Lò vi sóng là sản phẩm điện tử gia dụng rất phổ biến trong các gia đình hiện nay, và càng được sử dụng nhiều trong những ngày đông giá lạnh. Vì vậy, nếu nắm được các mẹo sau trong quá trình vận hành lò vi sóng chắc chắn sẽ giúp gia chủ tiết kiệm không ít tiền điện hàng tháng.

Tuy sử dụng lò vi sóng hàng ngày nhưng không phải ai cũng rõ hết các nguyên lý hoạt động và điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất làm việc của nó cũng như khả năng tiết kiệm điện cho gia đình. Ngoài ra cách thức và thói quen sử dụng sai cũng sẽ ngốn nhiều điện hơn bình thường. Những mẹo dưới đây sẽ giúp bạn giảm đáng kể điện năng khi sử dụng lò vi sóng.

42 1 Meo Su Dung Lo Vi Song Tiet Kiem Dien Cach Thu 6 Chac Chan It Nguoi Lam

1. Lò vi sóng làm nóng những gì?

Lò vi sóng chỉ làm nóng thức ăn có chứa nước, chất béo do đó, so với phương pháp làm nóng truyền thống, nhiệt lượng thất thoát ít hơn và tốc độ nấu nhanh. Hầu hết mọi người khi nghe nói đến công suất của lò vi sóng là khoảng 1000W thì nghĩ rằng sẽ tốn điện nhưng không hẳn vậy. Thực tế cho thấy, ngoài việc tiết kiệm thời gian và mang lại sự tiện lợi, lò vi sóng còn là một sản phẩm tiết kiệm điện.

2. Bọc thực phẩm bằng màng bọc 

Ngoài công suất hoạt động, điện năng tiêu thụ của lò vi sóng còn phụ thuộc vào lượng hâm nóng và độ khô của thực phẩm. Vì vậy, bạn có thể bọc thêm một lớp màng bọc chuyên dụng quanh thực phẩm để giữ nước và rút ngắn thời gian nấu. Việc bọc thực phẩm bằng một lớp màng bọc thực phẩm không chỉ ngăn hơi ẩm bay hơi, giữ mùi vị thơm ngon mà còn tiết kiệm điện. Ngoài ra, nếu món ăn quá khô, bạn có thể đặt một ly nước trong lò vi sóng trong quá trình hâm nóng.

42 2 Meo Su Dung Lo Vi Song Tiet Kiem Dien Cach Thu 6 Chac Chan It Nguoi Lam

3. Nắm vững quy luật thời gian đun của các loại thực phẩm 

Một số người thường tự ước lượng thời gian vận hành lò vi sóng trong khi nhà sản xuất đã có quy định cụ thể kèm theo khi bán sản phẩm thì lại bỏ qua không tham khảo. Lời khuyên cho bạn là cần nắm chính xác quy luật thời gian đun nấu của các loại thực phẩm khác nhau để sử dụng lò vi sóng cho hiệu quả. Không nên vận hành quá giờ hoặc thiếu thời gian dẫn đến thực phẩm chưa chín phải quay đi quay lại vừa gây tốn điện mà không giữ được màu sắc, mùi thơm và mùi vị của thực phẩm như mong muốn.

4. Chọn lò vi sóng có dung tích và công suất phù hợp 

Khi mua lò vi sóng bạn cần quan tâm đến dung tích và công suất hoạt động để tránh lãng phí điện không cần thiết. Lò có dung tích càng lớn, công suất càng cao, càng hao tốn điện. Cụ thể, để chọn công suất lò phù hợp khách hàng nên cân nhắc đến số lượng thành viên trong gia đình. Phổ biến là các lò vi sóng 17 lít, 20 lít, 23 lít và 28 lít, công suất 600-1.500W. Nếu gia đình có từ 4-5 thành viên nên chọn chiếc lò có dung tích 20-23 lít (công suất 800-1000W). Nếu nấu bếp chuyên nghiệp, có thể chọn loại có dung tích lớn hơn, loại 17 lít chỉ dành cho gia đình có ít thành viên.

42 3 Meo Su Dung Lo Vi Song Tiet Kiem Dien Cach Thu 6 Chac Chan It Nguoi Lam

Bên cạnh đó, một số loại lò vi sóng kiểu mới hiện nay thường kết hợp thêm chức năng nướng nên có công suất sử dụng cao từ 800W - 1200W, cao nhất là 2000W. Vì vậy bạn cần xác định rõ nhu cầu nấu nướng của mình mà lựa chọn loại lò vi sóng thường hay lò vi sóng có nướng để sử dụng lâu dài. Mọi sự thừa hoặc thiếu công suất đều dẫn đến lãng phí điện, hơn nữa còn làm suy giảm tuổi thọ của thiết bị.

5. Nấu và hâm nóng thực phẩm đúng cách

Khi bạn nấu và hâm nóng hoặc rã đông thực phẩm, nếu lò vi sóng thông báo tắt thì cũng không nên lấy thực phẩm ra ngay mà hãy để trong lò thêm 2 - 3 phút để nhiệt lượng lan tỏa, làm thực phẩm nóng đều. Cách làm này sẽ giúp bạn tiết kiệm được khoảng 20% thời gian và lượng điện tiêu thụ.

42 4 Meo Su Dung Lo Vi Song Tiet Kiem Dien Cach Thu 6 Chac Chan It Nguoi Lam

6. Xếp thực phẩm trong lò vi sóng theo vòng tròn

Trong lò vi sóng, sóng điện từ phân phối không đều nên có chỗ nóng nhiều và nóng ít, đặc biệt thực phẩm đặt giữa lò thì sẽ lâu chín hơn xung quanh. Vì vậy để thực phẩm chín đều thì bạn cần xếp thực phẩm trong lò theo vòng tròn, thực phẩm lớn và nhiều thì cho ra ngoài. Nhiệt sẽ phân tán làm thực phẩm chín đều, giúp tiết kiệm điện năng cho lò vi sóng.

7. Đặt món nướng gần với trần lò

Để không phải tiêu tốn quá nhiều điện năng khi nướng thực phẩm bằng lò vi sóng, bạn hãy đựng thức ăn trên một chiếc vỉ nướng rồi đặt áp sát phía trên của trần lò vì đa số lò đều thiết kế chức năng nướng áp nhiệt từ trên xuống.

42 5 Meo Su Dung Lo Vi Song Tiet Kiem Dien Cach Thu 6 Chac Chan It Nguoi Lam

Bên cạnh đó, để thực phẩm có thể chín đều thì bạn nên chia thành 2 lần để nướng, sau khi nướng lần 1 thì bạn lật mặt thực phẩm để nướng lần 2.

8. Tránh một số điều "đại kỵ" khi lắp đặt và sử dụng lò vi sóng 

- Không nên lắp đặt lò vi sóng sát tường, trần nhà vì khi hoạt động lò sẽ không thể tản nhiệt dẫn đến tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Bạn nên đặt lò cao hơn nền nhà ít nhất 80cm, cách tường 10 - 15cm và cách trần tối thiểu 40cm để thông gió.

- Đặt lò gần đường dây điện, tránh đặt gần nơi sinh ra nhiệt quá nhiều như bếp gas, nồi cơm điện hay nước như vòi nước vì như thế dễ nảy sinh hiện tượng cháy nổ.

- Bật lò vi sóng trong phòng có máy lạnh hoặc đặt gần tivi, tủ lạnh... sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị này.

42 6 Meo Su Dung Lo Vi Song Tiet Kiem Dien Cach Thu 6 Chac Chan It Nguoi Lam

- Dùng dụng cụ đựng thực phẩm bằng kim loại hoặc có hoa văn sơn phết, dát vàng sẽ hút nhiệt, làm thực phẩm lâu chín, tốn điện mà còn có thể dẫn đến cháy nổ. Tốt nhất, bạn nên dùng đồ đựng thực phẩm an toàn trong lò vi sóng như dụng cụ bằng thủy tinh, đồ sứ, đồ gốm.

- Mở cửa lò liên tục hoặc đóng không sát sẽ làm đèn sáng liên tục, khi đó món ăn sẽ không được nấu chín mà điện năng hao phí cũng rất nhiều.

9. Rút nguồn điện sau khi sử dụng

Lò vi sóng không có nút tắt nguồn điện nên kể cả khi không hoạt động đến chúng vẫn kết nối điện và ở trạng thái chờ. Điều đó có nghĩa là hóa đơn tiền điện của bạn sẽ vẫn tăng như thường. Do đó, để an toàn và tiết kiệm điện, bạn nên rút phích cắm lò vi sóng ra sau khi sử dụng xong để tắt hẳn kết nối điện thừa không cần thiết.

42 7 Meo Su Dung Lo Vi Song Tiet Kiem Dien Cach Thu 6 Chac Chan It Nguoi Lam

10. Thay thế lò vi sóng cũ hoạt động kém

Lò vi sóng có tuổi thọ trung bình khoảng 9 – 10 năm, sau thời gian này lò hư hỏng hay hoạt động kém hiệu quả thì tốt nhất bạn nên thay mới. Một số gia đình cố gắng sửa chữa để tái sử dụng sẽ rất tốn điện, các chức năng điều chỉnh không tiện lợi và chế biến món ăn không còn ngon nữa, độ an toàn cũng giảm.

Đừng cho rằng tiết kiệm chính là phải dùng lò vi sóng đến hỏng hẳn, không thể sửa chữa mới thay. Kiểu suy nghĩ này chỉ khiến bạn sử dụng lò không hiệu quả và tăng chi phí điện cuối tháng của gia đình hơn mà thôi.

Theo V.K - Vietnamnet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC