Hàn Quốc đang đối mặt làn sóng COVID-19 mới do biến thể Omicron - Ảnh: AFP
Nhiều nhà khoa học tin rằng điều khiến Omicron có thể lây lan nhanh hơn là do khoảng thời gian từ khi nhiễm virus đến khi có thể lây truyền virus cho người khác rất ngắn. Giả thuyết này cũng cho rằng thời gian virus tồn tại trong cơ thể người bệnh cũng ngắn hơn so với khi nhiễm các biến thể được phát hiện trước đó.
Dựa trên thông tin này, nhiều nước đã giảm hoặc bỏ hoàn toàn giai đoạn cách ly 7 ngày với người dương tính với virus.
Tuy nhiên, tiến sĩ Marjolein Irwin-Knoester, nhà virus học từ Đại học Groningen ở Hà Lan, cho biết bà cảm thấy các dữ liệu ủng hộ giả thuyết trên không thực sự thuyết phục.
Bà chỉ ra một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho rằng người nhiễm Omicron có thể lây truyền virus cho người khác trong giai đoạn từ 2 ngày trước khi bắt đầu có biểu hiện và kéo dài đến 7 ngày sau khi phát bệnh.
Quãng thời gian này tương đương ở các bệnh nhân COVID-19 nhiễm các biến thể khác. Dù vậy, tiến sĩ Irwin-Knoester thừa nhận biến thể Omicron gây bệnh nhẹ hơn nên việc các quốc gia quyết định giảm thời gian cách ly ở thời điểm này là "có thể chấp nhận được".
Theo tiến sĩ Irwin-Knoester, thời gian cách ly 7 ngày là an toàn cho mọi trường hợp mắc bệnh nhưng việc giảm xuống khoảng 5 ngày cũng "có thể chấp nhận được" để đạt mục tiêu vừa kiềm chế dịch bệnh vừa đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bà cũng lưu ý người mắc COVID-19 vẫn xuất hiện các triệu chứng hô hấp như ho và hắt hơi sau 7 ngày cách ly thì nên tiếp tục cách ly đủ 10-14 ngày. Thời gian cách ly thậm chí cần lâu hơn với những người bệnh nặng hoặc có vấn đề về suy giảm miễn dịch vì virus có thể tồn tại trong những người này trong nhiều tháng.
Tiến sĩ Irwin-Knoester khuyến nghị nếu xuất hiện biến thể mới gây bệnh nghiêm trọng hơn, các nước cần cân nhắc khôi phục quy định cách ly, tối thiểu là 7 ngày.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online