1. Người Việt cần thay đổi thói quen ăn mặn
Trung bình một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 9,4g muối mỗi ngày, gấp hai lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
Nhiều người cho rằng ăn chua sẽ gây hại cho dạ dày nhưng thực tế thì ăn mặn mới là thủ phạm chính đe dọa sức khỏe của cơ quan này. Các thực phẩm chứa nhiều muối có thể gây tổn thương trực tiếp đến niêm mạc dạ dày. Đặc biệt, một số sản phẩm như thịt muối, cà muối, dưa muối có thể chứa hàm lượng nitrite cao, khi đi vào cơ thể chuyển hóa thành nitrosamine và cuối cùng gây ra bệnh ung thư dạ dày.
Theo TS. Đỗ Thị Phương Hà (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), người Việt bao đời nay vẫn giữ một thói quen đó là đặt một bát gia vị như mắm, muối, xì dầu, bột canh... trên mâm cơm để chấm dù món ăn đã khá mặn hay đã được tẩm ướp. Chính những thói quen này đã góp phần khiến chúng ta vô tình làm gia tăng đáng kể lượng muối mà chúng ta ăn vào hàng ngày và kết quả là làm tăng cao nguy cơ mắc huyết áp cao, đột quỵ, tai biến mạch máu não và nhiều bệnh mãn tính khác.
TS. Đỗ Thị Phương Hà cho biết, để hạn chế lượng muối ăn, mọi người cần tập thói quen không để bát chấm, gia vị trên mâm cơm. Thay vào đó, bạn có thể dùng các gia vị khác như chanh, tỏi, tiêu, ớt… để tăng cảm giác ngon miệng. Nếu vẫn muốn chấm đồ ăn vào gia vị mặn trước khi ăn thì bạn nên chấm nhẹ nhàng. Đồng thời, chuyên gia khuyên nên hạn chế cho thêm muối và các gia vị này khi chế biến và lựa chọn thực phẩm ít muối để có thể xây dựng một chế độ ăn lành mạnh.
2. Không nên ăn quá nhanh kẻo làm tổn thương dạ dày
Vì cuộc sống vội vàng và bận rộn, nhiều người hình thành thói quen nhai và nuốt thức ăn quá nhanh và đã vô tình làm tổn hại tới niêm mạc dạ dày mà không hay biết.
Thói quen ăn quá nhanh không chỉ khiến vị giác chưa kịp cảm nhận mà còn khiến thức ăn chưa được nghiền nát, khi xuống dạ dày mất nhiều thời gian hơn mới tiêu hóa được thức ăn làm tăng gánh nặng cho dạ dày, gây đau dạ dày, ảnh hưởng đến hấp thu thức ăn. Đồng thời, khi chúng ta ăn nhanh, nuốt vội sẽ khiến thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, gây chướng bụng sau ăn.
Thói quen ăn quá nhanh không chỉ khiến vị giác chưa kịp cảm nhận mà còn hại dạ dày.
Chính vì vậy, để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, các bác sĩ khuyên nên ăn chậm nhai kỹ để thức ăn sẽ được nghiền nhỏ hơn, giúp cho thức ăn được tiêu hóa triệt để hơn, đồng thời dạ dày cũng bớt "vất vả".
3. Không nên gắp thức ăn cho nhau để tránh lây truyền vi khuẩn HP
Theo bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, Việt Nam có khoảng 60-70% dân số bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - đây là nguyên nhân chính gây viêm, loét dạ dày- tá tràng và ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP có thể lây qua đường ăn uống, dẫn đến nhiều người trong gia đình đều bị nhiễm và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần. Khi chúng ta dùng đũa của mình để gắp thức ăn cho người khác, vi khuẩn này sẽ đi theo dịch tiêu hóa bám trên đũa và dính vào thức ăn của người đối diện, trong đó có thể là vi khuẩn HP, viêm gan A, viêm gan E, vi khuẩn lỵ, vi khuẩn thương hàn, vi khuẩn quai bị…
Vi khuẩn HP có thể lây qua đường ăn uống, dẫn đến nhiều người trong gia đình đều bị nhiễm và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần
Trong trường hợp bình thường thì vi khuẩn HP không gây hại nhưng đối với những người bị viêm loét dạ dày thì vi khuẩn HP có thể gây ra tình trạng loét nặng hơn, lâu ngày có thể tiến triển thành ung thư dạ dày.
Theo các bác sĩ, chúng ta nên từ bỏ thói quen gắp thức ăn cho người khác, không chấm chung nước chấm và tập thói quen ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe của mọi người.
Theo Trí Thức Trẻ