Bàn thờ ngày Tết mà các lao động tại Hàn Quốc chuẩn bị có đầy đủ hoa quả, bánh chưng, cành đào nhỏ và lá cờ Tổ quốc.
Bùi ngùi Tết tha hương
Dù là năm thứ 2 ăn Tết Nguyên đán tại đất nước mặt trời mọc nhưng nỗi nhớ quê vẫn luôn cồn cào trong lòng chị Hà Trang (29 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện đang sống và làm việc tại Nhật Bản).
Chị Trang sang Nhật Bản làm việc từ đầu 2020. Công việc chưa kịp ổn định thì dịch COVID-19 bùng phát khiến chị và nhiều lao động gặp khó khăn bởi vừa làm, vừa phòng chống dịch. Tết năm ngoái một phần vì dịch bệnh, phần vì để tiết kiệm chi phí nên chị quyết định không về nước đón Tết. Những ngày cuối năm nơi xứ người, nhìn hình ảnh nhộn nhịp sắm Tết nơi quê mà bạn bè, người thân đăng trên Facebook, chị càng chạnh lòng.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay, vì nhiều lý do, chị Trang lại đành lỡ hẹn Tết đoàn viên với người thân. Trong căn phòng nơi xứ người, chị chia sẻ: “Tết nơi xứ người làm mình nhớ những ngày ở quê, dậy sớm đưa mẹ đi chợ, chọn cành đào đặt trong nhà, nhớ dáng mẹ tất bật sửa soạn bữa cơm chiều 30 Tết. Nhớ cả không khí ấm cúng khi gia đình cùng quây quần xem chương trình Táo quân. Tết càng đến gần, nỗi nhớ càng quay quắt, càng tủi thân, càng thương bố mẹ, chỉ muốn được bay về nước”.
Nhớ về những ngày Tết năm ngoái, chị Trang rơm rớm nước mắt: “Để vơi đi nỗi nhớ quê, mình cùng nhóm bạn làm chung Cty đã cùng thức, canh giờ để đón giao thừa online cùng với người thân ở Việt Nam. Qua màn hình điện thoại, nhìn hình ảnh bố mẹ, anh chị quây quần bên nhau trong thời khắc giao thừa nơi căn nhà quen thuộc làm mình rưng rưng nước mắt”.
Gần 5 năm sang Hàn Quốc làm việc, anh Võ Hưng (39 tuổi, quê huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cũng chưa về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Năm thì Cty nhiều việc, chỉ nghỉ thời gian ngắn nên anh quyết định ở lại Hàn Quốc. Năm thì dịch bệnh bùng phát khiến đi lại khó khăn. Tết năm nay, anh Hưng cũng đành ăn Tết tha hương.
Nhiều năm đón Tết xa quê, anh Hưng cùng các đồng hương luôn giữ thói quen cứ đêm 30 Tết lại quây quần bên nhau để ăn bữa cơm, mừng đón giao thừa. Sau đó, mọi người gửi lời chúc tới người thân ở quê qua điện thoại. Anh chia sẻ, dù không khí không được như ở quê nhà nhưng ít ra cũng cảm nhận được Tết cổ truyền.
Hương vị Tết nơi đất khách
Những ngày cuối năm này, giữa cái lạnh rét buốt của Hàn Quốc, anh Hưng đang tất bật chuẩn bị trang trí, bày biện bàn thờ. Bàn thờ bày ra tuy nhỏ nhưng cũng có đầy đủ bát nhang, chuối, bánh chưng, một cành đào nhỏ và lá cờ Tổ quốc. Anh cho hay, tuy không được đầy đủ như ở nhà và bàn thờ cũng chẳng để thờ ai. Chỉ là nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mùi nhang trầm ngày Tết nên mấy anh em đồng hương lập bàn thờ cho có không khí Tết Việt nơi đất khách.
Còn đối với chị Hà Trang, cũng như năm ngoái, Tết năm nay, dù bận công việc nhưng chị và nhóm bạn sẽ quây quần làm bữa cơm tất niên. Để có cảm giác không xa nhà, mọi người sẽ đặt các nguyên liệu như lá dong, thịt lợn, gạo nếp, đậu rồi cùng nhau gói bánh chưng, làm những món ăn Việt như nem rán...
Những nhu yếu phẩm mang đậm hồn quê hương đều có thể tìm mua ở chợ Việt tại Nhật. Dù không được tươm tất như ở nhà nhưng cũng ấm áp hơn rất nhiều. “Dù không về Tết được nhưng năm nào mọi người cũng ngồi với nhau bật máy tính xem chương trình Táo quân và thưởng thức những món ăn mang hương vị quê nhà”, Hà Trang chia sẻ.
Các lao động đang làm việc xa xứ đều có chung nhận xét, 2021 có lẽ là năm khó khăn nhất của những lao động Việt Nam do tình hình dịch Covid-19 bùng phát, việc làm bị ảnh hưởng, thu nhập giảm. Vì thế, ngày nghỉ Tết ít ỏi là dịp để mọi người gặp nhau cùng chia sẻ và hy vọng năm mới tình hình dịch bệnh được kiểm soát, công việc sẽ ổn định hơn.
Tết sắp đến, Xuân sắp về, những người Việt hiện đang làm việc ở nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản... vẫn luôn ngóng trông về quê hương, nhớ cái Tết cổ truyền của dân tộc. Họ luôn mong dịch bệnh sớm được khống chế trên khắp thế giới, để Tết năm sau họ lại được lên chuyến bay để về đoàn tụ cùng gia đình; được gặp đứa con thơ đêm nào cũng gọi điện hỏi thăm “bố khi nào về với con”; được ngồi uống ly rượu cùng người cha già tóc đã bạc; được thắp nén nhang lên bàn thờ tổ tiên và được hít thở không khí làng quê nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Nguồn: Kim Long/ baophapluat.vn