Nhận được sự trợ giúp của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, nhiều du học sinh đã trở về nhà theo đúng nguyện vọng.

Cuộc sống xa nhà những ngày dịch

Đầu tháng 7.2019, Võ Thị Ngân (21 tuổi, Đà Nẵng) bắt đầu sang Tokyo, Nhật Bản để du học. Ngân tự vạch cho mình kế hoạch học tập rất rõ ràng trong suốt 4 năm tại xứ sở mặt trời mọc.

Trong hai năm đầu, nữ sinh sẽ vừa học tiếng Nhật, vừa đi làm thêm. Sau khi hoàn thành mục tiêu về khả năng ngôn ngữ, Ngân sẽ đăng ký một trường đại học tại Nhật Bản với ngành học đã dự kiến.

42 1 Chuyen Ve Nu Du Hoc Sinh Tai Nhat Tro Ve Vi Dich Covid 19

Thời gian rảnh nữ sinh tranh thủ đi du lịch đất nước mặt trời mọc để hiểu thêm về văn hoá. Ảnh: NVCC.

Nhưng “người tính không bằng trời tính” dịch COVID-19 “hoành hành” nhiều nơi trên thế giới trong đó có Nhật Bản khiến việc học tập của nữ sinh bị gián đoạn, mọi kế hoạch đã bị đảo lộn.

Ngân tâm sự: “Dịch COVID-19 khiến trường tạm thời đóng cửa, đến tháng 5 mới triển khai dạy và học trực tuyến. Không những vậy, vào tháng 3, công việc làm thêm của tôi cũng tạm dừng khiến thu nhập không còn. Gia đình từ Việt Nam đã phải gửi trợ cấp. Tuy gặp khó khăn về tài chính, tôi vẫn tiếp tục hoàn thành việc học trên lớp học trực tuyến của nhà trường cho đến hết tháng 6”.

Xoay xở để trở lại Việt Nam

May mắn hơn Ngân, Ngô Thị Việt Mỹ (22 tuổi, Thanh Hoá) có 2 năm học tập bên Nhật Bản. Mỹ đã hoàn thành khóa học tiếng chuyên sâu và văn hóa. Nếu đúng như kế hoạch, Việt Mỹ sẽ chuẩn bị nộp hồ sơ vào một trường đại học, đồng thời thực hiện ca phẫu thuật mắt.

Nhưng dịch COVID-19 khiến Việt Mỹ không thể đến bệnh viện phẫu thuật. Khó khăn ập đến làm nữ sinh đi đến quyết định dừng lại việc học đại học, quay về Việt Nam chữa bệnh và tiếp tục con đường học tập tại quê nhà.

42 2 Chuyen Ve Nu Du Hoc Sinh Tai Nhat Tro Ve Vi Dich Covid 19

Chuyến bay trở về nước của du học sinh. Ảnh: NVCC.

Vừa mừng vừa lo, Việt Mỹ kể: “Tôi nghĩ du học sinh sẽ khó có được tấm vé của Đại sứ quán cho bay về nước. Thật không ngờ, tôi có được may mắn đó”.

Việt Mỹ dự định, với vốn ngoại ngữ sẵn có, cô sẽ tiếp tục chọn một trường đại học có khoa ngôn ngữ Nhật để theo học. Nữ sinh vẫn nuôi hy vọng có cơ hội đi du học ở thời điểm phù hợp hơn.

Trong khi Mỹ đã kịp hoàn thành khóa học ngôn ngữ chuyên sâu còn Ngân thì vẫn còn dang dở do kỳ thi bị lùi lại.Đến khi tiền tích lũy đã cạn, không thể cầm cự “rau cháo qua ngày”, trong khi chờ dịch thuyên giảm thì không biết chờ đến bao giờ, Ngân đã quyết định về Việt Nam, khép lại hành trình ở Nhật.

Cuối tháng 6, Ngân bắt đầu xin tư vấn từ những bạn du học sinh khác và các thầy cô trong trường về quyết định này.

Nữ sinh cho hay, khi tiền không còn, dịch vẫn đang bùng phát, cô đứng giữa hai lựa chọn quan trọng của cuộc đời. Nếu tiếp tục ở lại kinh tế sẽ càng kiệt quệ, nếu về Việt Nam sẽ tạm gác lại giấc mơ du học đã ấp ủ từ lâu.

Bằng sự nỗ lực và quyết tâm, gửi email “cầu cứu” cho Đại sứ quán, Ngân may mắn nhận được phản hồi và trở về Việt Nam vào hôm 3.7.

“Sau khi cân nhắc, bàn bạc với gia đình, tôi đã chọn phương án trở về quê hương. Sau khi về nước, tôi sẽ xét tuyển vào Đại học trong tháng 8. Về nước không phải là kết thúc, mà bắt đầu một hành trình mới với nhiều trải nghiệm hơn” – nữ sinh chia sẻ về quyết định của mình. Hiện nữ sinh đang được cách ly 14 ngày theo đúng quy định tại Đà Nẵng.

Nguồn: Lao động




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC