Ra trường, các bạn trẻ hừng hực khí thế bắt tay xây dựng "đế chế" của riêng mình. Nhưng đời nào có như mơ, thành công loanh quanh có vài người hay lên Tivi, còn thất bại thì nhan nhản khắp nơi. Khởi nghiệp, có lẽ 10 người làm thì đến 8, 9 người bại, vì đâu nên nỗi?
Đầu tiên, năng lực, quan hệ xã hội, tài chính, nguồn khách hàng của người trẻ đều không đủ.
Từ trước đến nay, khởi nghiệp làm ăn chưa bao giờ là chuyện dễ. Không phải bạn chỉ đơn giản học vài năm đại học, rồi kiếm thêm mấy cái chứng chỉ, văn bằng quản trị kinh doanh, kinh tế là có thể.
Làm ăn chính là đi cọ xát, khảo sát thị trường, tìm hiểu và phân tích các vấn đề thực tế, "đi một ngày đàng học một sàng khôn". Tất cả mọi thứ đều cần có thời gian để trải nghiệm và trau dồi, không thể vội vàng hấp tấp.
Tất cả những điểm yếu đều cần phải được bù đắp, khắc phục. Trừ khi bạn có đủ nguồn tài chính, có đối tác phù hợp, nếu không việc kinh doanh của bạn rất khó có thể tiến hành thuận lợi.
Thứ hai, bắt chước người khác đi kiếm tiền, nhưng chính mình lại chưa chuẩn bị đầy đủ.
Nhiều bạn trẻ thấy "con nhà người ta" xấp xỉ tuổi mình đã ăn nên làm ra, thế là tràn trề tự tin ra trận, chỉ muốn mau mau nhập cuộc "đào vàng". Trong khi đó bản thân vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng, chưa đi thăm dò thị trường cẩn thận, cũng chưa có nguồn hàng.
Vì thế sau khi bắt đầu, các bạn chưa thể có ưu thế của riêng mình, mà muốn tạo ra ưu thế riêng trong thời gian ngắn lại vô cùng khó.
Trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh như hiện nay, không tạo được thương hiệu riêng chính là một nhát dao chí mạng đối với việc phát triển của một doanh nghiệp.
Thứ ba, nhu cầu vốn tăng cao.
Giá nhà ốc tăng cao dẫn đến phí thuê mặt bằng, dù là cửa hàng hay văn phòng, dần trở thành một vấn đề vô cùng đau đầu. Đồng thời chi phí sinh hoạt cũng ngày càng lên dốc, thành ra tiền lương cũng phải tăng theo.
Cách đây năm năm, chỉ với 1-3 triệu/tháng bạn đã có thể thuê một sinh viên giỏi về phụ giúp, nhưng hiện nay con số này đã lên tới 3-5 triệu. Mà một cây làm chẳng nên non, nên dù có tăng cũng phải bỏ tiền ra thuê.
Bây giờ sinh hoạt phí đắt đỏ, cuộc sống đầy rẫy áp lực, không có tiền là chẳng có gì. Doanh nghiệp vận hành đến giữa chừng đột nhiên thiếu vốn sập tiệm cũng chẳng có gì hiếm lạ.
Thứ tư, tiền đầu tư có thể không thiếu, nhưng lại không đủ khả năng sử dụng hiệu quả.
Thực ra, có vô số các khoản vốn đầu tư ngắn hạn chỉ chực "chọn mặt" để "gửi vàng". Một khi xuất hiện cơ hội tốt, tiền sẽ lập tức tập trung lại, đầu tư với tốc độ chóng mặt. Những người không có đủ thực lực sẽ bị tốc độ này khiến cho không kịp trở tay. Càng là các ngành có yêu cầu chuyên môn thấp, thì hiện tượng này sẽ xảy ra càng thường xuyên.
Tôi từng bắt gặp khái niệm "đại dương đỏ" và "đại dương xanh" trong một cuốn sách "best-seller" mang tên Chiến lược đại dương xanh, rất thú vị.
"Đại dương đỏ" đại diện cho tất cả các ngành nghề hiện nay, còn "đại dương xanh" lại là đại biểu cho các ngành nghề còn chưa xuất hiện, những ngành còn cần chờ có người "khởi nghiệp".
Đối với các doanh nghiệp thuộc "đại dương đỏ", vì các đối tượng cạnh tranh không ngừng xuất hiện, lợi nhuận và khả năng phát triển càng ngày càng thấp. Ngược lại, "đại dương xanh" lại là thị trường mới, nhu cầu mới, tiềm ẩn triển vọng tăng cao lợi nhuận, ít cạnh tranh và nhiều khả năng tạo ra cơ hội cho người lao động.
Tất cả các nhà đầu tư đều mong tìm ra "đại dương xanh", tìm ra cơ hội tốt, thu về lợi nhuận khổng lồ. Thế nhưng đáng tiếc thay, phần lớn "đại dương xanh" về lâu về dài đều sẽ trở thành "đại dương đỏ".
"Đại dương xanh" thì ít thấy, mà "đại dương đỏ" thì luôn có. Đó cũng chính là lý do khiến rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thời gian đầu thành công vang dội, nhưng chỉ được một thời gian lại kết thúc trong ê chề.
Thứ năm, thị trường biến động không ngừng.
Rất nhiều doanh nhân thích xem tin tức thời sự, đây không phải hiện tượng mới lạ gì. Nếu nghiêm túc nghiên cứu, bạn sẽ phát hiện ra, tin tức thời sự cho thấy xu hướng phát triển của xã hội, từ đó có thể nhìn ra xu hướng thị trường.
Thuận thời thì sống, nghịch thời thì chết. Thời buổi kinh doanh theo trào lưu như hiện nay, phát triển thích ứng với xu hướng thị trường, xác suất thành công sẽ cao hơn rất nhiều
Phải bắt kịp thị trường, thậm chí là có khả năng dự đoán trước xu hướng, thì mới "sống lâu" được. Nhưng điều này cũng chính là một trong những thử thách lớn nhất đối với các bạn trẻ ôm mộng khởi nghiệp mà mắt nhìn lại chưa đủ xa.
Nguồn: Trí thức trẻ