Khi trẻ bị mắc COVID-19 phụ huynh cần theo dõi sức khỏe, tránh tình trạng nặng dẫn đến co giật ở trẻ - Ảnh: DUYÊN PHAN
Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc khoa nhi ở Örebro, Thụy Điển cho thấy có 20% ca nhiễm Omicron có liên quan đến triệu chứng co giật ở trẻ em, nhưng virus corona không xâm lấn trực tiếp tế bào thần kinh trung ương, mà do phản ứng viêm của cơ thể với corona mà thôi.
Ngoài triệu chứng co giật, trẻ em còn có các triệu chứng khác là sốt (90,2%), ho (92,7%), khó thở (26,8%), buồn nôn/ nôn (26,8%), tiêu chảy (24,4%), mệt mỏi (19,5%) và thở khò khè (14,6%).
Triệu chứng sốt cao co giật ở trẻ em bị nhiễm Omicron thường lành tính, đáp ứng tốt với điều trị thông thường.
Sốt do Omicron xảy ra từ hai đến ba ngày, khi bé hạ sốt là ổn định luôn, khác với sốt do sốt xuất huyết, khi trẻ bị sốt xuất huyết mà hạ sốt là có khả năng đang chuyển sang giai đoạn nguy hiểm.
Phòng ngừa sốt cao co giật ở trẻ nhiễm COVID-19, bà con mình cần cho thuốc hạ sốt sớm, kết hợp uống nhiều nước và lau mát. Khi đo nhiệt độ ≥ 38,5OC thì nên uống paracetamol liều 10 - 15 mg/kg/lần, uống hoặc đặt hậu môn, cách tối thiểu 4 - 6 giờ nếu cần nhắc lại; có thể lặp lại mỗi 4 - 6 giờ nếu vẫn còn sốt. Lưu ý tổng liều thuốc không quá 60 mg/kg/ngày. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, có thể sử dụng nước trái cây hoặc Oresol, pha và dùng theo đúng hướng dẫn, nếu trẻ không muốn uống Oresol có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội, nước trái cây. Không sử dụng các dung dịch nước ngọt công nghiệp để bù nước.
Không xông hơi cho trẻ, vì việc xông hơi không có tác dụng và không an toàn với trẻ, bởi cha mẹ không thể đảm bảo được nhiệt độ cho trẻ. Việc xông hơi có thể dẫn đến nguy cơ trẻ dễ bị bỏng niêm mạc. Đồng thời các sản phẩm xông không đảm bảo an toàn, chứa hóa chất độc hại khi xông thẳng vào mũi trẻ có thể gây viêm nhiễm, bội nhiễm đường hô hấp.
Sốt cao co giật có thể là triệu chứng duy nhất ở trẻ em bị nhiễm Omicron nên bà con cần cảnh giác phát hiện sớm.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online