“Sau hơn một năm gắn bó chung theo hợp đồng hôn nhân, những lần chuyện trò, xem phim và cùng thưởng thức các món ăn ngon mà “vợ” nấu…, chúng tôi yêu nhau và nên duyên vợ chồng thật”
Mỗi năm có hàng trăm trường hợp người Việt nhập cư bằng con đường kết hôn với công dân Úc bị trục xuất về nước vì không vượt qua được những cuộc trắc nghiệm về cuộc sống riêng tư. Nhưng đây vẫn là con đường được không ít người lựa chọn.
Theo Bộ Di trú Úc, tính từ năm 2007-2008 số thị thực nhập cảnh cho những người kết hôn và vợ chồng không hôn thú đã tăng lên đến 40 ngàn, tăng 53,8% so với trước đó 10 năm.
Tuy nhiên, trong số các cuộc hôn nhân này, thực trạng kết hôn gian dối để được cấp thị thực khá phổ biến.
Chỉ trong năm 2009, Bộ Di trú Úc đã điều tra trên 1.150 cặp vì nghi ngờ họ chỉ là vợ chồng “hờ”, kết quả là khoảng 220 thị thực bị huỷ bỏ. Gần 3.150 đơn xin cấp thị thực cũng bị gạt bỏ ngay lập tức sau khi Bộ Di trú phát hiện chuyện “ông nói gà bà nói vịt” về cuộc sống hôn nhân của những người trong cuộc.
Con đường nhập cư vào Úc – Kết hôn giả
Tuy nhiên, đây vẫn là một “dịch vụ” phổ biến trong cộng đồng người Việt tại Úc.
Bằng chứng là những dịch vụ “ăn theo” kết hôn giả vẫn được các văn phòng luật sư hay văn phòng dịch vụ di trú, công ty du học quảng cáo nhan nhản trên các trang báo của cộng đồng Việt dưới kiểu: “Chuyên làm hồ sơ bảo lãnh chồng hoặc vợ, đảm bảo thành công 100%”.
Kết hôn giả ở Úc được tiến hành ra sao?
Một cô gái Úc gốc Việt, từng thành công ẵm trọn $50.000 từ hợp đồng kết hôn giả giúp một người quen nhận được thị thực thường trú tại Úc. Cô cho biết, lúc đầu chỉ nghĩ rằng quá trình thực hiện hợp đồng đặc biệt này không quá khó khăn, thế nhưng khi chính thức nhận lời và bắt đầu tiến hành cô mới cảm thấy được những khó khăn và đôi lúc cả sự hồi hộp lo âu.
Thời giá hiện tại cho nữ là $45.000 – $60.000 còn cho nam thì giá có cao hơn, giao động khoảng từ $50.000 – $65.000. Chi trả thì trước khi làm giao một nửa, sau khi vào được thường trú nhân thì giao tiếp nửa còn lại.
Giá gốc thì là như vậy, nhưng còn rất nhiều chi phí phát sinh khác.
Ví dụ như nếu người ở Úc đang có công ăn việc làm ổn định, có thu nhập. Khi bay về Việt Nam để tiến hành tạo bằng chứng, làm giấy tờ…. người thuê còn phải chịu những chi phí ăn ở, đi lại, vé máy bay khứ hồi, thậm chí có nhiều người đòi cả tiền lương mà họ chịu thất thoát trong khoảng thời gian họ ở tại Việt Nam. Tính ra chi phí trong mục này xấp xỉ khoảng $5.000
Cô cho biết khoản tiền $50.000 không được nhận một lần mà chia ra làm ba lần. Đầu tiên cô nhân được $20.000 khi hai bên ký giấy hôn thú.
Sau đó, khi người “chồng” nhận được thị thực thường trú tạm thời (Temporary Residency), cô nhận được $20.000 tiếp theo. Khoản thanh toán cuối cùng được thực hiện khi thị thực thường trú (Permanent Residency) được cấp cho anh “chồng hờ”. Nhiệm vụ chính của cô là về Việt Nam làm đám cưới, duy trì cuộc sống vợ chồng với đối tác và tham gia phỏng vấn tại Bộ Di trú Úc.
Nếu chỉ nhìn vào khoản tiền và những lần thanh toán thì nhiều người sẽ nghĩ $50.000 này kiếm thật dễ dàng. Tuy nhiên, qua những lời tâm sự của người “chồng” – trong gần 5 năm thì cuộc hôn nhân ấy thật lắm công phu.
Anh cho biết nếu tự đi làm thủ tục thì anh sẽ tiết kiệm được một khoản tiền. Nhưng ngược lại anh sẽ bị “hành xác” trong việc đi lại, thiếu trước hụt sau của hồ sơ, trục trặc về giấy tờ, lộn xộn và bối rối về mặt pháp lý, tốn kém về mặt dịch thuật v..v..
Nếu anh thuê một văn phòng luật sư hoặc văn phòng dịch vụ di trú chịu trách nhiệm về mặt giấy tờ của anh, thì họ sẽ tính lệ phí phụ thuộc vào việc mối quan hệ, thời gian quen biết giữa anh với người bảo lãnh và bằng chứng nhiều hay ít.
Khoản lệ phí này cũng tương đương từ $5.000 trở lên (bao trọn gói cho đến khi anh lên máy bay kể cả việc kiện tụng xảy ra sau này nếu như phỏng vấn thất bại – nhưng họ sẽ chịu các khoản lệ phí như lệ phí khám bệnh, làm hộ chiếu, chứng thực, sao y, và lệ phí tòa án nếu có).
Trong đó riêng lệ phí cho các loại giấy tờ nộp lên Bộ Di trú đã lên đến $2.000, khoản trả cho văn phòng di trú hoàn thiện và theo dõi hồ sơ là $3.000, cũng được chia làm hai lần thanh toán. Lần đầu lúc nộp hồ sơ và lần cuối là khi nhận được thị thực thường trú tạm thời.
Nếu anh đi theo diện làm đám cưới tại Việt Nam xong rồi mới sang Úc. Thì chi phí lo thủ tục đăng ký kết hôn, chụp hình cưới, tổ chức đám cưới cũng ít nhất $1.500 trở lên, rồi vé máy bay khứ hồi để “người yêu” bay về làm lễ cưới với anh, những khoản tiền ấy lên đến hàng trăm triệu đồng Việt Nam.
Nếu anh đi theo diện hôn thê (diện đi nhanh nhất, mau chóng nhất hiện nay) thì chi phí cho việc đăng ký kết hôn tại Úc, tổ chức một buổi tiệc đám cưới hình thức tại Úc cũng tiêu tốn khoảng $2.000 trở lên (tiết kiệm hết mức).
Xét khả năng anh đi theo dạng kết hôn, thì khoản thời gian nhanh hay lâu còn tùy thuộc vào nguồn tài chánh dồi dào của anh nhiều hay ít.
Cách đi nhanh nhất là du lịch, du học, thăm thân nhân hay bất cứ lý do gì có thể khiến anh đặt chân tới Úc này. Sau đó cùng với người bảo lãnh tạo ra những bằng chứng đủ để chứng minh được tình cảm của hai người và sau khi trở lại Việt Nam, hai người đã tạo ra được mối dây ràng buộc giữa hai bên. Khoảng thời gian tổng cộng đủ để anh có VISA sang tới Úc này là khoảng 9 tháng. .
Nếu như anh thất bại trong buổi phỏng vấn, anh sẽ có hai cách để giải quyết:
1: Tiếp tục theo đuổi tới cùng, bằng cách đưa đơn kiện Bộ Di Trú tại tòa án Úc. Thời gian chờ đợi để xử lý vụ kiện từ 6 tháng đến một năm. Chi phí tòa án và luật sư khoảng $5.000.
2: Khi bị bác đơn, Bộ Di trú sẽ gửi trả toàn hồ sơ về. Ta bị bác đơn hôn thê thì ta quay ra làm đám cưới. Sau đó nộp lại từ đầu với thời gian chờ đợi từ 06 – 08 tháng để xét duyệt hồ sơ. Trong trường hợp này nếu vẫn bị bác đơn, thì cách cuối cùng là mang đơn đi kiện như đã nói ở trên.
* Thông thường khi đã mang đơn đi kiện, thì xác suất thắng rất cao, nhưng đòi hỏi cả anh và người bảo lãnh phải chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt giấy tờ, bằng chứng và các câu hỏi thẩm vấn mà tòa sẽ đưa ra để đối chất cùng một lúc giữa hai người trong cùng một thời điểm.
Đám cưới giả là cách hợp thức hoá cho một cuộc hôn nhân khác quốc tịch trước sự kiểm tra của Bộ Di trú Úc. Thật may mắn chỉ sau gần 3 tháng nộp hồ sơ lên bộ phận quản lý di trú thuộc Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, anh đã được cơ quan này phỏng vấn.
Cuộc phỏng vấn trót lọt, anh được Sứ quán Úc cấp thị thực thường trú tạm thời tại Úc và như thế bước đầu của kế hoạch đã thành công.
Đầu xuôi, đuôi có lọt?
Tiếp tục tâm sự của người “chồng” anh cho biết sau khi đến Úc anh bắt đầu đối mặt với những khó khăn mới. Mỗi tuần anh và “vợ” phải bố trí “ngủ chung nhà” ít nhất 2 hay 3 đêm để “phòng khi có động”.
Theo anh giải thích, “động” là tình huống Bộ Di trú cho người kiểm tra bất ngờ cuộc sống của các cặp vợ chồng có yếu tố nước ngoài nhằm phát hiện những cuộc hôn nhân gian dối để nhập cư.
Tất cả đồ đạc trong nhà bao gồm cả quần áo và trang sức đều phải được sắp đặt giống các căn nhà của những cặp vợ chồng bình thường khác. Họ phải thuộc lòng những thông tin về nhau và mọi thứ trong căn nhà ấy.
Anh dí dỏm kể:
“Anh có sở thích gì, rảnh rỗi hai người thường làm gì, thậm chí cả chuyện anh mặc… quần lót hiệu gì cô vợ cũng phải nắm rõ để nếu không may bị hỏi còn biết trả lời”.
Kỷ niệm mà anh không bao giờ quên được chính là lần phỏng vấn tại Bộ Di trú để quyết định việc cấp thị thực thường trú. “Cả hai đứa tụi mình dễ dàng vượt qua những câu hỏi được dự liệu từ trước chỉ trừ một câu…” – Anh tâm sự.
Qua lời của thông dịch viên anh nhận được câu hỏi: “Vợ chồng anh đã ăn gì tối qua? Và vợ anh thích xem kênh truyền hình nào nhất?”. Sau vài giây trấn tĩnh trước câu hỏi bất ngờ, anh đánh liều nói: “Chúng tôi ăn đồ ăn Việt Nam và vợ tôi thích nhất kênh 7”.
May mắn mỉm cười với anh khi vợ anh cũng ngẫu nhiên có cùng câu trả lời với anh. Hơn hai tuần sau anh nhận được thông báo chính thức cấp thị thực thường trú của Bộ Di trú Úc.
Tiền mất tật mang từ kết hôn giả để được nhập cư vào Úc
Không may mắn một chị quê Hải Phòng theo người chồng “hờ” sang Úc đã 5 năm vậy mà hồ sơ kết hôn của chị vẫn bị “đóng băng” sau ba lần Bộ Di trú tới “thăm” nhà.
Người “chồng” gần như rũ bỏ trách nhiệm sau khi nhận hơn $30.000 của chị. “Anh ta chỉ về nhà khi đã xài hết tiền để “vòi vĩnh” thêm thì mới chịu tiếp tục thực hiện hợp đồng”, chị kể.
Bi đát hơn, Anh vốn đã lập gia đình ở Việt Nam nhưng trong một lần gặp lại người bạn cũ nay đã là Việt kiều Úc, anh được bạn giới thiệu kết hôn giả với một cô gái Úc gốc Việt để sang định cư tại Úc tìm cơ hội đổi đời.
“Mình định là sẽ sang trước, khi nhập cư được sẽ bảo lãnh vợ con sang sau” – Anh tâm sự. Thế nhưng ngày đó không bao giờ đến vì cô gái đã ẵm 400 triệu đồng rồi lặn mất hút nơi phương trời Tây sau lễ cưới giả với anh ở Việt Nam.
Bi hài chuyện giả thành thật từ kết hôn giả ở Úc
Không chỉ các “nạn nhân” cả tin vào một cơ hội mờ mịt nơi xứ người, một số chủ động tìm kiếm cơ hội định cư qua môi giới hôn nhân giả cũng rơi vào những hoàn cảnh bi hài.
Được bật mí về một trung tâm môi giới hôn nhân ở Richmond, Melbourne, Đức tìm đến đây, được tư vấn và kết hôn với một cô dâu Aussie (Úc) “chính hiệu”.
Chuyện bi hài xảy ra khi Đức chỉ coi đó là cô vợ giả trong khi cô gái Úc với trọng lượng lên đến hàng “tạ” kia lại coi cậu là… người chồng lý tưởng. Trót “ván đã đóng thuyền”, giờ Đức buộc phải xuôi theo dòng nước.
Một anh thợ chụp ảnh, lại say sưa kể về cuộc hôn nhân giả thành thật của mình:
“Sau hơn một năm gắn bó chung theo hợp đồng hôn nhân, những lần chuyện trò, xem phim và cùng thưởng thức các món ăn ngon mà “vợ” nấu…, chúng tôi yêu nhau và nên duyên vợ chồng thật”. Giờ anh đã có một mái ấm hạnh phúc bên người vợ và cô con gái xinh xắn.
Nguồn: ALOUC