39 nạn nhân người Việt Nam. Ảnh: BBC.
Tài xế Maurice Robinson rà ga lái chiếc xe tải kéo côngtennơ từ từ vào bãi trống trong khu công nghiệp Essex lúc đó phần lớn bị bỏ hoang. Anh ta xuống xe, vòng về đuôi côngtennơ với tay mở cửa. Bên trong là điều không thể tưởng tượng nổi: 39 người, 10 người trong số đó là thanh niên, đã chết.
Lúc đó đã bước sang ngày 23/10/2019. Thay vì gọi ngay số 999 thì theo bản năng Robinson quay lại buồng lái và đánh xe rời đi.
Chuyến đi định mệnh
Kết quả điều tra từ các thông tin cá nhân cho thấy, có người muốn sang Anh làm tại các tiệm sơn sửa móng, thậm chí có 1 nam giới 15 tuổi thì chọn điểm đến là trang trại trồng cần sa.
Chuyến đi định mệnh đó chọn Paris làm nơi tập trung. Từ thủ đô Pháp, họ được đưa đến thị trấn Bierne ở miền Bắc và di chuyển bằng taxi đến một nhà kho nông sản rồi mới lên chiếc xe tải tử thần.
Chiếc xe tải vận chuyển 39 nạn nhân người Việt. Ảnh: PA Media.
Hành trình từ Bierne ngang qua nước Pháp đến cảng Zeebrugge trên đất Bỉ được máy quay ghi lại đủ. Tại cảng, côngtennơ được chuyển lên phà MV Clementine mà không có ai giám sát và vượt biển sang cảng Purfleet-on-Thames ở Essex (Anh).
Trong suốt hành trình qua biển, nhiệt độ trong thùng hàng vọt lên 38,5oC khiến không khí trở nên ngột ngạt.
Vị trí 39 nạn nhân nằm trong thùng xe. Ảnh: BBC.
Những người trong thùng hàng cởi bỏ hết quần áo chỉ giữ lại đồ lót và tìm cách thoát ra từ phần mái. Kết quả điều tra tìm thấy một cọc sắt thuộc phần nóc côngtennơ trên sàn xe.
Hơn 1.300 cảnh sát vùng Essex tham gia cuộc điều tra. Cảnh sát trưởng Jack Emerson là một trong những người đầu tiên có mặt tại hiện trường. “Tôi bàng hoàng nhìn thấy những thi thể bán khỏa thân nằm bất động. Họ nằm sát sàn sạt nên tôi chỉ với đến được những người trong tầm tay, không còn một nhịp đập, một hơi thở”, Emerson nhớ lại.
Kết quả khám nghiệm tử thi xác nhận 39 nạn nhân chết vì ngạt thiếu khí ôxy.
Không được cho ai ra ngoài
Lúc 0h30 ngày 23/10/2019, phà MV Clementine cập cảng Purfleet-on-Thames. Một nhân viên cảng đánh chiếc xe tải rời phà, sau này nói trong bản khai rằng anh có thoáng ngửi thấy mùi hăng giống như mùi rác.
Tài xế Robinson chạy xe đầu kéo từ Holyhead - một cảng lớn ở miền tây bắc Xứ Wales đến cảng Purfleet-on-Thames để nhận thùng côngtennơ. Việc giao nhận hàng diễn ra nhanh chóng, lúc 1h sáng Robinson nhận tin nhắn trên SnapChat của Ronan Hughes - ông chủ công ty vận tải lúc đó ở County Monaghan (Ailen). Tin viết: “Cho họ ít không khí, không được cho ai ra ngoài”.
Bởi vậy, Robinson mới đánh xe đến bãi đất trống trong khu công nghiệp Essex, xuống xe và mở cửa thùng. Hình từ máy quay an ninh thu được cho thấy Robinson bật người lại phía sau sau khi nhìn thấy cảnh tượng bên trong, rồi nhanh tay đóng cửa.
Robinson lái xe rời đi rồi gọi điện thoại cho Hughes. Sau đó là hàng loạt cú gọi qua lại của những người liên quan đến đường dây buôn người.
Một trong số đó là Gheorghe Nica, thành viên của đường dây nhưng khai không liên quan đến chuyến hàng chết người này. Nica khẳng định đã nói với Robinson đừng di chuyển xe và gọi ngay đến đường dây nóng 999.
Lái xe vòng quanh khu Grays, Robinson quyết định trở lại khu công nghiệp và đỗ lại. Đợi 15 phút, anh ta quay số 999 và nói với tổng đài: “Có người nhập cư ở phía sau. Họ đang nằm trên sàn. Thùng xe chật cứng. Có khoảng 25 người. Họ không còn thở”.
Ngay ngày hôm sau, Nica bỏ chạy khỏi Anh bằng đường hàng không vì biết rằng “đã xảy ra điều rất tồi tệ” khó tránh khỏi một “cuộc điều tra lớn”. Nica bị bắt tại Đức sau đó. Ngày 21/12/2020 theo giờ Anh, Nica cùng một người lái xe tải khác tên là Eamonn Harrison bị kết tội 39 tội danh ngộ sát và hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp.
Trước đó, Robinson cùng Hughes bị kết tội 39 tội danh ngộ sát và hỗ trợ nhập cư bất hợp pháp. Thêm hai người lái xe tải Christopher Kennedy và Valentin Calota bị kết tội tham gia đường dây buôn người.
Từ trái qua: Gheorghe Nica, Eamonn Harrison và Christopher Kennedy. Ảnh: BBC.
Nhân chứng X
Vài tuần trước chuyến đi chết chóc, nhóm buôn người do Hughes và Nica cầm đầu tổ chức ít nhất 2 chuyến đưa người nhập cư Việt Nam vào Anh trên các xe hàng.
Ngày 11/10 cùng năm, 15 người nhập cư được đưa qua đường hầm dưới biển nối Pháp - Anh. Một hành khách trong số này được nêu trong hồ sơ điều tra là “Nhân chứng X” đã khai ra bằng chứng chi tiết.
Nhân chứng X đã nộp cho một mắt xích đưa người nhập lậu tại Việt Nam 20.000 bảng hồi tháng 1 cùng năm để thu xếp thị thực đến Ba Lan học ngành kinh doanh. Sau nhiều tháng, nhân chứng X đến Pháp để tìm cách sang Anh. Qua Facebook của một người bạn, X biết họ đã đến được London. Được X nhờ, người bạn móc nối X với một người bí ẩn tên Phong. Liên lạc qua Viber, Phong đồng ý bố trí cho X sang Anh với chi phí 13.000 bảng. Điểm hẹn là một nơi ở miền Bắc nước Pháp. Khi xe tải lên phà, lái xe mở cửa thùng hàng và yêu cầu mọi người “tuyệt đối im lặng trong suốt hành trình”, đứng vào giữa thùng và bám chặt nhau..
Đến Anh, X cùng các hành khách khác được đón đến nhà Phong ở phía nam London, chờ đến lúc bố mẹ ở nhà trả hết tiền cho chuyến đi hạng VIP theo quảng cáo lúc đầu. X thừa nhận trong bản khai rằng chi phí quá lớn.
Lời cảnh báo sớm
12 ngày trước ngày 39 người Việt Nam được phát hiện chết trong côngtennơ, chị Marie Andrews ngồi trong căn nhà di động của mình ở làng Orsett cách khu Grays 6km. “Một nhóm người nhập cư vừa xuống xe tải, được vài chiếc Mercedes đón đi”, chị báo đến tổng đài 999. Đó cũng là chuyến đưa người nhập lậu do tổ chức của Hughes và Nica thực hiện.
“Tôi nhìn thấy có vài cẳng chân thò ra khỏi xe, sốc thực sự vì thấy chúng di chuyển vào con đường không mấy ai qua lại”, Andrews nói. Một tuần sau, Andrews lại thấy một “chuyến hàng” tương tự. Vẫn là chiếc xe tải mà sau này xuất hiện trên các bản tin về vụ 39 người chết.
Sau này, kết quả điều tra cho thấy, một vài trong số 39 nạn nhân từng bị phát hiện và giữ lại ở Pháp hôm 14/10 cùng năm. Họ được nhóm buôn người ghép vào “chuyến hàng” khác thành 39 người và bị “nhồi” vào thùng côngtennơ vốn chỉ thường chở một nửa số đó.
Nguồn: Đức Huy/ nongnghiep.vn