Tình hình đại dịch COVID-19 tại Ukraine đang diễn biến nghiêm trọng, số người nhiễm mới và số ca tử vong mỗi ngày trong thời gian gần đây liên tục tăng lên những mốc cao nhất từ trước tới nay (hơn 18.000 ca nhiễm mới và hơn 340 người tử vong mỗi ngày).

Trong làn sóng dịch bệnh thứ ba này, số bệnh nhân nặng tăng đột biến, có ngày hơn 5.000 trường hợp phải nhập viện, khiến cho các bệnh viện ngày càng quá tải.

Mặc dù vậy, cộng đồng khoảng 10.000 người Việt sinh sống và làm ăn tại quốc gia Đông Âu này vẫn vững vàng vượt "cơn sóng dữ" COVID-19 nhờ những kinh nghiệm có được kể từ khi đại dịch bùng phát, nhờ tình người cũng như sự đùm bọc, tương trợ lẫn nhau.  

Cởi mở chia sẻ, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tỉnh Odessa, miền Nam Ukraine, thành viên Ban phòng chống dịch cộng đồng ở Odessa, cho biết là địa phương tập trung đông người Việt (hơn 3.000 người) với hai khu đô thị Làng Sen và Sorsa, hiện mỗi ngày tại Odessa đều ghi nhận có người Việt nhiễm bệnh và có trường hợp phải nhập viện.

Ban phòng chống dịch cộng đồng, được thành lập từ tháng 3 năm ngoái sau khi đại dịch bùng phát ở Ukraine, đã trở thành "cầu nối" giúp bà con nhập Bệnh viện Truyền nhiễm Odessa, là bệnh viện tốt nhất chữa COVID-19 ở tỉnh này với các dịch vụ có chất lượng cao. 

42 1 Diem Tua Cua Nguoi Viet Xa Xu Trong Con Song Du Covid 19

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Lviv, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hùng, thành viên tích cực nhất của Ban phòng chống dịch, cho biết Hội người Việt Nam tỉnh Odessa từ lâu đã thiết lập quan hệ chặt chẽ với Bệnh viện Truyền nhiễm của tỉnh, chính vì thế mà suốt đợt đại dịch này, hội có thể chủ động liên hệ để được các bác sĩ giỏi tư vấn, thăm khám kịp thời khi cần thiết. Ban phòng chống dịch cũng lưu hồ sơ từng trường hợp bà con trong cộng đồng nhiễm COVID-19.

Với tinh thần ứng phó nhanh, hiệu quả, Ban phòng chống dịch đã lập các tổ phản ứng nhanh, yêu cầu các bà con thông báo định kỳ (sáng - tối) thân nhiệt và nồng độ oxy trong máu; người nào có vấn đề như sốt cao đều được liên hệ để nhập viện điều trị kịp thời. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo, chăm sóc tận tình của Hội người Việt Nam ở tỉnh Odessa và Ban phòng chống dịch, tinh thần của bà con người Việt vững vàng, phấn khởi hơn rất nhiều so với giai đoạn đầu đại dịch. Ông Hải Anh không giấu được niềm vui: “Tôi với anh Hùng rất hay được bà con gọi điện… bà con rất yên tâm”.

Nói chuyện với bà Chu Thị Thiết, vợ bệnh nhân người Việt nặng nhất ở Odessa là ông Đỗ Văn Sinh, 68 tuổi, có bệnh nền và điều trị trong bệnh viện đã hơn một tháng, bà Thiết cho biết cả hai vợ chồng bà cùng mắc COVID-19. Ông Sinh nhập viện ngày 26/2 còn bà nhập viện ngày 7/3.

Với tâm trạng xúc động, bà chia sẻ cả hai vợ chồng đã được bà con cộng đồng, Ban phòng chống dịch đặc biệt quan tâm và các bác sĩ chăm sóc tận tình.

Thời điểm đầu tháng 3, bệnh tình của ông Sinh trở nặng, bà cũng nằm viện. Hằng ngày, đại diện Ban phòng chống dịch thường xuyên gọi điện cho bà để hỏi han tình hình, có khi nửa đêm, lúc 2,3 giờ sáng, khi nào bà cần là đều trao đổi được, rồi trực tiếp liên lạc với bác sĩ, vận dụng mọi nguồn lực để có thể tìm phương án chữa trị hiệu quả nhất. Giờ ông Sinh đã qua giai đoạn nguy kịch. Bà Thiết bồi hồi tâm sự gia đình bà được cộng đồng người Việt ở các thành phố giúp đỡ nhiệt tình cả về kinh tế, vật chất và tình cảm, “cả từ thành phố Kharkov và Odessa, rồi anh em xa gần”.

Tương tự như gia đình bà Thiết, cả hai vợ chồng ông Đặng Xuân Tiếu cũng phải nhập viện điều trị COVID-19 và ông mới ra viện cách đây 2 tuần sau 15 ngày nằm viện. “Trong hoạn nạn mới biết cộng đồng quan trọng như thế nào - ông Tiếu bộc bạch. Theo ông, lãnh đạo Hội người Việt Nam ở tỉnh Odessa là "những người không chỉ quá tốt” mà còn biết lo xa, có kinh nghiệm, đã giúp đỡ bà con cộng đồng người Việt mắc bệnh được chữa trị, nhập viện kịp thời.

Có thể nói rằng trên đất nước Ukraine, ở đâu có người Việt sinh sống, ở đó nghĩa cộng đồng được thể hiện rõ rệt trong giai đoạn đại dịch. Nếu ở Odessa có mô hình Ban phòng chống dịch cộng đồng, thì ở thủ đô Kiev có “Quỹ phòng chống dịch bệnh COVID-19”, ở Kharkov, nơi có đông người Việt tại Ukraine nhất, có nhóm “Tương trợ người Việt Ukraine” và “Tổ phiên dịch tình nguyện”... 

Ông Hồ Sỹ Trúc, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam thành phố Kiev, cho biết hội người Việt tại đây đã lập nhóm để hỗ trợ bà con mắc bệnh nhập viện, lập nhóm phiên dịch... Đặc biệt, cộng đồng Việt Nam từ hơn 1 năm nay đã đóng góp tích cực cho quỹ chống COVID-19 của các bệnh viện ở Ukraine, trao tặng khẩu trang..., chia sẻ khó khăn với nước bạn trong giai đoạn chống dịch, lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của người Việt.

Có thể thấy trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành như hiện nay, nghĩa đồng bào, tinh thần tương trợ giúp đỡ của người Việt Nam ngày càng thể hiện sâu đậm hơn. Tinh thần này ngày càng được củng cố, nâng cao, trở thành điểm tựa vững chắc cho các cộng đồng người Việt xa xứ vững vàng đối phó với "con sóng dữ".

Duy Trinh

 (Phóng viên TTXVN tại Đông Âu)

Nguồn: baotintuc.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC