Nhưng các nhà khoa học đang dần phát hiện ra một mối đe dọa tiềm ẩn làm phức tạp câu chuyện.
Một cuộc điều tra gần đây của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã tìm thấy bằng chứng về một nhóm hóa chất nhân tạo, có liên quan đến ung thư trong nhiều loại thực phẩm được bán trong các cửa hàng tạp hóa, bao gồm các mẫu thịt, hải sản và bánh sô cô la .
Nhóm hóa chất được đề cập đến có tên đầy đủ là per- and polyfluoroalkyl (PFAS). PFAS từng được dùng rất phổ biến tại Hoa Kỳ bắt đầu từ thập niên 1940, nhờ nhiều tính chất ưu việt như chống được cả nước, dầu mỡ, vết bẩn và chịu nhiệt tốt.
Thế nhưng, vì nhóm hóa chất này có nguy cơ gây tổn thương gan và ung thư, PFAS đã bị hạn chế sử dụng trong ngành sản xuất. Mặc dù vậy, nó vẫn còn tồn tại trong một số sản phẩm như da giày, dệt may, dụng cụ nấu ăn chống dính, bao bì thực phẩm và đôi khi là cả nước uống.
Vì PFAS hiếm khi bị phá vỡ trong môi trường, chúng có thể tồn tại trong nước và không khí cả hàng ngàn năm. Người ta đã đặt cho PFAS một biệt danh: “hóa chất vĩnh cửu“. Điều đó có nghĩa là nếu bạn ăn hoặc hít phải hóa chất này, nó có thể ở trong cơ thể bạn suốt đời, thậm chí ngay cả sau khi bạn chết và thi thể đã phân hủy, PFAS vẫn còn tồn tại.
Per- and polyfluoroalkyl (PFAS) – hóa chất vĩnh cửu.
FDA tìm thấy PFAS trong nhiều loại thực phẩm
Cuộc điều tra của FDA được thực hiện vào tháng 10 năm 2017. Trong đó, họ đã đặt mục tiêu tìm kiếm 16 loại hóa chất thuộc nhóm PFAS ở West Virginia, Ohio, Virginia, Kentucky, Tennessee, North Carolina, Washington DC, Maryland và Delwar.
Sau khi lấy hơn 90 mẫu từ các cửa hàng tạp hóa, FDA đã tìm thấy dấu vết của PFAS trong hai loại thực phẩm là dứa và khoai lang. Họ cũng tìm thấy “hóa chất vĩnh cửu” xuất hiện ở nồng độ cao hơn trong thịt, hải sản, sữa sô cô la và bánh sô cô la.
Các mẫu thịt và hải sản – bao gồm gà tây xay, bít tết, xúc xích, sườn cừu, đùi gà, cá rô phi, cá tuyết, cá hồi, tôm và cá da trơn – tất cả đều cho thấy PFAS vượt quá mức cảnh báo do Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ quy định (EPA).
Tuy nhiên, các mức cảnh báo này giờ mới chỉ áp dụng cho nước uống và nước ngầm, không phải thực phẩm.
Bánh sô cô la cho thấy lượng PFAS cao nhất (17.640 phần nghìn tỷ), tệ hơn, nó còn chứa một biến thể chưa được đánh giá bởi EPA.
FDA đã đánh giá tổng quan về cuộc điều tra, họ tuyên bố rằng hầu hết các mặt hàng thực phẩm được lấy mẫu “không có khả năng gây ra mối lo ngại về sức khỏe của con người“.
Tuy nhiên, bản tổng quan đã chỉ ra các mẫu từ một trang trại bò sữa gần căn cứ Không quân ở New Mexico năm 2018 cho thấy mức độ PFAS đáng lo ngại.
Nước ngầm, thức ăn ủ chua của nông trại (cỏ cho động vật) đã bị nhiễm PFAS, khiến những con bò ở đây ăn phải hợp chất này. FDA ước tính rằng có thể mất một năm rưỡi để loại bỏ PFAS khỏi một con bò đã tiếp xúc với chất gây ô nhiễm chỉ trong 30 ngày.
Các mẫu sữa lấy từ trang trại cho thấy mức độ PFOS cao hơn 35 lần so với ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe của EPA.
“Dựa trên đánh giá an toàn, các mẫu được xác định là mối lo ngại về sức khỏe cho con người và tất cả sữa từ trang trại đều bị tiêu hủy“, FDA cho biết.
FDA tìm thấy PFAS trong một loạt mẫu phẩm từ một trang trại bò sữa, họ đã tiêu hủy toàn bộ số sữa ở đây.
EPA đã ban hành một tư vấn sức khỏe với các hợp chất PFAS
Có gần 5.000 loại hóa chất thuộc nhóm PFAS, nhưng EPA mới chỉ thiết lập một tư vấn sức khỏe cho hai loại: PFOA và PFOS.
Những hóa chất này đại diện cho các chất PFAS “đáng lo ngại nhất“, David Andrew, một nhà khoa học cao cấp tại Nhóm Giám sát Môi trường (EWG) cho biết.
EPA quy định nước uống có mức PFOA hoặc PFOS vượt quá 70 phần nghìn tỷ sẽ gây ra nguy cơ tới sức khỏe con người. Tư vấn của họ không phải là một quy định pháp lý, nhưng phục vụ như một cảnh báo cho các cơ quan nhà nước và các quan chức y tế cộng đồng.
Khi nói đến hóa chất độc hại, EPA có xu hướng thận trọng hơn hầu hết các tổ chức môi trường khác, họ luôn chờ đợi các bằng chứng khoa học đáng tin trước khi đưa ra quyết định về sức khỏe.
“Phải mất nhiều thập kỷ nghiên cứu trước khi chúng tôi thực sự hiểu được [PFAS] mạnh đến mức nào“, Andrew nói.
“Chúng ta phải từ bỏ giả định rằng tất cả các hóa chất này đều an toàn tuyệt đối. Các hóa chất này có liên quan [đến các nguy cơ sức khỏe] và chúng ta nên tránh tiếp xúc với chúng hết sức có thể”.
Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra nguồn gốc “hóa chất vĩnh cửu“, tại sao chúng nhiễm được vào thực phẩm chúng ta ăn
Có một vài giả thuyết về lý do tại sao PFAS lại xuất hiện trong nguồn cung cấp thực phẩm của chúng ta, nhưng các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực để xác định nguyên nhân khả thi nhất.
Một khả năng có thể là bao bì thực phẩm. Vào tháng 12 năm 2018, một báo cáo của cơ quan giám sát đã tìm thấy bằng chứng về PFAS trong hộp đựng giấy và một sản phẩm giấy gói bánh sandwich tại Whole Food Market.
Cùng năm đó, Washington trở thành tiểu bang đầu tiên của Hoa Kỳ cấm PFAS khỏi bao bì thực phẩm, bao gồm túi bỏng ngô và giấy gói thức ăn nhanh. Vài tháng sau, San Francisco đã cấm PFAS có mặt trong các hộp đựng thực phẩm, dụng cụ, khăn ăn, đĩa, ống hút, khay và nắp đậy sử dụng một lần.
Khi bao bì phân hủy sinh học có chứa PFAS phân hủy, hóa chất này có thể được hấp thụ bởi thực vật, sau đó qua chuỗi thức ăn, con người là loài cuối cùng ăn phải chúng.
PFAS có thể có trong các bao bì thực phẩm.
Một kịch bản có thể khác, theo Andrew nhận định giống với các mẫu sữa bị ô nhiễm gần căn cứ Không quân ở New Mexico. Vào những năm 1970, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ bắt đầu sử dụng bọt chữa cháy có chứa PFAS trong các bài tập huấn luyện và ứng phó khẩn cấp.
Vào năm 2018, bộ đã báo cáo rằng ít nhất 90 căn cứ Không quân, Quân đội và Hải quân có nước ngầm bị nhiễm PFAS vượt quá mức chấp nhận của EPA.
EPA cũng đã phát hiện PFAS trong các hệ thống nước địa phương ở Colorado, Michigan, Pennsylvania, New York và Bắc Carolina. Khi nguồn nước bị ô nhiễm này được tưới cho các cánh đồng, nó có thể gây độc cho nguồn cung thực phẩm của chúng ta.
Andrew cho biết “giả định chung” trong cộng đồng khoa học là hầu hết con người tiếp xúc với PFAS thông qua thực phẩm. Nhưng vẫn còn phải nghiên cứu thêm nữa.
“[Cuộc điều tra của FDA] thực sự chỉ cào trên bề mặt vấn đề thôi“, ông nói. “Nó đặt ra nhiều câu hỏi hơn là tìm ra câu trả lời”.
Nguồn: Tri thức trẻ