Theo Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV News đưa tin vào ngày 1/3, Giáo sư Lưu Lương, người chủ trì việc giải phẫu bệnh nhân đã chết vì viêm phổi cấp do chủng virus corona mới gây ra, đã chia sẻ thông tin mới về các tổn thương mà căn bệnh này gây ra.
Cụ thể, chúng có các dấu hiệu tương tự như SARS những cũng sở hữu những đặc điểm riêng.
Đánh giá từ các kết quả bệnh lý hiện tại, giáo sư Lưu Lương cho biết mặt cắt phổi của một số người chết có dịch nhầy, thứ mà ông nghĩ là một chi tiết quan trọng có thể trợ giúp trong việc điều trị lâm sàng.
"Nó rất dính và nhớt giống như bột nhão. Điều này có thể phản ánh rằng trong những ngày đầu của người bệnh này, dịch tiết của anh ta bị nhớt. Không giống như nhiễm virus và cảm lạnh thông thường, chúng ta hay bị sổ mũi và chảy nước", giáo sư Lưu Lương cho biết. "Trong trường hợp này, nó cũng có thành phần chất nhầy sâu trong đường thở. Nếu chúng ta không xử lý nó theo cách nhắm mục tiêu, có thể gây ra tình trạng phản tác dụng."
Theo giáo sư Lưu, nếu không giải phẫu người bệnh nhiễm coronavirus, ông sẽ không bao giờ biết được điều này. Có mặt trực tiếp tại hiện trường giải phẫu, ông cho biết mình đã có cơ hội nhìn thấy màu sắc của toàn bộ phổi để xem nó có giống như phổi bình thường không, thậm chí bóp vào để cảm nhận kết cấu nhằm xem có gì bất thường ẩn bên trong.
"Việc này rất quan trọng. Ví dụ, phổi bình thường của chúng ta, nó có cảm giác như một miếng bọt biển và chứa không khí. Nhưng phổi của người bị nhiễm virus corona thì không giống. Phổi này không còn là phổi nữa. Nó như đã được thay thế bởi một cái gì đó rất khác", ông nói.
Tuy nhiên, theo giáo sư Lưu, rất khó để diễn tả nó như thế nào với những người không có kinh nghiệm, bởi việc này chỉ có thể trao đổi giữa các bác sĩ chuyên ngành. Ví dụ như miêu tả độ cứng, cần cụ thể đó là độ cứng như một mảnh đá cẩm thạch, cứng như một miếng gỗ, hoặc cứng như một miếng nút chai.
Lưu Lương là giáo sư tại Khoa Pháp Y của Đại học Đồng Tế, ở Thượng Hải.
Vị giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực giải phẫu học ở Trung Quốc cho biết việc khám nghiệm tử thi của người nhiễm coronavirus, là đặc biệt quan trọng. Ông ví nó như nhiệm vụ của những người lính trinh sát trên chiến trường. Đầu tiên và quan trọng nhất đó là xác định kẻ thù của mình là gì, từ đó tìm ra biện pháp giải quyết dựa theo việc nhắm mục tiêu phù hợp.
"Việc điều trị phải được nhắm mục tiêu, nếu kẻ thù là xạ thủ thì phải gửi xạ thủ qua. Nếu đối phương sợ nước, bạn phải dùng thủy công. Nếu kẻ địch sợ lửa, phải dùng hỏa công. Phải xem vết thương gây ra trông như thế nào để điều trị theo mục tiêu. Nếu không, mọi thứ sẽ là vô dụng. Nó giống như một con đường bị chặn, bạn gửi một chiếc xe tăng đến đó cũng chẳng để làm gì, phải nhanh chóng giải phóng con đường trước đã", vị giáo sư này lấy ví dụ.
Theo ông, tình trạng chung hiện nay trong việc điều trị với dịch bệnh mới này là thiếu dữ liệu bệnh lý hoàn chỉnh. Nếu không khám nghiệm tử thi một cách có hệ thống, các nhà nghiên cứu sẽ không thể xác định chính xác tác động của bệnh lên sinh lý bệnh học và tổn thương nội tạng.
Do đó, ngay sau khi bùng phát dịch bệnh do coronavirus mới gây ra, Lưu Lương đã kêu gọi khám nghiệm tử thi bệnh nhân nhiễm bệnh. Ngày 24/1, nhóm của ông đã viết một báo cáo khẩn cấp cho chính quyền thành phố Hồ Bắc, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khám nghiệm tử thi. Ngày 29/1, phía chính quyền đã xác nhận và cho phép tiến hành việc khám nghiệm. Công cuộc chuẩn bị được tiến hành gấp rút, nhưng mãi tới ngày 16/2 vừa qua, nhóm của ông mới sẵn sàng bắt tay vào thực hiện hai ca giải phẫu bệnh lý, một công việc cực kỳ nguy hiểm.
Hình chụp CT phổi của bệnh nhân nhiễm coronavirus.
"Một là không khí bên trong phòng khám nghiệm rất ngột ngạt. Thứ hai là bạn không biết virus sẽ phát tán ra với nồng độ bao nhiêu khi phổi bị phơi bày", ông tâm sự.
Giáo sư Lưu Lương cho biết thời gian giải phẫu càng dài, nồng độ virus phơi nhiễm càng lớn và các bác sĩ càng ở trung tâm của việc phát tán.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng có sợ hãi không khi phải ở rất gần với những bệnh nhân đã qua đời với rất nhiều virus trong cơ thể, ông đáp: "Vâng, đến giờ vẫn còn sợ hãi. Thật sai lầm khi bạn nói rằng mình không sợ nó. Mặc dù tôi đã giải phẫu cả bệnh nhân nhiễm SARS và AIDS trước đây, nhưng nó hoàn toàn khác. Bạn không biết điều gì đã xảy ra trong vòng 14 ngày tiếp theo sau ca khám nghiệm. Bạn cũng không biết nếu khí dung (aerosol) của nó có tác động như thế nào, vì vậy điều này rất rủi ro. Và nên nhớ rằng việc chúng tôi làm là lần đầu tiên trên thế giới."
"Một chất lỏng giống như bột nhão ở bên trong nó", giáo sư Lưu Lương chia sẻ.
Tuy nguy hiểm, thế nhưng vị giáo sư này cũng khẳng định rằng: Ai đó phải làm điều này!
"Trước thảm họa tầm cỡ thế giới, chúng tôi sẽ xấu hổ nếu không dám đứng ở điểm khởi đầu", ông cho biết.
Chia sẻ về buổi khám nghiệm, ông cho biết ban đầu cả nhóm chia làm nhiều đợt với các kế hoạch khác nhau. Nhưng ông rất phân vân khi không biết để những người trẻ hay cán bộ có tuổi vào trước. Bởi rủi ro đi kèm là quá lớn.
Theo kế hoạch ban đầu, do lo sợ việc trên thực tế căn bệnh thường tấn công đối tượng là người có tuổi, vì thế nhóm đầu tiên được cử đi là các thanh niên trẻ sẽ trực tiếp khám nghiệm và "các ông già" sẽ đứng làm trợ lý. Nhưng sau đó, giáo sư Lưu Lương đã thay đổi suy nghĩ. Hai chuyên viên có tuổi sẽ trực tiếp khám nghiệm và một chàng trai trẻ sẽ đứng bên cạnh hỗ trợ.
"Rốt cuộc, họ (những người trẻ tuổi) không có kinh nghiệm. Nếu có vấn đề gì xảy ra thì nó cần được xử lý thật nhanh ở bên trong. Vì vậy chúng tôi chỉ có cách là xông lên", ông cho biết. "Thực ra vấn đề nằm ở chính bản thân mỗi chúng ta. Dù đây là điều gây hoảng loạn thật sự, nhưng vẫn cần thiết phải bảo vệ những người khác."
Theo Tổ Quốc