Kết hôn tại Việt Nam nhưng theo chồng qua Pháp sinh sống và định cư, chị Nguyễn Huyền Diệu (38 tuổi) may mắn khi chỉ mất 1,5 năm để bắt kịp và thích nghi với lối sống của những người dân nơi đây. Hạnh phúc ngọt ngào hơn khi vừa đặt chân đến xứ sở của các loài hoa đẹp được một tháng thì chị hay tin mình cấn thai. Sau 9 tháng thai kỳ, đến cuối năm 2017 hai vợ chồng chị cùng nhau đón bé gái Nina May – là em bé lai 2 dòng máu Việt – Pháp đẹp tựa thiên thần chào đời.
Mang thai chủ yếu ăn rau, 8 tháng chưa lộ rõ bụng bầu
Ngay khi que thử xuất hiện hai vạch, cũng là thời điểm chị Diệu đánh dấu mốc rời quê hương theo chồng được một tháng. Mặc dù trước đó hai vợ chồng đều đã lên kế hoạch sớm mang bầu, song khi cầm que thử thai trên tay chị vẫn quá bất ngờ vì không nghĩ cơ địa của mình lại dễ cấn thai nhanh như vậy. Chị lập tức ra hiệu thuốc mua thêm que để thử lại, chị không quên nói tình trạng của mình với người bán que thử và nhận được lời khẳng định chắc nịch rằng chị đã mang thai.
Để chắc chắn chị chạy ngay về nói ông xã đặt lịch bác sĩ để tới kiểm tra trực tiếp, kết quả xét nghiệm cho thấy em bé đã đến với mẹ được vài tuần tuổi. Nhớ lại thời điểm biết có tin vui, chị Diệu nói: “Mình thật sự hạnh phúc khi cầm trên tay kết quả thử thai. Nói chung cảm xúc lúc đó khó diễn tả được, vừa xúc động, vừa bất ngờ. Vì cả hai vợ chồng đều đã lớn tuổi rồi nên mọi việc đến sớm mình cảm thấy cực kỳ vui”.
Theo lời mẹ 8X, ở Pháp trong suốt thai kỳ bà bầu chỉ được khám và siêu âm đúng 5 lần theo lịch hẹn của bác sĩ. Họ không khuyến khích siêu âm nhiều, những lần siêu âm tiếp theo là do bác sĩ chỉ định chứ bản thân thai phụ không được tự quyết định.
Cũng giống như nhiều bà bầu khác, chị Diệu bước vào thai kỳ và bị ốm nghén 3 tháng đầu rất nặng, không thể ăn được gì. Ngay lập tức chị được bác sĩ kê cho một số loại vitamin và các loại bổ sung sắt, một thời gian sau hết nghén chị bắt đầu ăn tốt trở lại.
Tổ ấm nhỏ của gia đình chị Huyền Diệu tại đất nước Pháp xa xôi.
Chị thú nhận là người phải chịu thiệt thòi hơn so với các bạn của mình ở Việt Nam, bởi khi mang bầu hai vợ chồng hầu như tự nấu nướng do ở Pháp không có sẵn hàng quán ăn uống như nước mình.
Trong thai kỳ chị tập trung ăn rất nhiều rau và hoa quả, ít ăn tinh bột, hạn chế ăn thịt, bởi vậy chị không lên cân nhiều. Mặt khác chị Diệu cũng không có áp lực về việc mang bầu là phải ăn cho 2 người. Bởi thực chất thai nhi chỉ hấp thu được 1 lượng nhỏ các chất dinh dưỡng, vitamin từ mẹ. Nhiều mẹ bầu vì lo sợ con nhẹ cân nên nạp quá nhiều năng lượng, vô hình chung lại tự tạo áp lực cho bản thân, chỉ làm mẹ thêm stress mà hiệu quả chưa chắc đã được như mong muốn.
Mẹ không tăng cân nhưng bé Nina May luôn đạt chuẩn các chỉ số thai nhi.
Mang bầu đến tháng thứ 8 nhưng nhiều người không nhận ra là chị có bầu, cả thai kỳ chị chỉ tăng vỏn vẹn 12kg. “Bầu đến những tháng cuối mình vẫn đeo vừa nhẫn cưới, bụng mình cũng không bị rạn, mũi thì có nở 1 chút không đáng kể, mình sinh bé bị già tuần nên tuần cuối có chút nặng nề thôi” – chị dí dỏm chia sẻ.
Được biết, không chỉ lúc mang bầu mà trước và sau này chị đều đi bộ rất nhiều do phần lớn đều di chuyển bằng phương tiện công cộng nên phải đi bộ từ nhà ra bến sau khi đến nơi lại đi bộ từ ga tới nơi mình cần đến. Vì ông xã bận đi làm cả ngày nên những khi ở nhà một mình chị lại thong dong đi bộ vừa để ngắm đường phố cho đỡ buồn và tốt cho sức khoẻ lúc mang bầu. Có thể nhờ chăm chỉ dạo bộ mà chị có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ bầu không tăng cân nhiều nhưng con vẫn đảm bảo các chỉ số thai nhi.
Nói đến chế độ phúc lợi và dịch vụ y tế ở nước Pháp, chị Huyền Diệu cho rằng từ bệnh viện, kỹ thuật máy móc đều rất sạch sẽ và hiện đại, y tế đất nước này gần như là số 1. Cũng giống như rất nhiều nước phương Tây khác, ở Pháp chi phí bảo hiểm rất rõ ràng. “Về chi phí thì bảo hiểm trả từ thăm khám siêu âm cho đến lúc sinh bé, tiền thuốc cho mẹ và bé. Bên này có 2 dạng bảo hiểm, một dạng thì sẽ được bảo hiểm trả toàn bộ, dạng thứ 2 thì sẽ được trả 75% tuỳ theo nhu cầu mà mình chọn mức đóng hàng năm” – mẹ 8X cho biết thêm.
Chịu đau 41 tiếng đồng hồ sinh con 4,3kg, đẻ xong không có ai là người thân ở cạnh
Ngày sinh bé Nina May, chị Diệu có dấu hiệu chuyển dạ từ 23h đêm hôm trước nhưng đến mãi 7h sáng hôm sau chị mới vào bệnh viện, tại đây các y tá thăm khám thấy cửa tử cung của mẹ đã mở 2cm, chị được bác sĩ dặn về nhà nghỉ ngơi hoặc đi cà phê bao giờ thấy cơn đau cách nhau 5 phút/lần thì vào viện chuẩn bị sinh con. Ngày hôm đó 2 vợ chồng chị cứ ra rồi lại vào viện liên tục nhưng vẫn chưa có chỉ định nhập viện. Phải chờ tới 1h sáng ngày hôm sau nữa các cơn đau mới dồn dập ập tới, lúc này chị cùng chồng tức tốc tới làm thủ tục nằm viện.
5h sáng chị bị vỡ ối thế nhưng phải tới 17h chiều mới được mổ chủ động bắt em bé Nina May nặng 4,3kg ra ngoài. Như vậy sau 41 tiếng đồng hồ chịu đau mẹ mới chính thức được nghe thấy tiếng con cất tiếng khóc chào đời. Sau sinh chị được chuyển xuống phòng riêng sạch sẽ như khách sạn, chồng và mẹ không ai được ở lại cùng vì đã có các y tá chăm sóc cho cả mẹ và bé. Buổi tối nhân viên y tế sẽ đến hỏi có muốn con ngủ với mẹ không, trong trường hợp mẹ mệt cần thêm thời gian nghỉ ngơi thì họ mang bé sang một phòng khác cho bé ngủ.
Theo đó bữa ăn cho bà đẻ ở Pháp được nhân viên phục vụ tận phòng, chị Diệu cảm thấy đồ ăn hơi khó ăn một chút vì suất ăn của họ chỉ toàn là salat, bánh mì hoặc một ít soup.
Thời gian còn lưu trú lại bệnh viện, mẹ được hướng dẫn cách tắm và thay tã, mặc quần áo cho bé, cũng như cách vệ sinh rốn hay nhỏ mũi, nhỏ mắt, cách cho bé bú ti, cách mẹ kích sữa để sữa nhanh về. Ngay từ ngày đầu về nhà, hộ lý đã đến hướng dẫn chị cách vệ sinh thân thể cho bản thân và ngay ngày thứ 2 sau mổ chị được hướng dẫn tắm gội sạch sẽ, chứ hoàn toàn không được kiêng tắm.
Bé Nina May mỗi ngày một lớn, con thừa hưởng đôi mắt to tròn và làn da trắng của mẹ
Vì là bé đầu nên chị Diệu khá cẩn thận đã chuẩn bị cho mình một chút kiến thức về chăm sóc em bé từ lớp học tiền sản. Tuy nhiên, vì là lần đầu làm mẹ nên đôi lúc cũng có những tình huống khiến bản thân bỡ ngỡ, song cũng may mắn được mẹ đẻ đồng hành xuyên suốt 7 tháng sau khi chị sinh em bé. Bà cũng chính là người nấu những bữa cơm cữ cho con gái, song chế độ ăn sau sinh của chị cũng không có gì quá đặc biệt, chị chỉ ăn bình thường như những thành viên trong gia đình, đặc biệt không ăn món mòng giò để có sữa như nhiều mẹ ở Việt Nam, thế nhưng chị vẫn đủ sữa cho em bé bú.
Mang thai và sinh con ở nước Pháp, chị Nguyễn Huyền Diệu được hưởng rất nhiều từ chế độ phúc lợi chăm sóc mẹ và bé. Bản thân cũng là người hay tìm tòi, tự học hỏi nên suốt 9 tháng thai kỳ chị hoàn toàn không gặp quá nhiều khó khăn trong lần đầu làm mẹ này.
Giờ đây khi em bé trong 22 tháng tuổi, chị cũng vô cùng nhãn rỗi bởi em bé được mẹ rèn cho tính tự lập ngay từ nhỏ, con mang hai dòng máu Việt lai Pháp xinh xắn với đôi mắt to tròn, làn da trắng sáng đẹp tựa thiên thần.
Theo Như Loan – Ảnh: NVCC (thoidaiplus.giadinh.net.vn)