Tôi sẽ tiếp tục hành trình mà tôi đã theo đuổi từ thời thơ ấu. Sau khi trong đầu xuất hiện hàng triệu câu hỏi và hàng ngàn kịch bản về cuộc đời mình, từ những bước đi đầu tiên còn đơn độc, tôi biết, bây giờ mình phải nương nhờ vào cộng đồng.
Mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện nay đều có sức ảnh hưởng nhất định, nếu không muốn nói là cực mạnh, đến nỗi tôi hy vọng chúng sẽ dẫn mình đến với câu trả lời quan trọng nhất cuộc đời. Để tôi được biết, bố mẹ đẻ người Việt của mình là ai...
Tôi tên là Manon Maillet, tên tiếng Việt là Lâm Thị Thu Hương, sinh ngày 25/11/1995. Tôi bị bỏ lại tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, TP. HCM khi mới chào đời".
Manon Maillet, tên tiếng Việt là Lâm Thị Thu Hương, ngày còn bé và bây giờ.
Đứa trẻ bị b ỏ r ơi năm 95 và hành trình làm con nuôi trên đất Pháp
Rất nhiều đứa trẻ Việt Nam bị bỏ lại bệnh viện hay trại trẻ m ồ c ôi, vào những năm 90, vì những lý do nào đó mà chỉ cha mẹ chúng mới hiểu. Chúng được nhận nuôi ở nước ngoài, đi khắp thế giới rồi lớn lên và khát khao tìm về cội nguồn. Người ta vẫn thường bảo, cội nguồn của con trước hết nằm trong tim của cha, của mẹ. Không ai mong con bằng cha mẹ, cũng không ai day dứt và trăn trở bằng cha mẹ, có thể là suốt cả cuộc đời khi chấp nhận từ bỏ đứa con máu mủ.
Manon Maillet, 24 tuổi, không biết lý do vì sao mẹ b ỏ r ơi và không để lại cho cô bất cứ kỷ vật nào. Có thể, cái tên Lâm Thị Thu Hương là do các y bác sĩ của Bệnh viện phụ sản Từ Dũ năm đó đã đặt cho Manon, dựa vào tên của mẹ là Lâm Thị Thu. Năm 1995, khi Manon chào đời, mẹ Thu tròn 27 tuổi.
Cô gái trẻ lớn lên tại một vùng quê của thành phố Lille, thuộc miền Bắc nước Pháp. Em trai cô, sinh năm 1997, cũng được nhận nuôi ở Việt Nam. Manon nhận được rất nhiều tình yêu từ bố mẹ nuôi. Họ hỗ trợ, chu cấp và tạo cho cô cơ hội học tập, hay bất cứ điều gì cô mong muốn.
Manon là một trong những đứa trẻ may mắn được bố mẹ nuôi người Pháp nhận nuôi, đưa về Pháp sinh sống.
Giấy khai sinh và biên bản trẻ bị b ỏ r ơi của Manon Maillet, tức Lâm Thị Thu Hương.
Manon có em trai thua cô 2 tuổi, cũng được nhận nuôi ở Việt Nam.
Manon hòa đồng, năng động, đặc biệt ưa thích du lịch và chụp ảnh. Từ nhỏ, cô bé đã rất hăng say thể thao, nhất là môn cưỡi ngựa. Bố mẹ nuôi người Pháp đã đưa 2 chị em Manon khám phá Việt Nam khi họ còn nhỏ, tham quan những thành phố xinh đẹp như Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Huế, Hội An, Đà Lạt, Đà Nẵng, Mũi Né và Sài Gòn.
Manon và em trai được phép tiếp cận và tìm hiểu văn hóa truyền thống của Việt Nam ngay từ những năm tháng đầu đời. Gia đình Pháp vẫn luôn giữ phong tục ăn Tết Nguyên Đán hàng năm. Họ sáng lập một tổ chức mang tên "Bảng chữ cái của tình yêu", nơi tập hợp rất nhiều bố mẹ người Pháp đã nhận con nuôi ở Việt Nam, để tài trợ cho những trường học và những đứa trẻ có xuất thân từ đất nước hình chữ S.
Cô sinh viên 24 tuổi vừa hoàn thành chương trình học thạc sĩ chuyên ngành Luật kinh doanh quốc tế. Cô đã trải qua 2 năm cuối của khóa học tại Phnom Penh, Campuchia. Hiện tại, cô đang thực tập tại một văn phòng luật của Mỹ tại Paris (Pháp) trong khi chờ đến kì thi nhận bằng luật sư vào năm tới.
Trong năm đầu tiên tại Campuchia, Manon đã trở về Việt Nam để bắt đầu hành trình kiếm tìm nguồn cội, cụ thể là vào tháng 10/2017. Cô đã tới Bệnh viện Từ Dũ và Trại trẻ m ồ c ôi Gò Vấp, thậm chí đã ghé thăm Hội dòng Nữ Từ Bác Ái Vinh Sơn ở quận 3 (TPHCM) khi mà cách đây nhiều năm, bà Thu đã từng tới để kiếm tìm tin tức con gái.
"Tôi đã được tổ chức "Kids without borders" và chương trình "Cội nguồn con ở đâu?" giúp đỡ rất nhiều. Vì thế, tôi đã trở lại Việt Nam 3 lần trong thời gian học ở Campuchia để có thể tìm được bất cứ thông tin nào về mẹ nhiều nhất có thể" - Manon nói, "Tôi tự nhận mình là một người không bao giờ từ bỏ và đặc biệt luôn khát khao tìm lại bố mẹ đẻ của mình từ khi còn rất nhỏ, khoảng 6 tuổi. Đương nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng".
Gia đình Maillet cho các con cơ hội tiếp cận với văn hóa truyền thống của Việt Nam từ rất sớm. Họ duy trì phong tục tổ chức Tết Nguyên Đán hàng năm.
"Nếu thất bại, tôi sẽ không hối tiếc về sau trong cuộc đời này"
"Tôi cảm thấy rất cô đơn trên hành trình của mình, bất chấp sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, cũng như tất cả những người xa lạ luôn hy vọng tôi có thể tìm được mẹ. Lần đầu tiên tôi đến Từ Dũ, các bác sĩ tại đây giải thích họ chỉ lưu giữ hồ sơ trong vòng 10 năm kể từ khi đứa trẻ chào đời. Tôi thấy điều này thật tồi tệ và đáng tiếc, vì 10 tuổi, không một đứa trẻ nào đủ nhận thức để quyết định tìm kiếm cội nguồn.
Tôi từng nghĩ rằng mọi chuyện thật khó khăn. Tôi chỉ hy vọng bản thân có thể kiên trì với hành trình to lớn này. Và nếu thất bại, tôi cũng sẽ không hối tiếc về sau trong cuộc đời này".
Manon thủ thỉ, cô yêu Châu Á. Cuộc sống 2 năm tại Campuchia, bây giờ nghĩ lại, thực sự là quá phi thường với một cô gái trẻ tuổi. Manon đã đi du lịch rất nhiều nơi ở Việt Nam cùng bạn trai. Họ đã từng đi vòng quanh Hà Giang trong vòng 5 ngày bằng xe máy, ghé thăm Ninh Bình và cả đồng bằng sông Cửu Long. Mũi Né, Hội An hay Đà Lạt,... tất cả những mảnh đất này đều rất xinh đẹp và Manon cảm thấy hạnh phúc khi được sinh ra ở một đất nước quá đẹp và tuyệt vời.
"Tôi đã gặp những người bạn tốt bụng, và có thể tôi sẽ một lần nữa quay về Việt Nam trong vòng 6 tháng tới, cho kì thực tập luật sư. Tôi yêu sự tự do mà tôi có trên một chiếc xe máy, ăn phở trên những con phố nhỏ của Sài Gòn".
Manon của hiện tại, trưởng thành và xinh đẹp.
Chính bộ phim "Lion" ("Tìm mẹ") của đạo diễn Garth Davis đã thôi thúc Manon bắt đầu hành trình của mình một cách nghiêm túc. "Lion" dựa trên cuốn hồi ký cảm động của doanh nhân người gốc Ấn Độ - Saroo Brierley. Năm 1986, Saroo, khi đó chỉ là một cậu bé năm tuổi, bị lạc trên đường phố Calcutta, cách nhà hàng ngàn cây số. Cậu sống sót bằng nhiều thách thức khác nhau trước khi được nhận nuôi bởi một cặp vợ chồng người Úc. 25 năm sau đó, ông quyết định tìm lại gia đình của mình ở Ấn Độ.
Nếu sau này được gặp lại mẹ Thu - một cái kết đẹp như Saroo, Manon muốn bà ấy biết rằng cô con gái bé nhỏ năm nào vẫn còn sống và sống tốt.
"Tôi tưởng tượng rằng đối với một người mẹ, quyết định rời bỏ đứa con của mình không bao giờ là dễ dàng. Tôi chưa bao giờ oán hận mẹ. Trái lại, tôi muốn cảm ơn mẹ vì sự hy sinh cao cả và sự sống mà bà đã dành cho tôi. Tôi luôn mong mỏi được gặp bà, dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào".
Manon đã gặp lại người bảo mẫu năm xưa, những bà xơ trong Hội dòng Nữ Từ Bác Ái Vinh Sơn từng chăm sóc cô. Cha mẹ của họ rất thân thiện và quan tâm Manon trong suốt thời gian cô về Việt Nam.
Manon cùng bạn trai trong chuyến đi 5 ngày xung quanh Hà Giang.
"Xin hãy giúp đỡ để ngày đoàn tụ đến gần hơn!"
Sau khi chia sẻ câu chuyện của mình, Manon đã nhờ những người bạn Việt Nam giúp đỡ thông qua một nhóm nhỏ trên mạng xã hội Facebook. Cô thu về những con số đáng kinh ngạc. 14.000 là số lượng chia sẻ bài viết (share); 20.000 là số lượt chia sẻ 3 bài viết chính thức về Manon, 500 là số bạn bè trung bình trên Facebook của mỗi người. Còn chưa kể những lượt tương tác khác, những nút like (thích) và hàng ngàn bình luận.
Vậy là, hành trình của Manon đã có thể chạm tới trái tim của hơn 10 triệu người, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh nơi cô được sinh ra. Tuy những con số này chưa thể quyết định bất cứ điều gì hay nhóm lên hy vọng có thể tìm thấy gia đình của Manon, nhưng ít nhất nó đã giúp cô nhận ra một vài tín hiệu tích cực về mẹ mình.
"Tôi rất ấn tượng bởi sự rộng lượng và tinh thần tương trợ của những người bạn Việt Nam. Rõ ràng không phải ai cũng có thiện chí, nhưng đại đa số đều đánh dấu phần nào đó trên hành trình tìm mẹ của tôi.
Tôi biết rằng, hơn ai hết, chính mình không bao giờ được bỏ cuộc. Xin hãy giúp đỡ để bước tìm về cội nguồn của tôi được ngắn lại, và ngày đoàn tụ đến gần hơn!".
Nguồn: cafef