Nhiều ngày qua, nhịp sống ở thủ đô Ottawa của Canada trở nên xáo trộn do cuộc biểu tình Freedom Convoy (Đoàn xe tự do) của giới tài xế xe tải phản đối quy định về tiêm vắc xin Covid-19.
Đi lại trở ngại
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Dư Bích Ngà (34 tuổi), nhân viên môi giới bất động sản ở Ottawa, nhiều lần từ chối dẫn khách đi xem nhà ở khu trung tâm trong những ngày qua vì sợ bị kẹt lại. Ngay trước khi trả lời Thanh Niên, chị vừa cố gắng vào trung tâm thành phố nhưng phải bỏ cuộc vì quá tắc đường. Chị kể một người quen làm cảnh sát đã phải tăng ca suốt thời gian qua để đảm bảo an ninh ở Ottawa.
Đoàn xe biểu tình đang chiếm giữ các con phố ở Ottawa làm giao thông trở nên phức tạp, ảnh hưởng lớn đến du học sinh Việt. Bạn Trần Bình Phương Uyên, sinh viên tại Cao đẳng Algonquin, cho biết nhiều tuyến xe buýt vốn là phương tiện di chuyển chính của du học sinh đã bị tạm cắt giảm hoặc dừng hoạt động.
“Thay vì chờ 5 - 10 phút, hiện có hôm mình mất đến 1 tiếng mới bắt được xe buýt từ trung tâm thành phố về nhà”, Uyên kể. Chị Lê Thu Hường (39 tuổi) cho biết đám đông biểu tình tập trung chủ yếu ở trung tâm thành phố và chính quyền địa phương nơi chị sống, cách khu trung tâm Ottawa khoảng 20 phút lái xe, đã khuyến cáo người dân hạn chế đi vào khu vực.
Sống gần nơi biểu tình, chuyên viên tư vấn tài chính Nga Vũ (24 tuổi) còn bị ảnh hưởng bởi tiếng còi xe từ đoàn biểu tình. “Những người ở khu trung tâm đang rất khổ sở. Bạn của tôi gần như không thể chịu nổi vì các tài xế cứ đồng loạt bấm còi một tràng dài khoảng 20 phút/lần cả ngày lẫn đêm”, theo chị Nga.
Hình ảnh một nhóm người biểu tình Freedom Convoy lập lán trại trên đường vào Ottawa để nấu nướng, nghỉ ngơi. Ảnh: DƯ BÍCH NGÀ
Giá cả tăng, trung tâm đóng cửa
Bên cạnh đó, những người biểu tình này còn có thái độ thách thức chính quyền. “Bất chấp quy định, họ không đeo khẩu trang mà ùa vào các trung tâm thương mại, khiến những nơi này phải đóng cửa ngay hôm sau. Người bạn của tôi làm việc tại đó đã phải ở nhà và mất thu nhập trong hơn 10 ngày qua”, chị Nga kể. Chị Anna Trần sinh sống tại Ottawa cho biết nhiều cơ quan chính phủ có vẻ cũng đề phòng biểu tình diễn biến phức tạp nên hạn chế thời gian mở cửa. Theo chị, đến nay đoàn biểu tình thường lái xe vòng quanh các tuyến đường ở Ottawa một cách khá ôn hòa, nhưng cuộc biểu tình đã khiến giá cả nhiều hàng hóa gia tăng.
Theo anh Nguyễn Ngọc Tâm, giảng viên thỉnh giảng tại Trường cao đẳng Algonquin (cơ sở tại Ottawa), những người Việt ở trọ cùng anh và làm việc tại khu trung tâm Ottawa kể rằng một số người biểu tình vào các trung tâm mua sắm la hét, quậy phá. “Đặc biệt như mình là người mới qua nên mỗi khi đi siêu thị đều không dám đi một mình”, anh Tâm chia sẻ.
Anh cho biết thêm có một người Việt từng là học trò của anh vẫn tiếp tục công việc đầu bếp tại một nhà hàng trong đại dịch Covid-19, dù thời gian giảm còn 2 ngày/tuần. Tuy nhiên, khi biểu tình xảy ra, các dịch vụ ăn uống bị tạm dừng nên người này phải nghỉ việc suốt 2 tuần. Anh Tâm, hiện theo học ngành quản lý giáo dục tại Đại học Ottawa, thì cho biết việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở Ottawa không ảnh hưởng nhiều đến những người học và dạy trực tuyến như anh, nhưng nhiều trường đã khuyến cáo hạn chế đến những khu trung tâm để tránh rủi ro.
Trong khi đó, tình hình ven khu vực trung tâm của Ottawa vẫn duy trì ổn định. Chị Vũ Hải Anh, hiện công tác tại Cao đẳng Algonquin ở Ottawa và sinh sống ngoài khu vực trung tâm thành phố, cho biết các chợ châu Á gần nơi chị sinh sống vẫn hoạt động bình thường.
Hiện Freedom Convoy vẫn là cuộc biểu tình khá ôn hòa, trong khi chính quyền Ottawa yêu cầu thêm chi viện từ các thành phố khác vì lực lượng cảnh sát tại đây quá mỏng. Tuy nhiên, với thái độ kiên quyết tuyên bố không nhượng bộ của những người biểu tình Freedom Convoy, nhiều người Việt lo ngại bạo lực sẽ xảy ra. “Tình hình hiện tại khá lộn xộn. Tôi mong vấn đề sẽ sớm được giải quyết vì nếu biểu tình kéo dài, bạo loạn có thể bùng phát”, theo chị Ngà, nhân viên môi giới bất động sản ở Ottawa.
Văn Khoa - Minh Phương - Như Trần
Nguồn: thanhnien.vn