Một vài người mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn sau đây nói rằng lao động Việt ở Romania không được ai bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp với chủ, ngay cả Sứ quán cũng ngó lơ.
Lao động Việt Nam làm nghề thợ xây trong một công trường ở Romania
Vì sao chọn lao động ở Romania
Mạng báo South China Morning Post thống kê các báo cáo hàng năm về Tổng thanh tra nhập cư của Romania cho thấy liên tiếp từ năm 2017 đến 2020, Việt nam đứng đầu trong các nước có lao động nhập cư vào Romania, với tổng số khoảng gần 14.000 người trong bốn năm.
Người Việt ở Romania hầu hết làm các công việc như thợ may, thợ xây, công nhân chế biến thịt, thợ mộc, thợ sơn...
Ông Nam, hiện đang làm việc trong một nghiệp đoàn độc lập ở Romania, lý giải về nguyên do người Việt Nam chọn đi sang nước này làm việc:
“Thứ nhất là chi phí đi lao động ở Romania rất rẻ, chỉ rơi vào tầm 60 đến 70 triệu (đồng). Nhưng thực ra chi phí đấy tính ra là đắt, bởi vì mức lương ở bên này nó chỉ rơi vào tầm 10 đến 15 triệu (đồng) thôi.
Thứ hai là ở thị trường này nó chấp nhận những người lao động lớn tuổi. Ở các nước như Nhật, Hàn hay Đài Loan thì chỉ nhận những người trẻ để họ sang đấy làm, còn ở bên này những người tầm 35, 40, 50 họ vẫn sang được.”
Một nam công nhân, yêu cầu được giấu danh tính, chia sẻ với RFA rằng đã sang Romania được khoảng chín tháng theo hợp đồng lao động làm nghề sơn nước trong hai năm.
Về nguyên do chọn đi lao động Romania, người này cho biết chủ yếu là do chi phí môi giới thấp, làm hồ sơ nhanh, mất khoảng 2.800 đô la Mỹ, chỉ bằng khoảng một nửa so với các thị trường lao động khác như Đài Loan, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Thêm vào đó là người lao động không phải đóng phí mô giới mỗi tháng:
“Bởi vì đi chi phí đi nước này nó rẻ. Các nước lớn thì mình không có đủ kinh phí để đi cho nên mình mới chọn cái nước này. Mình tới Rumani thì phí mình là hết 2.800 đô la Mỹ.”
Theo trang web của một công ty môi giới tuyển dụng lao động giới thiệu, mức lương thực lĩnh của người lao động nằm trong khoảng 1.000 đến 1.500 đô la Mỹ mỗi tháng. Thời gian làm việc 8 tiếng/ngày.
Ngoài ra, còn có một số phúc lợi khác như miễn phí ăn ở, đi lại, hưởng chế độ chăm sóc y tế tốt ở nước sở tại.
Thực trạng lao động Việt bị bóc lột, quỵt lương
Tuy nhiên, thực tế thì thị trường lao động ở Romania không hề màu hồng như những lời quảng cáo của các công ty môi giới lao động tô vẽ.
Nam công nhân giấu tên cho biết đã bỏ ra ngoài tìm việc làm tự do từ hai tháng trước, có nghĩa là người này đang cư trú bất hợp pháp trên đất Romania. Nguyên do là vì công việc nặng nhọc, thường xuyên bị chủ doanh nghiệp chèn ép, tìm cớ trừ lương và mức lương quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống, gởi tiền về nuôi gia đình ở Việt Nam và trả nợ tiền mô giới:
“Môi giới thì nó nói là làm một tháng được 850 đô la, đó là lương cơ bản, nhưng mà thực tế có lĩnh được như thế đâu, nó ký có 610 đô la lương cơ bản.
Bây giờ công việc nó không phù hợp thì mình phải ra ngoài chứ biết làm thế nào. Lương bổng chả ra làm sao, đi làm thì từ sáng đến chiều về chủ nó bảo không đạt tiến độ ngày công cho nó là nó cắt giờ của mình, mất khoảng hai - ba giờ, có hôm tới năm giờ. Ở nhà ký lương theo tháng nhưng sang đây lại là theo tiếng.”
Người này nói rằng nếu được lựa chọn lại, ông sẽ không sang đất nước Romania làm việc nữa. Bây giờ đã trót vay tiền ngân hàng đóng cho môi giới để đi lao động thì phải cố gắng làm việc, kiếm đủ tiền trả nợ và dư ra một ít sẽ về Việt Nam:
“Bây giờ mà có đi xuất khẩu lao động lại ở Romania thì tôi không đi đâu, có cõng tôi đi tôi cũng không đi.
Nhìn chung là đất nước Romania này không phát triển, cho nên người dân Việt Nam đừng sang đây làm gì, mà các công ty cũng đừng đăng tin sang Romania làm gì. Các công ty môi giới chỉ có đẩy người lao động đi là hết trách nhiệm thôi.”
Ngoài ra, người lao động còn bị bắt buộc làm những công việc không đúng như cam kết trong hợp đồng lao động đã ký ở Việt Nam, bắt buộc phải đóng tiền thế chân khoảng 1.000 đô la Mỹ gọi là “phí chống trốn” để không bỏ ra ngoài làm việc.
Thậm chí, nhiều công nhân không được giữ hợp đồng lao động của chính mình. Do đó, khi có tranh chấp xảy ra, họ không thể nhờ pháp luật nước sở tại can thiệp được.
Ông Nam cho biết những người lao động Việt sang Romania thường có ba dạng. Thứ nhất là sang lao động cho các công ty theo hợp đồng đã ký. Thứ hai là những người đã ký hợp đồng nhưng vì nhiều lý do nên bỏ ra ngoài tìm việc làm tự do. Thứ ba là những người lợi dụng Romania như là một nơi trung chuyển để tìm cơ hội sang các nước Châu Âu khác như Đức, Anh:
“Ở đây nó có những đường dây có thể đi được sang Đức khoảng tầm 4000 Euro cho đến 4500 Euro tùy từng người, tùy từng thời điểm.”
Sứ quán ngó lơ
Khi được hỏi lúc bị công ty chèn ép, giữ hộ chiếu, lương và công việc không đúng như hợp đồng giao kết, có nhờ Sứ quán Việt Nam can thiệp trước khi chấp nhận rủi ro, bỏ ra ngoài lao động bất hợp pháp hay không, công nhân giấu tên cho hay đã thấy nhiều người nhờ Sứ quán mà không có kết quả nên ông không liên hệ:
“Bây giờ công nhân nó ra ngoài hàng ngàn người. Đại sứ quán tôi nói thật chả giải quyết được cái gì cả, không có một cái vẹo gì cả. Ở bên này gọi là đứng đó để làm thủ tục cho nó oai thôi chứ còn không có gì cả!
Vừa rồi có mấy công ty đến giờ nhưng có can thiệp được đâu. Bây giờ nhiều người muốn về nước lên đó chắc các vị phải chém 500 đến 1.000 đô, chứ giúp nhau thì khó lắm. Vừa rồi may mà bác Trọng làm ra cái vụ giải cứu công dân.
Mất luôn 1.000 đô phí chống trốn, bỏ luôn chứ còn gì nữa.”
Theo ông Nam, rất nhiều người lao động chấp nhận bỏ trốn ra ngoài làm việc “chui” vì họ thấy không ai có thể bảo vệ quyền lợi cho mình cả. Môi giới thì đứng về phía doanh nghiệp, còn Sứ quán thậm chí nói là họ “không liên quan”:
“Họ bảo là họ không liên quan, họ nói thẳng luôn mà. Họ bảo là họ không liên quan, đó là việc giữa các công ty môi giới với cả công ty lao động bên này, họ không liên quan.
Ở bên này họ chỉ có moi tiền của công dân thôi. Giả sử là một cái hộ chiếu thì mất 70 đô thôi, nhưng mà mà họ sẵn sàng moi tiền của công dân bằng cách là họ thu 150 đô hoặc 250 đô đối với những trường hợp làm trong ngày. Lương thì đã thấp rồi, chỉ được có khoảng 500 đô mà phải bỏ ra 250 đô để làm lại cái hộ chiếu.
Có những trường hợp mà bốn - năm tháng không có lương, mà công ty môi giới họ cũng không xử lý được, phản ánh lên cả Đại sứ quán Việt Nam ở đây nhưng mà cũng không có ai trả lời được cho họ một câu gì cả, và người lao động ở bên này họ giống như kiểu bơ vơ họ không biết cầu cứu ai.
Hồi tháng 6/2021, khoảng gần 300 công nhân, thông qua công ty môi giới Tamax ở Thanh Hoá, xuất khẩu lao động sang công ty HidroContructia-SA ở Romania, đăng thư cầu cứu trên mạng xã hội vì bốn tháng liền không được nhận lương. Họ liên hệ với công ty môi giới và cả Sứ quán nhưng không ai giải quyết.
Nội dung thư cho biết có nhiều người vì áp lực kiếm tiền nên đã bỏ ra ngoài tìm việc khác làm, trở thành người bất hợp pháp trên đất khách.
Phóng viên RFA đã nhiều lần gọi điện cho Đại sứ quán Việt Nam tại Romania để làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ việc này, nhưng không có ai nghe máy dù trong giờ làm việc.
Nguồn: RFA