Tuy nhiên, để biết cụ thể trường hợp của mình, bạn cần xem xét trên hai khía cạnh: luật đất nước mình đang sống và điều kiện áp dụng của luật Việt Nam.
1. Những nước tiêu biểu sau đây chấp nhận đa tịch: Australia, Anh, Pháp, Mỹ, Canada. Bạn có thể xin nhập tịch và giữ 2, 3 hoặc nhiều quốc tịch tùy ý muốn. Ví dụ: trẻ sinh ra ở Mỹ có bố là người Canada, mẹ là người Australia thì có thể có cả quốc tịch Mỹ, Canada và Australia.
2. Những nước sau đây không chấp nhận đa tịch: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc, Singapore. Tất cả mọi người xin nhập quốc tịch các nước trên phải chứng nhận đã từ bỏ quốc tịch hiện tại của mình. Riêng Nhật và Hàn Quốc, trẻ em và thanh thiếu niên dưới 21 có thể có đa quốc tịch. Nhưng họ sẽ mất quốc tịch Nhật hay Hàn Quốc nếu không từ bỏ quốc tịch khác khi đến tuổi 21.
3. Với nước Đức thì chỉ có trẻ em sinh ra có cha/mẹ là công dân Đức hoặc là thường trú nhân ở Đức từ ba năm trở lên có thể xin nhập quốc tịnh Đức, bất kể có đồng thời xin quốc tịch nào khác không. Còn nếu người thành niên xin nhập quốc tịch Đức thì họ phải từ bỏ quốc tịch hiện tại.
4. Với Việt Nam, đa quốc tịch được chấp nhận trong những trường hợp sau đây:
a. Trẻ sinh ra có cha/mẹ có quốc tịch Việt Nam.
b. Kiều bào gốc Việt hiện đang sống ở nước ngoài đã mất hoặc không có quốc tịch Việt Nam có nguyện vọng xin lại quốc tịch Việt Nam.
c. Người Việt sống ở nước ngoài xin nhập quốc tịch nước sở tại nhưng không xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam.
5. Một trong những vấn đề cần lưu ý là việc sử dụng hai hoặc nhiều hộ chiếu như thế nào cho đúng và thuận tiện khi đi lại giữa các nước:
a. Bắt buộc phải sử dụng hộ chiếu của nước bạn hiện có quốc tịch để ra và vào nước đó. Ví dụ: Bạn có quốc tịnh Mỹ và Việt Nam. Khi ra khỏi Mỹ phải sử dụng hộ chiếu Mỹ, khi vào Việt Nam phải sử dụng hộ chiếu Việt Nam và ngược lại khi về. Tuy nhiên, khi check-in các hãng hàng không, bạn phải xuất trình cả hai hộ chiếu để chứng minh không cần visa cho nước sẽ bay đến.
b. Không bao giờ xin visa để vào nước bạn đang giữ quốc tịch. Công dân của một nước không bao giờ cần visa để ra vào nước của mình. Ví dụ bạn có thể gặp trường hợp nhân viên của đại lý du lịch không nắm thông tin yêu cầu bạn dán visa vào hộ chiếu Mỹ khi mua vé máy bay đi Việt Nam trong khi bạn có cả hai quốc tịch này.
c. Khi đến nước thứ 3, tùy theo chính sách quản lý cửa khẩu nước này, bạn linh họat sử dụng những hộ chiếu của mình sao cho phù hợp và tiết kiệm. Ví dụ: Bạn nên sử dụng hộ chiếu Australia để vào Nhật vì không cần visa, trong khi hộ chiếu Việt Nam thì cần visa. Hoặc nên sử dụng hộ chiếu Việt Nam để vào Indonesia vì miễn visa, trong khi hộ chiếu Australia thì không. Do vậy, không phải lúc nào hộ chiếu Mỹ, Australia, Anh... cũng thuận tiện và tốt hơn. Hộ chiếu Việt Nam khá thuận lợi khi đi lại giữa các nước trong ASEAN.
d. Nên mang theo tất cả hộ chiếu khi du lịch hoặc công tác đến bất cứ nước nào đó. Nó giúp bạn có được sự trợ giúp từ tất cả các đại sứ hoặc lãnh sứ quán của mình khi có yêu cầu hoặc trong các trường hợp bất khả kháng.
Cao Đỗ
VnExpress