Thành công khi phá vụ án mạng do Elodie Kulik (24 tuổi) gây ra, trung tá Emmanuel Pham-Hoai, người mang trong mình dòng máu Việt - Pháp, thành người tiên phong trong việc giới thiệu phương pháp nhận diện ADN huyết thống ("familial ADN searching") tới lĩnh vực điều tra hình sự ở Pháp.
Sáng 12/1/2002, một nông dân tại thị trấn Tetry, tỉnh Somme (Pháp) trong lúc làm đồng đã phát hiện thi thể nữ giới bị thiêu cháy một phần. Rất nhanh chóng, cảnh sát xác định người chết là Elodie Kulik, đã mất tích được hai ngày.
Theo cảnh sát, buổi tối hai ngày trước, Elodie đi uống nước cùng bạn trong thị trấn rồi ra về vào khoảng 23h.
Cô gái nói với bạn sẽ đi về nhà trên con đường làng tối đèn để tránh tắc đường. Tới 0h20 hôm sau, Elodie gọi điện cho phòng cứu hỏa địa phương kêu cứu, trong điện thoại còn vọng lại giọng quát của hai gã đàn ông. Cuộc gọi kéo dài 26 giây.
Sau hôm đó, cảnh sát tìm thấy chiếc xe của Elodie bị bỏ lại cách nơi tìm thấy thi thể chưa tới một dăm, bên cạnh con đường cao tốc chạy qua nông thôn. Phần cửa của ghế lái phụ mở toang nhưng không có dấu vân tay lạ trên tay nắm. Trong xe và mặt đất xung quanh không có chút dấu vết nhưng cảnh sát vẫn tìm thấy trên cánh đồng chiếc bao cao su đã qua sử dụng và tóp thuốc lá.
Cái chết của Elodie Kulik – "nữ quản lý ngân hàng trẻ nhất nước Pháp" khiến gia đình bàng hoàng. Ảnh: Lunion.
Cái chết của Elodie khiến người thân và bạn bè cảm thấy bàng hoàng khó hiểu: Ai là người muốn giết hại cô gái được mệnh danh là "nữ quản lý ngân hàng trẻ tuổi nhất nước Pháp".
Ít lâu sau cái chết của con gái, người mẹ uống thuốc chuột tự tử bất thành nhưng phải nằm liệt giường trong 9 năm rồi cũng qua đời.
Cảnh sát tin rằng những kẻ giết người đã chèn ép xe của Elodie ra khỏi con đường cao tốc, bắt cóc cô gái rồi rẽ vào thị trấn Tertry, nơi chúng sát hại và vứt xác cô ở đó.
Có mẫu ADN trong tay, điều tra viên thuộc đơn vị điều tra hình sự của Hiến binh Quốc gia Pháp nhập thông tin vào kho dữ liệu tội phạm quốc gia với quy mô hơn hai triệu mẫu nhưng không cho kết quả trùng khớp. Trong những năm tiếp theo, nhà chức trách tiếp tục đối chiếu ADN của 5.500 người dân ở tỉnh Somme nhưng đều không có bước đột phá.
Tới năm 2012, báo chí ngừng đưa tin về vụ sát hại nữ quản lý ngân hàng trẻ tuổi. Vụ án cũng dần trở nên nguội lạnh.
Trung tá Pham-Hoai, khi ấy mang chức Đội trưởng, đang làm việc trong phòng kỹ thuật hình sự của Hiến binh Quốc gia Pháp – thấy bực tức vì cuộc điều tra bị đình trệ. Từ băng ghi âm cuộc điện thoại kêu cứu, Pham-Hoai biết rằng hai gã đàn ông là người địa phương.
Không từ bỏ, Pham-Hoai tìm đọc nhiều tạp chí khoa học với hy vọng có thể tái điều tra vụ án. Sau khi tra cứu, ông được biết tại Mỹ đã bắt đầu ứng dụng kỹ thuật nhận diện ADN huyết thống mới mẻ, giúp mở rộng phạm vi tìm kiếm nghi phạm.
Theo Pham-Hoai tìm hiểu, căn cứ của kỹ thuật trên là ở chỗ bộ gien của mỗi người được thừa hưởng một nửa từ bố và một nửa từ mẹ. Như vậy, khi mẫu ADN tìm thấy tại hiện trường không xuất hiện trong cơ sở dữ liệu tội phạm quốc gia, điều tra viên có thể tìm mẫu ADN giống một nửa, thay vì trùng khớp hoàn toàn. Như vậy, điều tra viên có thể xác định được người có cùng huyết thống với nghi phạm, từ đó có thêm manh mối điều tra.
Pham-Hoai cho rằng phương pháp này có thể là câu trả lời cho một trong những vụ án chưa có lời giải nổi tiếng nhất của Pháp. Tuy nhiên, Pham-Hoai cũng do dự vì quy trình mới mẻ trên chưa bao giờ được sử dụng tại Pháp, không chắc cấp trên có phê duyệt hay không vì có thể xâm phạm vào quyền riêng tư của người thân nghi phạm. Hơn nữa, ông thấy đây cũng là "canh bạc" vì mẫu ADN của thân nhân kẻ gây án cũng chưa chắc tồn tại trong kho dữ liệu tội phạm quốc gia.
Pham-Hoai chủ động liên lạc với giám đốc phòng kỹ thuật hình sự của thành phố Denver, bang Colorado (Mỹ), nơi đầu tiên ứng dụng kỹ thuật mới, và xin được trợ giúp sử dụng phần mềm đối chiếu ADN huyết thống. Yêu cầu này được phía Mỹ chấp nhận.
Tuy nhiên, đúng như những gì ông lo ngại, nhà chức trách Pháp sợ rằng phương pháp nhận diện ADN huyết thống chưa có quy định pháp luật điều chỉnh và có thể xâm phạm vào quyền lợi của người vô tội. Pham-Hoai sau đó không được cấp trên cho phép sử dụng phần mềm đối chiếu ADN do phía Mỹ cung cấp.
Không từ bỏ, viên cảnh sát gốc Việt tiếp tục trao đổi với phía Mỹ về hướng đi tiếp theo và được gợi ý rằng dù không được sử dụng phần mềm, ông ta vẫn có thể lấy chỉ một đoạn đặc trưng trong mẫu ADN tại hiện trường vụ án và đối chiếu với kho dữ liệu quốc gia nhằm tìm ra người cũng có đoạn ADN đặc trưng như thế và cùng sống tại tỉnh Somme.
Lời khuyên của phía Mỹ thật sự có kết quả. Đoạn ADN đặc trưng mà Pham-Hoai tách ra từ mẫu vật hiện trường có cùng loại nhiễm sắc thể Y với một phạm nhân phải ngồi tù từ năm 2001 vì tội tấn công tình dục trẻ vị thành niên.
Pham-Hoai tiếp tục lấy mẫu ADN khả nghi đối chiếu với vợ của phạm nhân này, phát hiện trùng khớp với con trai của hai người này tên Greg Wiart. Tuy nhiên, ông phát hiện người này đã chết vì tai nạn giao thông chỉ hơn một năm sau khi nạn nhân bị giết hại.
Jacky Kulick – bố của Elodie – dành cả đời đòi công lý cho con gái. Ảnh: VDNPQR.
Dù vậy, với phát hiện này, nhà chức trách Pháp cuối cùng cũng lắng nghe người Đội trưởng hiến binh kiên trì.
Pham-Hoai sau đó thành công thuyết phục thẩm phán ra lệnh khai quật mộ của Greg để thu thập mẫu mô vào ngày 24/1/2012. Kết quả giám định sau đó cho thấy mẫu mô của Greg trùng khớp với ADN ở hiện trường.
Cuối cùng sau 10 năm, Pham-Hoai đã tìm ra danh tính của một trong hai kẻ giết người, qua đó chứng tỏ tính ứng dụng thực tiễn của phương pháp nhận diện ADN huyết thống.
Một năm sau, cảnh sát Pháp bắt giữ Willie Bardon (43 tuổi, bạn nhậu của Greg) vì có căn cứ cho rằng giọng của người này trùng với giọng nói trong điện thoại. Nhưng sau một năm 6 tháng tạm giam nghi phạm, cảnh sát buộc phải thả Willie vì thiếu đi bằng chứng. Willie phủ nhận mọi sự liên hệ với cái chết của Elodie.
Tuy vậy, hy vọng bắt nghi phạm còn lại đền tội vẫn chưa chấm dứt. Phiên tòa xét xử Willie về tội Giết người, Bắt cóc Elodie dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 với nhiều bằng chứng mới.
Nhờ nỗ lực, Pham-Hoai sau đó được thăng chức từ Đội trưởng lên Trung tá Hiến binh quốc gia. Ông đã giúp lĩnh vực điều tra hình sự của Pháp biết tới thêm một kỹ thuật phục vụ công tác phá án nữa. Từ đây, năm 2016, chính quyền Pháp chính thức ban hành luật về phương pháp nhận diện ADN huyết thống, xóa bỏ khoảng trống trong quy định pháp luật.
Hiện, Pham-Hoai công tác tại Viện Điều tra hình sự thuộc lực lượng Hiến binh Quốc gia Pháp, là chuyên gia nhận diện ADN tại tòa phúc thẩm Versailles. Trao đổi với VnExpress, Emmanuel Pham-Hoai cho biết ông sinh ra tại Pháp vào năm 1978, là kết quả cuộc hôn nhân giữa người bố Việt và mẹ Pháp. Bố của ông sinh tại Đà Nẵng vào năm 1942, sau đó sang Pháp theo học ngành y tại tỉnh Toulouse và kết hôn ở đây.
Nguồn: Quốc Đạt/ vnexpress.net