Ông vua bán lẻ nước Mỹ có chia sẻ về bí quyết thành công của bản thân rằng: "Tôi đứng dậy từ thất bại, tiếp tục sau thất bại, làm lại trên thất bại và tự nhủ phải làm tốt hơn những gì đã thất bại!

1 Bai Hoc Thanh Cong Tu Ong Vua Ban Le Nuoc My Lam Moi Thu Tot Hon Sau That Bai

Chân dung ông vua bán lẻ nước Mỹ

Sam Walton sinh năm 1918 tại Kingfisher, bang Oklahoma, Mỹ trong một gia đình nông dân nghèo và lớn lên vào thời kỳ Đại Khủng Hoảng của nước Mỹ. Xuất phát điểm dưới cả vạch xuất phát, ông đã vươn lên và thành lập đế chế bán lẻ lớn nhất thế giới.

Sam Walton theo học tại Đại học Missouri ở Columbia, tốt nghiệp năm 1940 với bằng cử nhân kinh tế. Ông từng là Đại úy trong Quân đoàn Tình báo từ năm 1942 đến năm 1945. Ông kết hôn với người vợ Helen vào năm 1943 và họ đã có với nhau 4 người con trong suốt 49 năm.

Bình minh của một thiên tài

Sam Walton luôn quan tâm đến bán lẻ và bắt đầu lập nghiệp với vị trí thật khiêm nhường. Ông đã có những bước đầu làm việc tại JC Penney - nơi ông học hỏi những kinh nghiệm đầu tiên về công việc bán lẻ, với tư cách là một thực tập sinh quản lý trước khi nhập ngũ.

Ngoài ra, Sam còn là công nhân làm thuê cho tiệm giặt là tại thị trấn Bentonville, tiểu bang Arkansas, Mỹ. Hằng ngày, ông cùng 3 nhân viên khác đem những món đồ đã được là ủi sạch sẽ trao tận tay cho từng khách hàng.

Lúc đó hai tập đoàn bán lẻ khổng lồ Kmart và Sears sở hữu hầu hết hệ thống cửa hàng bán lẻ tại Arkansas và các bang lân cận. Sau nhiều lần đi giao hàng, trực tiếp gặp đủ các loại khách hàng, Sam Walton đã phát hiện Kmart và Sears không hề xuất hiện ở các thị trấn nhỏ bé và hẻo lánh như Bentonville quê mình.

Thấy vậy, Sam Walton liền dốc toàn bộ số tiền 150 USD thuê 8 công nhân và thành lập một cửa hàng bán lẻ đầu tiên, lấy tên là Wal-Mart ngay tại thị trấn Bentonville quê ông vào năm 1962.

Không ai có thể ngờ, đây chính là tiền thân của một hệ thống bán lẻ lớn nhất thế giới và lớn nhất mọi thời đại sau này.

Thời gian đầu tiên khởi nghiệp, do vốn ít và thiếu kinh nghiệm, cửa hàng của Sam chủ yếu buôn sỉ bán lẻ theo phương châm lấy công làm lãi, buôn bán những nhu yếu phẩm cần thiết nhất mà thôi.

Walton tiếp tục mở rộng kinh doanh của mình. Ông mở các cửa hàng ở những cộng đồng nhỏ. Cửa hàng cũng đã thu hút số lượng lớn khách hàng trong thị trấn bằng chất lượng dịch vụ như tác phong phục vụ nhiệt tình chu đáo, chất lượng hàng bảo đảm, giá cả phải chăng...

Cho tới năm 1965, Wal-Mart đã trở thành một trong những cửa hàng bán lẻ thu hút nhiều khách hàng tại thị trấn Benton.

Tham vọng lớn đã tạo ra kỷ nguyên thống trị, đế chế bán lẻ - nền móng của triều đại "Walton"

Thành công là vậy nhưng Wal-Mart đã mất rất nhiều năm để tìm tòi mô hình phát triển.

Năm 1968, Walmart mở cửa hàng ở Claremore và Sikekton, lần đầu mở rộng ra ngoài phạm vi Askansas. Thành công đến như diều gặp gió, chỉ trong 2 năm, số lượng cửa hàng dưới tay Sam Walton quản lý đã lên tới 38 đơn vị, mang lại doanh thu 44,2 triệu USD.

 2 Bai Hoc Thanh Cong Tu Ong Vua Ban Le Nuoc My Lam Moi Thu Tot Hon Sau That Bai

Năm 1970, Walmart IPO trên NYSE, bán ra 300.000 cổ phiếu với mức giá 16,5 USD. Theo tính toán, nhà đầu tư sở hữu 100 cổ phiếu Walmart vào thời điểm đó với mức giá 1.650 USD thì giờ đây đã là chủ của khối tài sản trị giá 4,3 triệu USD.

Ông thêm Sam’s Club vào hoạt động kinh doanh vào năm 1983. Và đến năm 1985, Sam Walton được tạp chí Forbes vinh danh là người giàu nhất nước Mỹ.

Năm 1987, vào ngày kỷ niệm 25 năm thành lập, Walmart đã có 1.198 cửa hàng với tổng doanh thu là 15,9 tỷ USD cùng 200.000 nhân viên. Ba năm sau, Walmart Stores đã vượt qua các đối thủ để trở thành nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ với doanh số 32,6 tỷ USD, vượt qua đối thủ cạnh tranh Kmart Corp. Wal-Mart trở thành nhà bán lẻ hàng đầu quốc gia vào năm 1990.

Ngày nay, tập đoàn bán lẻ này có hơn 11.400 cửa hàng và tạo ra doanh thu 530 tỷ USD (tương đương GDP 2020 của Thuỵ Sĩ) cùng lượng nhân sự khổng lồ lên tới 2,2 triệu người (vượt số lượng quân chính quy của Trung Quốc). Hệ thống cửa hàng, siêu thị bán lẻ thuộc quyền sở hữu của tập đoàn Walmart đã lên tới hàng chục nghìn, nằm rải rác khắp Bắc Mỹ, châu Âu và tích cực vươn sang châu Á.

Trong suốt kỷ nguyên khởi nghiệp vàng son của "ông vua bán lẻ" Sam Walton, những gì người ta nhắc về Walmart khi ấy là tăng trưởng thần kỳ, tham vọng lớn đã tạo ra kỷ nguyên thống trị.

Sau khi thành công đưa Walmart trở thành nhà bán lẻ số 1 nước Mỹ năm 1991 với doanh thu 26 tỷ USD, Sam Walton qua đời chỉ một năm sau đó. Người kế nhiệm ông là Robson Walton – con trai cả nhà Walton, với trọng trách không để đế chế này sụp đổ.

Không nằm ngoài sự kỳ vọng của Sam Walton, hậu duệ của ông đã chèo lái sự nghiệp, tiếp tục đưa tên tuổi của Wal-mart lên tầm quốc tế, tạo ra một đế chế bán lẻ hùng hậu.

Những thống kê rải rác trong năm 2020 cho thấy tốc độ kiếm tiền của những người thừa kế nhà Walton tăng khoảng nửa triệu USD mỗi phút và 2 tỷ USD mỗi tháng. Tổng tài sản của 7 người trong gia tộc này theo bảng xếp hạng Forbes là 220,2 tỷ USD, vượt xa so với cái tên đứng đầu danh sách tỷ phú là Jeff Bezos.

Một trong những điều quan trọng làm nên thành công của Wal-Mart chính là công thức kinh doanh vô cùng đơn giản đã được ông đúc kết và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Đó là: cắt giảm chi phí, giảm giá, dịch vụ tối ưu, khai thác hiệu quả công nghệ thông tin và đảm bảo cuộc sống nhân viên. Chiến lược này được xem như là chìa khóa mang lại thành công cho Sam Walton.

Tuy nhiên, một chiến lược khác mà theo Sam Walton là quan trọng nhất. Đó chính là nhân viên và cửa hàng.

"Không những quan tâm tới khách hàng, bạn còn phải để tâm đến các cửa hàng và nhân viên của mình. Bạn phải thuê những nhân viên có quan điểm đúng đắn. Nếu bạn muốn mọi nhân viên quan tâm đến khách hàng thì bạn phải đảm bảo rằng bạn đã quan tâm tới họ. Đó là một phần quan trọng nhất đã làm nên thành công của Wal-Mart".

Cuộc đời giản dị phía sau khối tài sản khổng lồ

Mặc dù có khối tài sản khổng lồ, tỷ phú vẫn sống một cuộc sống nhất quán. Ông vẫn đội mũ bóng chày, lái một chiếc xe bán tải cũ và tận hưởng cuộc sống bên ngoài cùng những chú chó của mình.

Ông luôn rất lôi cuốn và được yêu thích từ những ngày còn đi học. Ông là lớp trưởng của các lớp trung học và đại học của mình, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng như Câu lạc bộ Rotary và phòng thương mại.

Tỷ phú tự nhận bản thân không thông minh như nhiều người khác, nhưng bằng sự chăm chỉ và cống hiến, ông đã có thể vươn lên trở thành người đàn ông thành công nhất trong lĩnh vực bán lẻ trên toàn thế giới. Ông đã thành lập nhiều hoạt động từ thiện, chẳng hạn như học bổng đại học.

Sam Walton là một ông chủ luôn khuyến khích tinh thần của nhân viên mà bài ca cổ vũ của riêng Walmart có tên là "Walmart Cheer" do ông sáng tác nhân chuyến công tác đến xứ sở kim chi đến nay vẫn được lưu truyền rộng rãi.

 3 Bai Hoc Thanh Cong Tu Ong Vua Ban Le Nuoc My Lam Moi Thu Tot Hon Sau That Bai

"Ông vua bán lẻ" còn nổi tiếng là người dạy con với quan điểm khiêm nhường và nỗ lực, như chính cách thức ông đối diện với thất bại: "Tôi đứng dậy từ thất bại, tiếp tục sau thất bại, làm lại trên thất bại và tự nhủ phải làm tốt hơn những gì đã thất bại".

Trước khi qua đời, Sam Walton được sự động viên từ gia đình và bạn bè để viết nên cuốn sách "Cuộc đời kinh doanh tại Mỹ". Ông viết chung với cộng sự John Huey. Toàn bộ bí kíp kinh doanh của tỷ phú bán lẻ huyền thoại Sam Walton đã được gói gọn trong cuốn sách. Đây được xem là cuốn sách đáng đọc đối với mọi độc giả, đặc biệt là những người thích sưu tầm sách về kinh doanh.

Năm 1992, Sam Walton qua đời ở tuổi 74 do căn bệnh ung thư. Đế chế Walmart hiện được điều hành bởi các hậu duệ của Sam Walton. Tổng giá trị tài sản của gia đình Walton là 130 tỷ USD, là gia đình giàu nhất tại Mỹ theo thống kê của Tạp chí Forbes.

Nguồn: Doanh nghiệp và Tiếp thị




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC