“Lúc đầu nhiều người nghĩ tôi qua Mỹ để tìm sự giúp đỡ. Nhưng hiện tại tôi được tôn trọng và yêu quý ở trường vì năng lực của bản thân. Tôi đã chứng minh một điều rằng: Tôi không qua Mỹ để xin một niềm thương hại nào cả”. Chàng trai bị bại não Trần Mạnh Chánh Quân chia sẻ.
Chàng trai bị bại não Trần Mạnh Chánh Quân (thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu) vừa được Google mời đến trụ sở của tập đoàn này ở California (Mỹ) phỏng vấn tuyển dụng kỹ sư phần mềm.
Quân là nhân vật trong bài “Chim cánh cụt đất Việt” năm 2010, chân đi không vững, nói năng khó nhọc, tay không thể cầm viết nhưng đã nỗ lực đạt học sinh giỏi quốc gia môn tin học năm lớp 12 khi đang học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trần Mạnh Chánh Quân trước tòa nhà ở trụ sở Google tại California, Mỹ. Ảnh chụp sau khi Quân phỏng vấn ngày 18/11/2016 Ảnh: TRƯƠNG MẠNH THANH THẢO
Sau đó, một trường đại học ở Mỹ cấp học bổng 50% học phí cho Quân du học ngành công nghệ thông tin – toán học từ đó đến nay.
Nhân dịp Quân về thăm nhà, phóng viên trò chuyện cùng bạn.
Cần điểm mạnh, không vì “điểm yếu”
“Chào Quân
Chào Quân! Bạn đã thể hiện mình như thế nào để Google đài thọ chi phí, mời bạn đến phỏng vấn tuyển dụng?
Năm ngoái tôi xin chương trình thực tập tại Google nhưng chưa được. Vừa rồi, dữ liệu vẫn còn nên họ gọi tôi nộp hồ sơ dự tuyển làm việc toàn thời gian. Sau vài vòng phỏng vấn online, họ mời tôi tới trụ sở để phỏng vấn trực tiếp ngày 18/11/2016.
Do tôi ngồi xe lăn, họ cho thêm một người đi cùng. Họ đài thọ vé máy bay, ăn ở, chi trả mọi chi phí cho hai người.
Việc phỏng vấn diễn ra như thế nào?
Tôi đến trụ sở Google lúc 9g thì 10g30 bắt đầu phỏng vấn. Có bốn người ở bốn mảng chuyên môn hỏi tôi trực tiếp. Hai người buổi sáng, hai người buổi chiều và mỗi người trong 45 phút. Tất cả đều hỏi về chuyên môn, kỹ thuật. Do tôi nói năng khó khăn nên trả lời bằng cách gõ vào bàn phím máy tính.
Đến 12g30 họ cho một nhân viên vào hướng dẫn tôi đến khu ăn trưa rồi 13g30 tiếp tục. Trước khi đến, một người bạn của tôi ở Google gợi ý “họ thuê bạn vì họ cần điểm mạnh của bạn, không phải vì điểm yếu của bạn” và đúng như vậy.
Kết quả ra sao?
Nói về kiến thức chuyên môn tôi tự tin nên tôi trả lời đúng. Nhưng có nhiều yếu tố khác trong tuyển dụng của họ mình không biết được. Với người bình thường đến vòng phỏng vấn trực tiếp ở trụ sở là cuối cùng rồi. Nhưng không hiểu sao họ yêu cầu tôi phỏng vấn online thêm hai vòng nữa.
Chiếc xe lăn mắc kẹt trong tuyết
Bạn đi không vững, phải ngồi xe lăn, tay chỉ cử động được ba ngón để gõ bàn phím máy tính nhưng vẫn quyết định một mình đến Mỹ du học. Bạn phải xoay xở cuộc sống, học hành ở đó ra sao?
Khó khăn nhiều lắm! Có những lần mùa đông tuyết rơi dày, xe lăn của tôi bị mắc kẹt trong tuyết giữa đường phố. May mắn là những lần đó đều có người đi ngang qua kéo tôi ra giúp.
Bị kẹt trong tuyết giống như ở Việt Nam xe bị kẹt trong một vũng bùn vậy, không nhúc nhích được. Những lúc đó tôi chỉ muốn đi về Việt Nam (trầm ngâm một chút). Nhưng mà sau khi thoát ra được, đi học tiếp rồi cũng quên cảm giác đó đi.
Rồi việc ăn uống, giặt giũ của bạn như thế nào?
Mỗi lần tôi đến nhà ăn có người bưng thức ăn ra giúp và tôi tự ăn. Tôi ăn xong cũng có người dọn dẹp giúp. Quần áo thì tự bỏ vào máy giặt dùng chung xong bấm nút rồi tự xoay xở lấy. Học thì từ chỗ ở đến trường đi xe lăn khoảng 10 phút, lên các phòng học ở tầng lầu có thang máy.
Bạn ấn tượng điều gì trong thời gian học ở Mỹ?
Tôi ấn tượng cách mà trường hỗ trợ cho người khuyết tật như tôi. Như mỗi khi tôi làm bài thi, trường tổ chức cho tôi làm bài riêng, có camera theo dõi. Trường cho tôi làm bài thi với thời gian gấp đôi những bạn cùng lớp. Nhưng thực tế tôi có thể làm bao lâu tùy thích.
Học tại Mỹ bước qua năm thứ 7, bạn thấy điều gì hay ở giới trẻ các nước mà giới trẻ Việt Nam có thể học được?
Tôi thấy giới trẻ như tôi quan trọng là nên từ bỏ những cái lạc hậu kìm hãm mình lại. Ví dụ có những việc muốn làm nhưng lo ngại kết quả không tốt, dư luận chê bai, sợ thất bại. Những cái đó khiến mình từ bỏ trước khi bắt đầu. Điều đó rất tệ hại!
Điều nữa, tôi thấy ở Việt Nam vẫn còn tư tưởng phải “trên tinh thiên văn, dưới tường địa lý”, nghĩa là biết tất cả mọi thứ. Cái đó không cần thiết. Mình phải bắt đầu vào mục đích muốn làm gì, tập trung cái gì chứ không phải biết mọi thứ. Xã hội bao giờ cũng cần người làm hơn người nói.
Trần Mạnh Chánh Quân trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ tại TP.HCM – Ảnh: HỮU THUẬN
Học tiểu học tự trói chân để tập viết bằng tay trên máy tính, lên cấp III đoạt giải nhất học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia môn tin rồi một mình đến Mỹ du học. Xuyên suốt chặng đường đó, đâu là động lực để bạn vươn lên?
Có lẽ vì tôi không biết những khó khăn, trở ngại là gì hay như người ta nói “điếc không sợ súng” vậy (cười).
Tôi cố gắng vì mỗi lần tôi té ngã, người đau đớn nhất không phải tôi mà là cha mẹ, người nhìn thấy tôi té ngã. Tôi có một quan điểm rằng khó khăn, trở ngại là để mình vượt qua chứ không phải để mình kêu ca, chùn bước.
Lúc đầu nhiều người nghĩ tôi qua Mỹ để tìm sự giúp đỡ. Nhưng hiện tại tôi được tôn trọng và yêu quý ở trường vì năng lực của bản thân tôi. Tôi đã chứng minh một điều rằng: Tôi không qua Mỹ để xin một niềm thương hại nào cả.
Có người bảo tôi nên nhập tịch Mỹ để dễ dàng hơn cho việc học tập, làm việc nhưng tôi từ chối. Tôi muốn đến Mỹ học để xem họ có gì hay hơn mình. Chỉ như vậy thôi!
Đang có những ý kiến khác nhau về việc du học sinh nên ở hay về Việt Nam đóng góp cho đất nước. Quan điểm của bạn như thế nào?
Theo tôi, nếu muốn đóng góp cho đất nước thì ở đâu cũng có thể đóng góp được. Nhưng để du học sinh đóng góp được nhiều hơn, đất nước cũng cần phải thay đổi môi trường làm việc, cơ chế tuyển dụng. Du học sinh đóng góp cho đất nước là quan hệ từ hai phía chứ không thể từ một phía được.
Mối quan hệ từ một phía không thể nào bền vững. Có nhiều người có tài, có tâm muốn về nước làm việc và tôi mong đất nước hãy “có cửa” cho họ.
Tôi hiểu là điều kiện đất nước hiện nay khó có thể có được chất lượng sống như nước tiên tiến. Du học sinh cũng không cần mức lương quá cao hay cuộc sống quá mức gì. Những người như tôi cần môi trường để làm việc và phát huy nhiều hơn.
Dự định sắp tới của Quân là gì?
Tôi sẽ trở lại Mỹ học tiếp học kỳ cuối rồi tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin – toán học. Sau đó tôi muốn làm việc ở Mỹ một thời gian để tích lũy kinh nghiệm.
Tôi có kế hoạch về chuyên môn của mình liên quan đến Việt Nam nhưng bây giờ chưa muốn tiết lộ. Nói trước nhiều khi bước không qua (cười)”.
“Da Vinci trong lĩnh vực lập trình”
Quân sinh ra tại Việt Nam với chứng bại não. Sau khi tốt nghiệp trung học, Quân đến Mỹ học công nghệ thông tin. Tiến sĩ Evelyn Brannock, Robet Lutz và Lissa Pollacia là những người luôn động viên Quân bên cạnh sự hỗ trợ của gia đình.
“Tôi thích gọi Quân như là một Da Vinci trong lĩnh vực lập trình – tiến sĩ Brannock nói – Cậu ấy tạo nên những mã code rất đẹp và những sáng tạo ấy có tiềm năng rất lớn”.
“Nếu bạn không thể làm mọi việc một cách bình thường, hãy tìm cách khác. Bạn được định nghĩa bởi bản thân, thành tựu của bạn chứ không phải của ai khác” – Quân nói.
(trích bài viết “Chim cánh cụt học bay” trên tạp chí của Trường Georgia Gwinnett College tháng 11/2016).
Như chưa hề có tết
“Tết Nguyên đán của bạn mấy năm nay thường diễn ra như thế nào?
Tôi vẫn đi học như chưa hề có tết.
Khi nhớ về Việt Nam bạn nhớ nhất món ăn gì?
Nhớ cơm mẹ nấu. Nhớ phở. Về nhà năm nào tôi cũng được ăn thỏa thích.
Thất bại nào khiến bạn nhớ nhất.
Đó là ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm lớp 12. Vì một sai lầm mà tôi không được giải ba. Lúc đó tôi rất tiếc nhưng bây giờ nghĩ lại thấy mình vẫn còn nhiều cơ hội ở phía trước.
Khó khăn lớn nhất bạn từng đối mặt?
Đó có lẽ là lần nhích từng chút lên đỉnh núi Tao Phùng (cao 176m so với mực nước biển – PV) ở Vũng Tàu để chứng minh đủ sức khỏe dự thi học sinh giỏi quốc gia.
Một ngày bạn dành bao nhiêu thời gian cho máy tính?
Từ 10-16 tiếng.
Ngoài máy tính, việc yêu thích của bạn là gì?
Tôi chơi cờ vua.
Còn gì nữa không?
Tôi đi dạo quanh trường coi có bạn nào cần giúp về lập trình không thì tôi giúp.
Có thường giúp được bạn nào không?
Cũng thường lắm (cười).
Nguồn: Báo Tuổi trẻ