Chị Nguyễn Huyền, sinh năm 1981, sang định cư ở quê chồng, thành phố Albany, phía Tây Australia, năm 2013. Khi đó, con trai lớn của chị 4 tuổi và bé gái mới lên 2. Sống trong một môi trường không ai nói tiếng Việt, con trai chị đã quên rất nhanh sau đó. Chị phải nỗ lực rất nhiều dể dạy hai con nói tiếng mẹ đẻ.
Có 4 năm sống ở Việt Nam trước khi sang Australia nên con trai tôi nói tiếng Việt rất tốt. Khi sang đây, muốn con hòa nhập với môi trường mới, nên tôi tập trung cho con nói tiếng Anh. Tôi cho cháu đi học mẫu giáo tuần 2,5 buổi, học với các bạn bản địa.
Bẵng đi hai năm không đả động gì, con tôi quên sạch tiếng Việt, không còn nhớ từ nào. Lúc đó tôi mới giật mình và bắt đầu dạy con học tiếng Việt từ con số không. Tôi vẫn luôn quan niệm phải dạy con tiếng mẹ đẻ dù sống ở đâu nên cố gắng dạy lại con từng chút một.
Chị Nguyễn Huyền bên chồng và hai con
Ban đầu hai con cũng không thích nói tiếng Việt vì trong đầu con toàn tiếng Anh. Tôi nghĩ nếu dạy con theo kiểu bắt ép phải nói từ nọ, từ kia sẽ không hiệu quả, nên bắt đầu cùng con chơi mấy trò như tập tầm vông, rồi chi chi chành chành....
Các con rất thích chơi nhưng con không hát vì khó nhớ. Tôi nhẹ nhàng nói với con phải hát khi chơi sẽ vui hơn, và kiên nhẫn dạy con từng câu nhỏ. Dần dần từng chút, con hát đi hát lại, thuộc làu rồi tự chơi với nhau. Con còn dạy cả mấy bạn tây hàng xóm chơi cùng.
Con trai chị Huyền đọc bài thơ "Hạt gạo làng ta"
Con quên sạch tiếng Việt 2 năm sang Australia, mẹ Việt nỗ lực dạy lại từ đầu
Khi thấy các con đã bắt đầu nói tiếng Việt nhiều hơn một chút, tôi dạy con hát, đọc thơ để con phát âm cho quen miệng. Tôi dạy con nhớ từ vựng bằng cách nhìn thấy cái gì là hỏi con, nói con trả lời bằng tiếng Việt.
Khi nào con không thích nói thì tôi dừng lại, tiếp tục hỏi con vào khi khác, không bắt ép và không cố ép con phải nói khi con không hứng thú.
Khi cùng các con đi chơi ngoài trời, tôi bảo mẹ nói tiếng Việt và con làm hành động nhé, như nhảy, chạy, ngồi, đấm, đá.... Khi đến chơi công viên, tôi chỉ cho các loài động vật, con nhớ rất nhanh vì nhìn thấy trực quan. Tôi tận dụng những lúc con vui là hợp tác, tạo không khí như một trò chơi.
Mỗi lần đọc số nhà trên phố mình, tôi đều bảo con đọc tiếng Việt.
Đến giờ con đã đếm đến 1.000 và viết đúng số khi mẹ đọc. Con thường nói ngọng những từ có dấu ngã, ví dụ như "bão" sang "báo"; "biểu diễn" sang "biểu diến"... Khi nói nhanh con rất dễ bị sai. Vì thế tôi phải nói con đọc chậm lại và chỉnh con luôn, không để bé nói thành thói quen...
Hai bé Asafa và Mai Ly rất thích nói tiếng Việt
Tôi đặt ra quy định là các con sẽ nói tiếng Việt với mẹ ngày thứ 7, còn những ngày thường cả gia đình vẫn nói chuyện bằng tiếng Anh.
Hiện giờ hai bé nhà tôi đều có thể nói khá tốt hai thứ tiếng. Con có thể đọc thuộc cả một bài thơ rất dài bằng tiếng Việt và rất yêu thích chúng.
Con trai 8 tuổi của tôi hiện học thêm hai thứ tiếng là Italia ở trường, và tiếng Hàn Quốc khi học Taekwondo... Dù vậy, con vẫn thích nói tiếng Việt, và ít khi bị loạn ngôn ngữ.
Sau cả một hành trình, tôi nhận ra rằng điều khó khăn nhất với các mẹ Việt muốn dạy con tiếng khi ở nước ngoài là không có môi trường. Vì không có nhiều người Việt, chỉ có mẹ là người nói thứ tiếng này duy nhất nên rất khó khăn nếu mẹ không kiên trì.
Khi nghe con đọc những câu thơ "Hạt gạo làng ta, có bão tháng bảy, có mưa tháng ba..." tôi thấy lòng mình ấm áp, dâng lên niềm vui và tự hào khôn tả.
Tôi sẽ tiếp tục dạy con tiếng Việt và giúp con cảm nhận tình yêu với ngôn ngữ này. Vì dù sống ở đâu, đi nước nào, các con vẫn mang trong mình nửa dòng máu Việt.
Nguồn: VnExpress