Từ Pháp, Kim Mai Maurier chọn Việt Nam làm nơi đến trong chương trình trao đổi sinh viên của trường đại học để tìm mẹ đẻ.
Đây là lần thứ hai cô gái Kim Mai Maurier (tên khai sinh là Lương Thị Cúc Mai) quay trở lại Việt Nam. Mai hy vọng thời gian theo học 6 tháng tại trường đại học Kinh tế Tài chính TP HCM giúp cô hiểu thêm về nền văn hóa Việt Nam và đặc biệt là tìm được người mẹ đẻ của mình.
Mai là một cô gái lạc quan, dễ gần. Ảnh: Kim Anh
23 tuổi, ngần ấy năm sống tại Pháp, trở lại Việt Nam, Mai không cảm thấy lạ lẫm bởi cô thường xuyên được tiếp xúc với những nét văn hóa quê hương trong chính ngôi nhà của mình ở vùng Rhône-Alpes (Pháp).
Bà Marcelle Maurier, 67 tuổi, mẹ nuôi của cô là một người vô cùng yêu Việt Nam
. Hàng năm, bà vẫn tổ chức đón Tết Nguyên đán ở nhà. Thỉnh thoảng, người phụ nữ từng làm chủ một tiệm ăn vẫn làm món ăn Việt cho gia đình nhỏ của mình. Mai cảm thấy rất tự hào vì từ khi 4, 5 tuổi, cô đã có thể sử dụng đũa thành thạo. Trong nhà, bà Maurier trang trí nhiều tranh ảnh về Việt Nam.
Chính tình yêu với Việt Nam đã thôi thúc bà Maurier đến đây để xin một đứa con nuôi.
Đơn thân nên việc nhận con nuôi của Maurier không dễ như các cặp vợ chồng. Bà bắt đầu làm hồ sơ xin con từ khoảng năm 1993, 1994 nhưng không thành công. Tháng 5/1996, bà đến TP HCM, thuê một khách sạn nhỏ ở gần đường Cống Quỳnh, để có thể mỗi ngày vào Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, chờ đợi cơ hội được làm mẹ của mình. Cuối cùng, sự kiên nhẫn của bà được đền đáp. Ngày 14/6, cô bé Lương Thị Cúc Mai chào đời, bị người mẹ trẻ 18 tuổi bỏ rơi tại bệnh viện, đã trở thành "món quà lớn nhất cuộc đời", như chính lời bà nói.
Trong thời gian Maurier hoàn thành thủ tục nhận con, Mai được nuôi trong Trung tâm Nuôi dưỡng Bảo trợ Trẻ em Tam Bình ở Thủ Đức. Ngày 7/8/1996, cô được bà Maurier đưa về Pháp.
Giấy khai sinh của Mai. Ảnh: Kim Mai Maurier
Chưa bao giờ bà Maurier giấu Mai việc cô là con nuôi.
"Từ lúc nhận thức được, tôi đã biết mình không phải là con đẻ của mẹ". Gia đình nhỏ chỉ có Mai, mẹ và bà ngoại, Mai cảm nhận rõ tình yêu của mẹ và ngoại dành cho mình, và cô cũng thực sự yêu quý họ.
Sống trong một thị trấn nhỏ, nơi chỉ có Mai là người châu Á duy nhất, cô hơi thiếu tự tin, nhưng tình yêu của mẹ và bà đã giúp cô vượt qua tất cả. "Mẹ gần gũi và giống như một người bạn lớn của tôi vậy", Mai cho biết. Sau này, học trung học rồi đại học ở thành phố lớn, gặp nhiều người châu Á và Việt Nam, cô gái trẻ cảm thấy thoải mái hơn.
Năm 2012, hai năm sau khi bà ngoại qua đời, Mai được mẹ đưa về Việt Nam với một chuyến du lịch kéo dài 14 ngày, đi cả ba miền đất nước. Lúc đó, Mai đã cảm thấy Việt Nam thật gần gũi. Còn người mẹ Pháp vẫn luôn khuyến khích cô tìm kiếm mẹ đẻ của mình.
Bà sẵn lòng chiều theo quyết định hơi đột ngột của Mai khi chọn Việt Nam thay vì Italy cho học kỳ trao đổi sinh viên của trường Burgundy School of Business, nơi Mai đang theo học thạc sĩ trong ngành quản lý rượu.
Tháng 1/2019, Mai đến TP HCM, ngoài tài liệu học tập còn có cả tài liệu về mẹ đẻ. Bà Maurier cũng đi cùng một thời gian, chuẩn bị cho con gái mọi thứ, từ chỗ ăn ở đến đi lại.
Mai thời thơ ấu. Ảnh: Kim Mai Maurier
Để dành thời gian cho việc tìm mẹ đẻ, Mai cố gắng kết thúc học kỳ ở Việt Nam nhanh hơn dự kiến, cuối tháng 4 cô đã hoàn thành chương trình, trong khi kế hoạch của trường đến tháng 6.
Với chút thông tin ít ỏi về mẹ đẻ, chỉ có cái tên Lương Thị Cúc, 18 tuổi ở thời điểm sinh con (nghĩa là sinh năm tầm 1977, 1978, 1979) cùng tờ giấy khai sinh của bản thân, giấy về trẻ bị bỏ rơi của bệnh viện, Mai vừa hy vọng vừa bi quan trong quá trình tìm mẹ đẻ.
"May mắn là họ của tôi khá đặc biệt, tôi thấy Việt Nam nhiều họ Nguyễn, nhưng họ Lương khá hiếm", Mai nói.
Cô đăng thông tin tìm mẹ lên trang mạng xã hội, nhờ thầy cô và các bạn trong lớp học tại Việt Nam chia sẻ thông tin giúp mình. Cô cũng đến khách sạn nhỏ nơi mẹ nuôi từng ở tại Cống Quỳnh, quay trở lại bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm bảo trợ xã hội Tam Bình nhưng đến giờ vẫn chưa có manh mối gì.
Giấy tờ về nguồn gốc của Mai. Ảnh: Kim Mai Maurier
Thời gian Mai còn ở Việt Nam theo chương trình học tập không nhiều nữa, giữa tháng 6 cô sẽ về Pháp. Cô hy vọng sau này có thể xin vào làm trong một công ty nào đó ở Pháp, Italy hay ở Việt Nam, và muốn tăng cơ hội tìm thấy mẹ đẻ của mình.
"Nếu gặp mẹ, tôi sẽ nói rằng mình không giận bà. Dù sao, tôi cũng là một người may mắn vì có một gia đình yêu thương, được cho ăn học đầy đủ", Mai cho biết. Cô nghĩ mẹ đẻ hẳn cũng có nỗi khổ riêng khi phải bỏ rơi con của mình. "Tôi cũng băn khoăn không biết liệu mình có anh chị em nào không", Mai nói.
Kim Anh
VNEXPRESS.NET