Giá vàng tăng cao, liên tiếp lập kỷ lục khiến nhiều nhà đầu tư nín thở. Vàng được mua dự trữ, đầu tư vốn, làm của hồi môn, để dành, thậm chí là dùng để đầu cơ.
Ở góc độ kinh tế vi mô, vàng còn được xem là giải pháp an toàn trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục chậm. Bên cạnh đó, vàng cũng là một tài sản phòng ngừa lạm phát hiệu quả.
Giá vàng Việt Nam liên tiếp tăng cao kỷ lục
Giá vàng Việt Nam và thế giới vẫn tăng điên cuồng. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) nâng thêm 180.000-230.000 đồng mỗi lượng. Giá mua vào hiện niêm yết ở mức 49,93 triệu và bán ra 50,33 triệu/lượng.
Đây là đỉnh mới của thị trường kim loại quý trong nước. Dù giao dịch vẫn khá trầm lắng, sáng nay giá vàng SJC tiếp tục tăng 300.000 đồng lên 50,35 triệu.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI cũng đã điều chỉnh giá vàng miếng tăng 300.000 đồng chiều mua vào lên 50,02 triệu/lượng và 250.000 đồng chiều bán ra 50,35 triệu/lượng.
Cũng trong đà tăng giá, nhiều ngân hàng và công ty vàng bạc đá quý đã đồng loạt nâng giá ngay khi mở cửa. MSB đang niêm yết mức bán ra mỗi lượng lên đến 50,8 triệu đồng, trong khi Sacombank và Vietinbank Gold & Jewellery dao động 50,3-50,6 triệu đồng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, đại diện Công ty Vàng bạc đá quý SJC cho hay giá vàng lên cao nhưng giao dịch trong nước tương đối trầm lắng. Có một số khách hàng mang vàng đến bán chốt lời, nhưng nhìn chung số lượng lui tới các trung tâm vàng bạc của SJC không đột biến so với những tháng trước.
Về phần mình, đại diện DOJI cho biết, giá vàng tăng cao cũng kéo theo nhu cầu mua bán tăng. Trong tuần đầu tiên của tháng 7, lượng vàng ép vỉ Âu Vàng Phúc Long và vàng miếng mà DOJI bán ra đã tăng 30% so với trung bình tháng trước.
“Mức độ lạc quan về xu hướng tăng dài hạn của giới đầu tư vàng vẫn không có dấu hiệu giảm”, đại diện DOJI cho biết.
Theo thông tin chia sẻ của đại diện Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, lượng người mua vàng tại công ty này đang nhiều hơn lượng người bán ra. Mặc dù vậy, lượng khách cũng tiếp tục tăng lên.
“Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 1 số phiên giao dịch gần đây giá vàng thế giới cũng như trong nước có xu hướng tăng. Cao điểm ở phiên giao dịch sáng 7.7, giá vàng trong nước đã vượt mốc 50 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới tiến lên 1.785 USD/ounce. Có thể nói là giá vàng tăng cao lịch sử trong ngành vàng tính đến thời điểm hiện tại”, đại diện Bảo Tín Minh Châu thông tin.
Theo vị này, tuy giá vàng tăng cao kỷ lục nhưng lượng khác giao dịch không quá sôi động. Tại công ty, lượng khách hàng giao dịch chỉ tăng nhẹ so với những ngày trước. Tỷ lệ khách mua/khách bán lần lượt vào khoàng 55% và 45%.
Điều gì đang xảy ra với giá vàng thế giới?
Giá vàng thế giới cũng đang trên đà tăng trưởng. Chốt phiên tối qua, vàng dao động ở mức 1.793 USD/ounce.
Đến 15h30 hôm nay theo giờ Việt Nam, giá vàng tại thị trường vàng bạc London đã lên mức 1.800,86 USD/ounce. Đây là mức cao nhất trong hơn tám năm. Nguyên do được cho là vì đồng USD suy yếu khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Theo phân tích của chuyên gia Carlo Alberto De Casa tại ActivTrades, việc các nhà đầu tư tiếp tục mua vàng cho thấy họ muốn hạn chế rủi ro đề phòng trường hợp thị trường có biến động.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích thị trường Neil Wilson tại Markets.com nhận định, vàng được giới đầu tư lựa chọn do những lo ngại về nguy cơ lạm phát cao, khi ngân hàng trung ương sử dụng các gói kích thích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo nhận định của hầu hết các chuyên gia, trong ngắn hạn không có đà cản nào đủ sức ngăn giá vàng lên mốc 1.900 USD/ounce.
Vàng được xem là giải pháp an toàn trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục chậm. Bên cạnh đó, vàng cũng là một tài sản phòng ngừa lạm phát hiệu quả. Đặc biệt, nhiều quỹ đầu tư lớn cũng đổ vốn vào vàng khiến giá vàng thế giới càng nóng lên.
Thị trường chứng khoán châu Á và Mỹ điều chỉnh sau nhiều phiên tăng liên tiếp được xem là động lực cho xu hướng đi lên. Bên cạnh đó, đà hồi phục kinh tế Trung Quốc có thể yếu hơn trong nửa cuối năm nay cũng biến vàng trở thành một tài sản trú ẩn an toàn cho giới đầu tư.
Trong khi đó, tỷ giá USD sáng nay vẫn giữ ở mức ổn định. Vietcombank giữ nguyên giá bán USD từ đầu tuần ở mức 23.280 đồng, trong khi một số ngân hàng khác dao động ở mức 23.260-23.270 đồng.
Được biết, mức cao kỷ lục của giá vàng là 1.921,18 USD/ounce.
Giá vàng tăng lịch sử: Nên mua vào hay bán ra?
Có thể thấy, tại Việt Nam, dù giá vàng miếng SJC ở mức cao nhất từ trước đến nay nhưng không có cảnh xếp hàng mua vàng hay giá vàng liên tục “nhảy múa”, biến động không ngừng như hồi năm 2011 – thời điểm lần đầu tiên vàng cán mốc 49 triệu đồng/lượng.
Có nhiều nguyên nhân lý giải diễn biến này của thị trường vàng. Theo đó, hiện Ngân hàng Nhà nước đã cấm huy động và cho vay bằng vàng nên các ngân hàng, nhà đầu tư lớn không còn đổ xô thực hiện giao dịch, tạo nên những biến động lớn của thị trường như thời gian trước.
Điều này cũng có nghĩa là, nhu cầu hiện nay là thật. Tuy nhiên, với giá vàng hiện tại, cả nhà đầu tư cá nhân lẫn giới đầu tư lớn đa phần đều chỉ quan sát chứ chưa dám thực hiện nhiều giao dịch mua bán.
Đồng thời, còn phải kể đến do không còn được cấp phép nhập vàng nên giá vàng trong nước của Việt Nam thường không biến động quá phụ thuộc theo giá vàng thế giới, do đó, có thể, quyết định mua vàng lúc này sẽ tạo rủi ro.
Theo chia sẻ từ đại diện DOJI, trong khi nhiều người ồ ạt chốt lời, nhiều nhà đầu tư vẫn có tâm lý lưỡng lự, quan sát xu hướng để đưa ra quyết định.
“Giá vàng tăng vọt và giao dịch cũng tương đối sôi động hơn so với thời gian trước, tuy nhiên khác với 9 năm trước khi giá vàng lần đầu lên mức 49 triệu đồng/lượng, hiện nay nhiều nhà đầu tư cá nhân chủ yếu vẫn đang quan sát chứ chưa dám gia nhập thị trường mạnh mẽ hơn bởi nhiều người lo sợ lịch sử của gần 9 năm trước sẽ lặp lại một lần nữa - sau khi chạm mức này vàng đã rớt giá rất mạnh”, đại diện DOJI nhận định.
Về phần mình, lãnh đạo của Bảo Tín Minh Châu cho rằng, về dài hạn giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng vì tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó là mỗi lo ngại về sụt giảm kinh tế toàn cầu, cũng như căng thẳng chính trị giữa một số nước trên thế giới.
Một trong những điểm quan trọng nhất có thể khiến các nhà đầu tư trong nước gặp rủi ro khi mua vàng là tỷ lệ chênh lệch mua vào - bán ra của các đơn vị kinh doanh trong nước.
Trong thực tế, có rất nhiều tuần mà chênh lệch mua bán bị đẩy lên quá cao, khiến người mua vàng không có lãi dù giá vàng tăng mạnh.
Với những lập luận trên, các chuyên gia cho rằng, người mua vàng không nên đầu tư lướt sóng, vì rất khó thu lời, đặc biệt là trong bối cảnh giá vàng đang ở mức đỉnh như lúc này.
Các chuyên gia nhấn mạnh, đầu tư vào vàng sẽ trở nên an toàn hơn khi mức chênh lệch càng thấp càng tốt. Vùng an toàn là dưới 300.000 đồng/lượng.
Theo ghi nhận tại thị trường trong nước sáng nay 8/7, chênh lệch mua vào - bán ra tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC là 400.000 đồng/lượng, chênh lệch tại Tập đoàn DOJI là 300.000 đồng/lượng.
Nguồn: SPUTNIK Tiếng Việt