Bà Helen Huỳnh, người vừa qua đời vì ung thư máu, có thể có thêm cơ hội sống nếu người em gái được sang Mỹ để ghép tủy sớm hơn.

Gia đình bà Helen, ở quận Cam, bang California, vẫn chưa nguôi ngoai nỗi đau sau khi bà qua đời vì ung thư máu hôm 26/1.

Họ cho rằng bi kịch này lẽ ra có thể tránh được nếu chính phủ Mỹ linh hoạt hơn trong việc cấp visa y tế.

Bà Helen, người có ba con, bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu hay còn gọi là ung thư máu vào tháng 2/2017. Các bác sĩ cho hay cách tốt nhất để cứu sống người phụ nữ này là cấy ghép tế bào gốc.

Gia đình bệnh nhân ung thư gốc Việt bức xúc vì bị Mỹ từ chối visa nhiều lần - 0

Gia đình bà Helen Huỳnh (áo đỏ) trước khi bà bị chẩn đoán mắc ung thư máu. Ảnh: Nextshark

Bà Thúy, em gái của bà Helen, sống ở Việt Nam, được xác định là người phù hợp 100% cho ca cấy ghép. Các con của bà Helen đã nhanh chóng sắp xếp thủ tục cho dì bay sang Mỹ để cứu mẹ nhưng liên tục bị chính phủ Mỹ từ chối.

Cuối cùng, khi bà Thúy được phép sang Mỹ vào tháng 9/2017, bà Helen đã quá yếu.

"Nếu dì tôi được cấp visa ngay lần đầu nộp đơn xin thì mẹ tôi đã có nhiều cơ hội hơn để chiến đấu với ung thư", con gái của bà Helen, Yvonne Murray, nói với NextShark. "Tất cả các nhân viên ở lãnh sự quán Mỹ thậm chí không thèm cân nhắc. Họ không màng đến sự sống của mẹ tôi".

Đấu tranh với hệ thống visa

Suốt năm ngoái, Murray cùng gia đình cô lui tới cơ quan chính quyền Mỹ ở cả Mỹ và Việt Nam nhưng kết quả nhận được khiến họ rất bức xúc và mệt mỏi.

"Chúng tôi đã làm mọi thứ theo yêu cầu. Chúng tôi chuẩn bị sẵn giấy tờ, thư từ của ba bệnh viện khác nhau xác nhận dì Thúy là người ghép tủy phù hợp", Murray kể. "Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam không hỗ trợ gì. Những cuộc gặp 5 phút đưa tới kết quả là đơn xin visa bị bác bỏ hoàn toàn, kéo dài thêm sự đau đớn của mẹ tôi".

Gia đình bệnh nhân ung thư gốc Việt bức xúc vì bị Mỹ từ chối visa nhiều lần - 1

Bà Helen trong thời gian điều trị ung thư trước khi qua đời. Ảnh: Nextshark

Sau khi ở Mỹ 3 tuần, bà Thúy phải quay về Việt Nam để chăm sóc gia đình. và Khi bà Helen qua đời vào cuối tháng một vừa qua, bà dự định quay lại để chịu tang chị gái thì nhận được một cú sốc khác rằng mình chưa bao giờ thực sự được cấp visa mà chỉ được sang Mỹ theo diện nhân đạo.

"Thượng nghị sĩ  Kamela Harris ở Washington đã giúp dì tôi sang đây mà chúng tôi không biết", Murray cho hay. "Vì thế khi chúng tôi xem xét liệu dì Thúy có quay lại Mỹ được không, chúng tôi nhận ra rằng điều đó là không thể bởi chỉ được ân xá một lần duy nhất".

Phẫn nộ trước hệ thống thị thực và cách đối xử của chính quyền Mỹ, Murray tuyên bố cô sẽ làm việc với các tổ chức quyền dân sự để nỗi đau không tái diễn ở gia đình nào khác.

"Chúng tôi xin visa B-1 cho dì tôi, đó là loại visa đi Mỹ với mục đích y tế. Không may nó cũng được cấp cho mục đích du lịch mà không có sự phân biệt giữa hai bên", cô nói. "Tôi tin rằng visa y tế cần phải được đề cao. Tại sao một người muốn cứu mạng một người khác lại được đặt cùng hạng mục với một người chỉ muốn đi chơi Disneyland?".

Murray phát hiện ra nhiều gia đình khác có chung cảnh ngộ nhưng không dám lên tiếng và cô kêu gọi họ cùng đấu tranh để thay đổi hệ thống thị thực kém hiệu quả của Mỹ. 

"Nhiều người nói rằng nước Mỹ là trên hết. Mẹ tôi là một công dân Mỹ. Tất cả những người liên hệ với tôi đều là công dân Mỹ. Tại sao chính phủ lại ngăn họ nhận sự hỗ trợ mà họ cần có? Chúng tôi cảm thấy mình là người Mỹ nhưng chưa hẳn", Murray nói và cho rằng một phần nguyên nhân khiến họ không được giúp đỡ nhanh là vì sự phân biệt sắc tộc.

Murray cho biết cô sẽ cố gắng để cái chết của mẹ mình không trở nên vô nghĩa. "Thật buồn khi chúng tôi đã mất mẹ nhưng chúng tôi muốn điều đó khơi dậy những thứ tốt đẹp".

 

Nguồn: Anh Ngọc

VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC