộc chặt túi lại và cho vào ngăn đá tủ lạnh.

Do môi trường nhiệt thấp trong tủ lạnh, nước trong túi nilon sẽ đông cứng lại. Thể tích nước sau khi đông đá sẽ lớn hơn, đóng vai trò làm giãn nở đôi giày. Sau khi đông đá, đưa giày ra ngoài, nó sẽ to hơn nên không nghiến vào chân nữa, các ngón chân cũng bớt đau hơn.

2 Di Giay Cao Got Khien Chan Bi Dau Biet Meo Nho Nay Du Di Ca Ngay Chan Ban Van Luon Thoai Mai

4. Dùng miếng urgo

Dán miếng urgo vào gót chân có thể giảm sự tiếp xúc trực tiếp của giày với gót chân và giúp chân không bị đau nữa. Tương tự, bạn có thể thêm một miếng giấy mềm vào phần mui giày để nâng giày lên, việc ngăn các ngón chân tiếp xúc nhiều với giày cũng sẽ làm giảm cảm giác đau chân.

Nếu đôi giày mới quá nhỏ, nó có thể bóp và cọ sát chân của bạn. Hãy áp dụng mẹo này, đôi giày của bạn sẽ trở nên thoải mái hơn:

- Nếu bạn mua phải một đôi giày nhỏ, khi đi phải dùng tay kéo phần gót giày thì mới mang được. Để khắc phục sự cố này, chúng ta hãy chuẩn bị một đôi tất bông dày, xỏ tất vào chân rồi mới đi giày. Nếu không có tất bông thì bạn có thể đi hai chiếc tất trên một bàn chân rồi nhét vào giày.

- Bước tiếp theo là hãy dùng máy sấy tóc. Bạn hãy bật chế độ nóng của máy sấy tóc lên và thổi vào đôi giày mới, nhớ tập trung kỹ vào phần gót giày. Nhiệt độ cao sẽ khiến giày mềm ra, việc đi tất dày sẽ khiến đôi giày được kéo giãn ra một chút, tự nhiên giày sẽ được nới rộng ra hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý, khi sử dụng cách này, bạn cần xỏ giày vào chân rồi mới hơ máy sấy, nếu không sẽ khiến giày bị biến dạng, mất phom dáng.

- Sau khoảng 1 phút thổi máy sấy, bạn để giày nguội rồi cởi tất ra để kiểm tra lại phom giày. Chắc chắn với cách làm này, đôi giày của bạn có thể dễ dàng xỏ vào và không còn bóp chân gây đau nữa.

3 Di Giay Cao Got Khien Chan Bi Dau Biet Meo Nho Nay Du Di Ca Ngay Chan Ban Van Luon Thoai Mai

Theo An Nhiên - Vietnamnet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC