Lao động Việt phần lớn cũng làm việc cho các hãng nhỏ, công ty nhỏ. Có thể vì các hãng lớn trả lương cao chưa biết nhiều đến lao động Việt Nam, trong khi các hãng nhỏ trả lương thấp sẵn sàng thuê người Việt vì chi phí thấp hơn.

Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 9 trong tốp những nước dẫn đầu về số lượng người xin thẻ xanh diện lao động kỹ năng ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, lương lao động Việt tại đây lại thấp nhất so với lương của mọi lao động nước khác trong top 100 thế giới.

Lao động Việt không biết nhìn xa trông rộng

Cụ thể, năm 2017, có 1.253 người Việt xin thẻ xanh diện lao động kỹ năng tại Mỹ.

Nhưng tính đến thời điểm xin thẻ xanh, lương năm của một người Việt tại Mỹ chỉ dừng ở mức 38.984 USD/năm trong khi đó, lương của lao động Ấn độ là 107.771 USD/năm, Trung Quốc 95.344 USD/năm, Hàn Quốc 44.684 USD/năm, Anh 128.454 USD/năm, Đài Loan 87.961 USD/năm, Ukraine 103.453 USD/năm, Bangladesh 92.407 USD/năm, Li Băng 131.382 USD/năm hay Nepal là 92.282 USD/năm….

Lý giải về điều có vẻ như vô lý này, ông Đinh Công Bằng, chuyên gia Công nghệ thông tin làm việc cho Chính phủ Mỹ tại bang Florida cho rằng, một phần là do lao động Việt tại Mỹ chỉ có bằng đại học, trong khi công dân các nước khác có bằng cao học, tiến sĩ, hay các bằng chuyên môn khác như dược sĩ, bác sĩ…

“Lao động Việt Nam tại Mỹ cũng chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc trước khi xin thẻ xanh. Hay nói cách khác, họ xin thẻ xanh ngay ở công việc đầu tiên sau khi đặt chân hoặc bắt đầu có việc làm ở Mỹ. Nếu họ biết chuyển việc khoảng vài ba công ty thì sẽ có lương cao hơn”, ông Bằng nói.

Lao động Việt tại Mỹ: Lương thấp nhất trong lao động các nước? - 0

Phần lớn lao động Việt Nam tại Mỹ vẫn hướng vào những nghề không cần bằng cấp cao như nghề làm móng, nối mi,… 

Bên cạnh đó, vị chuyên gia có nhiều năm trợ giúp về du học, việc làm và định cư cho người Việt Nam tại Mỹ này nhận định, lao động Việt còn làm những ngành nghề có mức lương thấp. Những ngành lương cao nhất thường chưa đến tay người Việt, đơn giản vì chúng ta chưa đủ trình độ.

Không những làm việc lương thấp, người Việt còn làm ở vùng sâu vùng xa, không phải ở trung tâm. “Cùng một ngành nghề nhưng nếu làm ở thành phố lớn có thể nhận được mức lương gấp rưỡi hay gấp đôi một cách dễ dàng”, ông Bằng cho biết.

Và một lý do quan trọng nữa, theo ông Bằng, là lao động Việt chưa biết cách đàm phán lương hiệu quả.

“Qua kinh nghiệm phỏng vấn lao động là phụ nữ châu Á, tôi thấy phụ nữ Á đàm phán lương rất kém, có lẽ do yếu tố văn hóa”, ông Bằng nói.

Đồng tình với ông Bằng, một số chuyên gia khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho biết, đa phần người Việt xin thẻ xanh diện lao động kỹ năng ở Hoa Kỳ với mức lương chỉ tầm 20.000 USD/năm, rất ít lao động xin thẻ xanh với mức lương trên 100.000 USD/năm.

Con số ảo vì lừa đảo visa EB-3

Lao động Việt tại Mỹ: Lương thấp nhất trong lao động các nước? - 1

Năm 2017, 1.253 người Việt xin thẻ xanh diện lao động kỹ năng tại Mỹ.

Theo anh Sơn Nguyễn, một chuyên gia hiện đang làm việc về di trú tại Los Angeles, Mỹ thì số lượng người Việt xin cấp thẻ xanh nhiều như vậy là do bị lừa đảo về visa EB-3 (một visa định cư cho phép các công dân nước ngoài thuộc diện lao động lành nghề, chuyên gia hoặc các hình thức lao động khác nhập cư vào Mỹ để được cấp thẻ định cư vĩnh viễn) và anh cho biết có rất nhiều người Việt bị lừa về điều này khi muốn xin thẻ xanh sang Mỹ làm việc.

Theo anh Sơn, các đối tượng dùng những thủ đoạn rất tinh vi để lừa người Việt Nam vì hệ thống di trú Mỹ khá phức tạp nhất là diện việc làm.

“Họ đánh vào EB-3 vì để được cấp visa loại này, lao động cần phải có bằng cử nhân nhưng cũng có định nghĩa rất mơ hồ rằng công việc chỉ đòi hỏi 2 năm kinh nghiệm (thường là những nghề đặc thù). Họ làm sai lệch thông tin là nghề lao động chân tay cũng được, và đúng là luật không cấm”, anh Sơn giải thích.

Bên cạnh đó, anh Sơn chỉ ra rằng có những hãng xưởng bảo lãnh hàng trăm chứng chỉ lao động (PERM)/năm. Họ lấy số lượng trước nên bắt lao động Việt đóng tiền từ khi mở hồ sơ đến bắt đầu PERM, mà người Việt thì nghĩ PERM là gần đến thẻ xanh rồi.

Theo anh Sơn tìm hiểu, số tiền phải đóng lên đến 40.000 – 70.000 USD cho 1 gia đình. Sau đó PERM bị từ chối sẽ bỏ qua vì họ đã nhận tiền rồi. Nếu ai may mắn được chấp nhận, phần lớn dựa vào may mắn thì họ lấy tiếp tiền của bước I-140 và I-485 (những mẫu đơn di trú Mỹ) rồi cuối cùng vẫn sẽ không có thẻ xanh.

Tóm lại, anh Sơn cho rằng vì visa H1B (lao động có tay nghề cao, lương cao) thường lương sẽ không thể dưới 40.000 USD và đa số người xuất phát từ visa H1B mới làm thẻ xanh diện việc làm nên tất cả những điều này đã tạo ra những con số ảo về số lượng xin thẻ xanh của lao động Việt.

Nguồn: Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC