Chuyến đi chưa biết ngày trở về
12h trưa ngày 25/2/2022, những hành lý cuối cùng được chất lên xe, chị Hà Bích Diệp (sống ở Kiev, Ukraine) cùng chồng và 2 người con bước vào hành trình đi sơ tán giữa lúc chiến sự leo thang. Khi những đường phố, tòa nhà, hàng cây quen thuộc dần khuất bóng, chị mới đối diện với sự thật phải rời xa Kiev mà chưa biết ngày trở về.
"Lúc bước lên xe, tôi đã khóc vì buồn, thương Kiev và không nghĩ có ngày phải rời xa thành phố trong tình cảnh như vậy. Tuy nhiên, vợ chồng tôi không còn lựa chọn nào khác, gia đình có con nhỏ nên đành chọn phương án an toàn nhất", chị Bích Diệp chia sẻ với Dân Trí khi đang trên hành trình đi về phía Tây để sang Ba Lan.
Một điểm tiếp tế đồ ăn, bỉm, sữa cho các gia đình đi sơ tán (Ảnh: NVCC)
Sau 2 ngày ròng rã trên đường, chiều ngày 27/2, vợ chồng chị và 2 con đang cách biên giới Ba Lan khoảng 2 km. Tuy nhiên, để qua được biên giới dự kiến phải mất 2-3 tiếng hoặc lâu hơn.
"Nhiều người Việt Nam và Ukraine đang rời khỏi Kiev. Trên đường đi, gia đình tôi thấy dòng xe cộ nối đuôi nhau, đường bị tắc nghẽn. Hành trình từ Kiev đến biên giới với Ba Lan vốn dĩ chỉ mất 6-7 tiếng thì nay gia đình tôi đã phải ngồi trên xe 2 ngày", chị Bích Diệp chia sẻ.
Chiến sự xảy ra tại vùng ngoại ô, còn gia đình chị Diệp sống tại chung cư ở khu trung tâm. Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây cũng nghe tiếng súng vang lên, xé tan bầu không khí yên tĩnh.
5h sáng ngày 24/2/2022, khi đang ngủ, chị Diệp bị tỉnh giấc do nghe thấy tiếng nổ lớn nhưng không nghĩ chiến sự đã tới thủ đô. Trong lúc đang cố ngủ lại, chị Diệp lại nghe thêm một tiếng nổ nữa. Sau khi đọc thông tin trên báo, người phụ nữ gốc Việt này mới biết chiến sự đã bắt đầu.
"Lúc đó, tâm trạng của tôi rất lo lắng và có chút căng thẳng. Khoảng 7h sáng, tôi rời nhà đi mua một số đồ ăn và nước uống vì chiến sự xảy ra quá bất ngờ, không ai tích trữ hay chuẩn bị nhu yếu phẩm. Cả ngày 24/2/2022, tôi ngồi trong nhà theo dõi tình hình", chị Diệp nhớ lại.
Rạng sáng 25/2/2022, tiếng còi báo động vang lên, vợ chồng chị cùng 2 con xuống hầm trú ẩn là chỗ để ô tô dưới tòa nhà chung cư. Trong số hàng trăm con người vừa Việt vừa Ukraine, ai cũng có tâm trạng thấp thỏm. Tuy nhiên, mọi người vẫn giúp đỡ nhau, chia sẻ nơi ngủ ấm áp cho trẻ con trong hoàn cảnh khó khăn.
Trong khi gia đình chị Diệp chọn cách sang Ba Lan để tìm nơi ở an toàn, rất nhiều bà con, bạn bè người Việt bám trụ lại Kiev. Nhiều người muốn xem xét tình hình chiến sự rồi đưa ra quyết định, nhưng không ít người không muốn rời thành phố.
"Lúc đang ở trên đường, tôi được biết việc di chuyển ra khỏi Kiev đang khó khăn hơn. Rời Kiev mà trong lòng vẫn không yên. Trong thâm tâm chỉ mong mọi chuyện sẽ sớm kết thúc, bà con người Việt cũng như người Ukraine luôn bình an", chị Bích Diệp chia sẻ qua điện thoại với Dân Trí.
Những hàng xe nối đuôi nhau chờ nhập cảnh sang Ba Lan từ phía Ukraine (Ảnh: NVCC)
Ở lại Kiev và những lần chạy vào nhà tắm trấn an
Khác với gia đình chị Diệp, vợ chồng chị Mỹ vẫn chọn ở lại Kiev mà không đi sơ tán. Tuy nhiên, mỗi khi nghe tiếng nổ vang lên từ xa, chị Mỹ không khỏi lo lắng, bất an.
"Vợ chồng tôi không đi sơ tán vì gia đình không có con nhỏ. Thêm nữa, tuyến đường dẫn tới các ngả biên giới đã chật kín xe cộ, không muốn làm cản trở những gia đình đưa con đi sang nước khác", chị Mỹ chia sẻ.
Những con đường vắng tanh trong ngày chiến sự cạnh chung cư gia đình chị Mỹ sinh sống (Ảnh: NVCC).
Nơi gia đình chị Mỹ đang ở khá xa trung tâm, song là khu vực có đông bà con Việt kiều sinh sống. Khi trò chuyện với Dân Trí qua điện thoại, chị Mỹ không giấu được sự lo lắng. Từ sáng đến chiều, thỉnh thoảng người phụ nữ gốc Việt này lại giật mình, bởi nhiều tiếng nổ vang lên trong những ngày gần đây.
"Có lúc nghe tiếng nổ, tôi vẫn bình tĩnh ngồi ở ghế. Tuy nhiên, khi không giữ được bình tĩnh, tôi chạy vào trong nhà tắm để trú ẩn như là cách ổn định tâm lý tạm thời", chị Mỹ chia sẻ.
Nhắc đến hình ảnh Kiev những ngày này, chị Mỹ không khỏi buồn bã. Tiếng khóc của chị vang lên trong điện thoại khi trả lời phỏng vấn như nỗi xót xa trào dâng.
Hình ảnh một em bé ngồi trú ẩn dưới tầng hầm chung cư (Ảnh: NVCC)
"Đây là lần đầu tiên tôi nghe tiếng nổ của chiến sự, giữa thời bình vẫn còn những hình ảnh đó, thật không thể tưởng tượng nổi. Trước ngày nghe những tiếng súng đầu tiên ở Kiev, tôi và người bạn vẫn đi làm và không hình dung sẽ có ngày như hôm nay", chị Mỹ nói trong tiếng nấc nghẹn.
Bữa cơm giữa ngày chiến sự của vợ chồng chị có phần vội vàng hơn. Các món ăn cũng đạm bạc hơn trước đây, chị Mỹ bảo chỉ là "ăn qua bữa" chứ không hề có cảm giác ngon miệng. Đồ ăn tích trữ vẫn còn nhưng chị luôn cố gắng dè sẻn hơn để dành cho những bữa sau.
Mấy ngày qua, đường phố nơi chị Mỹ sinh sống luôn vắng vẻ, hình ảnh đó chưa bao giờ xuất hiện trong hơn 20 năm sống ở đây. 17h chiều là thời điểm bước vào khung giờ giới nghiêm, không thấy ai trên đường, mọi người đều hạn chế ra ngoài.
"Dưới mỗi chung cư đều có hầm trú ẩn, nhìn ánh mắt thơ ngây của các em nhỏ ngơ ngác trong lúc người lớn bất an, tôi không kìm được sự xúc động và nước mắt. Chỉ mong những ngày này sớm qua đi...", chị Mỹ chia sẻ.
Ukraine nói chung và Kiev nói riêng gắn bó với những người Việt xa quê như chị Diệp, chị Mỹ nhiều thập kỷ qua. Với họ, đất nước này không phải là nơi "chôn nhau cắt rốn" nhưng giống như quê hương thứ hai với biết bao nghĩa tình.
Trong những ngày chiến sự căng thẳng, lòng mỗi người chỉ mong cảnh gia đình ly tán hay rời thành phố không còn. Và ngày mai, ai cũng hy vọng đường phố sẽ đông đúc trở lại, mọi người tất bật đi học, đi làm giữa khung cảnh thanh bình.
Theo Minh Khôi
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị