Nhật ký của F0 có bệnh nền, điều trị tại nhà H.N, quê ở TP.HCM, sống một mình tại Pháp và làm việc trong ngành mỹ phẩm. Đầu tháng 7, H.N đi xét nghiệm và cầm trên tay kết quả dương tính sau 4 ngày có các triệu chứng của Covid-19.
Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, H.N cho biết: “Sống ở tâm dịch Covid-19, được nghe các bác sĩ nói nhiều về Covid-19 nên tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý khá tốt. Do đó, tôi chấp nhận kết quả xét nghiệm và không suy nghĩ nhiều. Không hoản loạn hay sợ hãi, tôi gọi một người bạn chuẩn bị mua cho mình những đồ cần thiết chuẩn bị những ngày điều trị Covid-19 tại nhà”.
Do các hệ thống y tế ở Pháp quá tải vì dịch Covid-19 nên những trường hợp F0 như H.N được chỉ định điều trị tại nhà, trừ những lúc phát nặng và thiếu oxy mới tới bệnh viện.
H.N kể: “Tôi biết mỗi người mắc Covid-19 có triệu chứng khác nhau và một số người không có triệu chứng. Còn tôi mới đầu bị cảm nhẹ, sau ngày thứ 2 thì ho và rát cổ họng, đến ngày thứ 4 sốt nhiều và lạnh. Ngày thứ 5, bệnh tôi phát nặng, thiếu oxy, tôi không thể thở nên phải tự mình đi tới bệnh viện. Khi tới bệnh viện, bác sĩ cho tôi thở oxy 30 phút rồi cho tôi về tự điều trị, cách ly tại nhà".
H.N sống 1 mình tại Pháp, khu cô sống cũng không có người Việt
"Sống một mình, tôi bị mất vị giác, thính giác, đau nhức toàn thân, thiếu oxy. Lúc đó, tôi chỉ suy nghĩ tới gia đình và nghĩ mình còn phải về nhà nữa. Động lực lớn lao nhất của tôi như vậy, nên tôi lại tự đứng lên và tự lo cho bản thân mình”, cô gái Việt kể thêm về những ngày đầu tiên tự điều trị Covid-19 tại nhà. Cô có bệnh nền về tủy sống và tim nhưng cố gắng một mình tự vượt qua mọi thứ để tránh cho gia đình, người thân của mình ở Việt Nam lo lắng.
Chỉ có một người bạn ở Pháp biết rõ tình hình sức khỏe của H.N, giúp cô mua đồ ăn, vật dụng cần thiết. Tuy nhiên, tinh thần của H.N rất mạnh mẽ, cô hiểu rằng để chiến thắng được Covid-19 thì điều quan trọng nhất là phải lạc quan, có ý chí mạnh mẽ.
2 lần xét nghiệm lại đều âm tính Để có thêm sức khỏe chiến đ ấu với Covid-19, H.N cố gắng ăn uống thật nhiều, trong đó cô ưu tiên ăn thật nhiều trái cây rau củ, thịt gà, thịt bò, thịt heo, sữa, trứng… mặc dù không có vị giác. Cô uống thật nhiều nước nóng, tập thể dục, nghe nhạc, uống thuốc và ngủ đủ giấc. Chỉ có ngày thiếu oxy, khó thở, H.N không thể tự nấu ăn, khi đó cô nhờ người bạn mua đồ ăn tới rồi để trước phòng cho mình.
Cô ăn nhiều trái cây rau củ và nấu nước xông hàng ngày
“Mỗi sáng, tôi uống chanh nóng và mật ong. Ngày nào tôi cũng uống rất nhiều nước nóng, súc miệng bằng nước muối thường xuyên và nấu nước xông từ lá chanh, xả, gừng, lá bạc hà mỗi ngày 2 lần. Ngày nào tôi cũng tập thể dục tại nhà. Tôi cũng tắm rửa bình thường mỗi ngày 2 lần bằng nước nóng để cơ thể mình được thoải mái. Tôi dùng dung dịch diệt khuẩn để xịt trong nhà, thường xuyên thay ga gối. Luôn giữ cơ thể không quá nóng hoặc quá lạnh. Mỗi ngày, tôi uống thuốc ho, Panadol, uống Vitamin C…”, H.N kể.
Sau 10 ngày, triệu chứng giảm dần và đến ngày thứ 19, H.N đi xét nghiệm lại lần đầu. Vào ngày thứ 26, cô đi xét nghiệm lại lần 2. Cả 2 lần đều cho kết quả âm tính. Sáng 26.7 (giờ Pháp), H.N đã vui mừng khoe với người viết hình ảnh phiếu kết quả xét nghiệm vừa nhận được từ bệnh viện. H.N kêu gọi mỗi người nên cẩn thận và phòng tránh dịch thật tốt cho người thân và gia đình mình. "Nhưng nếu là F0 thì mỗi người đừng nên tin những bài viết gây hoang mang trên mạng xã hội và suy sụp. Khi nhiễm bệnh điều quan trọng nhất là hãy để tinh thần lạc quan, đừng suy nghĩ tiêu cực. Hoảng loạn dẫn đến tinh thần suy sụp thì mọi thứ sẽ xấu đi. Tôi biết tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM cũng đang rất căng thẳng. Tôi mong muốn câu chuyện của tôi sẽ truyền thêm động lực mạnh mẽ cho các bạn nếu không may dương tính với Covid-19”, H.N nói.
F0 khi điều trị tại nhà cần lưu ý gì? Theo H.N, khi F0 cách ly tự điều trị tại nhà, phòng ở không cần phải quá rộng nhưng phải thoáng mát, nếu để phòng bị nóng sẽ dẫn đến cơ thể bị mệt và khó thở. Không tiếp xúc với các người khác trong nhà (nếu ở cùng người khác). Nếu có máy lạnh, nên để nhiệt độ khoảng 25 - 26 độ C nhưng không nên để máy lạnh chĩa thẳng vào người. Người bệnh cần ăn thật nhiều trái cây, rau củ, nhiều thực phẩm có nhiều chất đạm, như thịt gà, heo, bò, trứng, sữa bò, cá hồi. Không nên uống nước lạnh hoặc nước để nguội.
Chuẩn bị sẵn thuốc ho sổ mũi, viên sủi hạ sốt, panadol trị đau đầu, vitamin C, máy đo nồng độ oxy trong máu rất cần thiết khi điều trị tại nhà. Đồng thời, phải xịt khuẩn trong phòng thường xuyên, rửa tay, xúc miệng nước muối thường xuyên, thay ga gối mình nằm và giặt mỗi ngày, lau nhà hàng ngày bằng nước sát khuẩn.
Cô cũng chuẩn bị sẵn máy đo nồng độ oxy trong máu
“Khi mắc Covid-19, bạn không nên nằm vùi một chỗ mà hãy đứng lên tập thể dục hoặc nghe nhạc, xem phim, hoặc làm gì đó tích cực như đi lau nhà, giặt đồ, nấu ăn, ăn những đồ ăn vặt mà mình thích, uống nước ấm. Khi mệt người khó thở, nên mở cửa sổ ra uống ly nước nóng hoặc chanh nóng mật ong. Tôi thường mở nhạc thiền, sau đó ngồi xếp bằng 2 chân, thẳng lưng hít sâu bằng mũi, thở ra bằng miệng từ từ”, H.N chia sẻ kinh nghiệm.
H.N cho hay tình hình dịch Covid-19 nơi cô ở vẫn đang diễn biến phức tạp . Do không có nhiều người Việt sống ở đây nên là F0, những lúc tự cách ly, điều trị Covid-19 tại nhà, động lực mạnh mẽ giúp cô đối mặt với dịch bệnh chính là gia đình, những người thân yêu ở Việt Nam đang đợi cô trở về.
“Tôi đang rất nhớ nhà, nhớ những người thân yêu của mình. Hiện giờ tôi không mong gì cả, chỉ cầu mong cho đại dịch Covid-19 chấm dứt, trả lại cho thế giới sự bình yên. Điều đầu tiên tôi sẽ làm là bay về ngay Việt Nam, thăm những người thân yêu của mình”, F0 điều trị tại nhà và chiến thắng Covid-19 sau 26 ngày bộc bạch.
Nguồn: Thanhnien.vn