Tui đi làm nail từ lúc mới đi học nail được vài ngày, và như vậy đương nhiên là không có bằng, và như vậy lại đương nhiên là không hợp pháp.

Có điều, khi đó chủ tiệm nhận tui ngay tức thì bởi tui có bằng “esthetician,” tức tui có thể làm “waxing và facial.”

Hôm đó, một ngày Thứ Sáu, tui đang làm việc cho một trung tâm chăm sóc người già, và vừa mới thi đậu bằng “skincare,” ôm tờ báo Người Việt, tui đọc mục tìm việc làm. Ðọc đến chỗ có một tiệm đang “cần thợ biết làm waxing và facial,” tui thử gọi đại.

Từ đầu dây bên kia, anh Tuấn, chủ tiệm nói, “Ờ, ở đây đang cần người nè. Chị lên làm liền bây giờ được không, khách đông quá mà thiếu người.” – “Ồ không, tui đang đi làm. Ngày mai tui lên nha.”

Thế là tui hỏi những người xung quanh xem tiệm đó là ở đâu, chính xác hơn là Santa Monica cách Little Saigon bao xa. 46 miles, hơn 70 cây số! Ui cha mẹ ơi, sao mà xa dữ vậy. Nhưng lỡ rồi, hơn nữa tui cũng nôn nao muốn thử đi làm công việc này xem sao.

Thế là sáng Thứ Bảy, ông xã chở tui đi.

Lần đầu tiên bước vào tiệm nail-skincare, tim tui cứ đập thình thịch. Tui được giới thiệu với chị Liên, cũng là chủ tiệm, vợ anh Tuấn. Chị dẫn tui ra phía sau, chỉ cho tui giỏ đồ nghề với những thứ cần thiết, kêu chuẩn bị làm cho khách.

Tui níu tay chị nói nhỏ, “Em chưa có bằng nail, cũng chưa làm nail bao giờ, có gì chị chỉ em với” – “Ờ, không sao đâu, làm cẩn thận. Nhìn vài người làm là có thể làm được rồi.” Tui nhớ hoài cách chị chủ tiệm “lên dây cót” cho tui.

Tui chào những người thợ trong tiệm, hỏi thăm làm quen, hầu hết mọi người đều lớn hơn tui. Tui cũng nhờ mọi người chỉ dẫn tui vì tui mới đi làm. Sau này tui mới biết cách nói đó làm tui khác biệt với mọi người, vì chẳng ai tự nhận mình là không biết gì cả, hơn nữa đây là môi trường mà người ta tị nạnh và cạnh tranh nhau rất khốc liệt.

Sau khi quan sát khoảng nửa tiếng xem người khác làm việc, cuối cùng, giờ G cũng điểm. Tui được gọi tên làm chân cho một khách Mỹ trắng, mà như chị chủ nói, “Cô này dễ lắm, mình lựa những người dễ để Lan làm trước cho quen.”

Nhìn người ta làm thì dễ, cộng thêm một vài ngày đã trải qua trong lớp học, cứ ngỡ mình sẽ ok. Ai ngờ…

Lọng cọng ngay từ lúc cho khách lên ghế, điều chỉnh ghế theo yêu cầu và mở nước.

Khách vào ghế xong, tui kéo ghế ngồi, bắt đầu công việc của người thợ nail, cùng lời gửi gắm của chị chủ, “Chị Lan còn mới, có gì anh Quang và cô Nga chỉ thêm.” Anh Quang, cô Nga chắc là những người thợ lâu năm của tiệm.

Hehe, trong tiệm, trừ thợ là Việt, còn lại tất cả khách đều không biết tiếng Việt, chứ họ mà hiểu thì chắc bụng họ cũng đánh lô tô, sợ nhỏ thợ mới này lấy máu của mình làm tiết canh thì khổ đời.

Ngày đầu chập chững làm thợ nail - 0

Bỡ ngỡ khi lần đầu sơn móng tay cho khách hàng. (Hình minh họa: Getty Images)

Bên trái tui là anh Quang, bên phải tui là cô Nga. Tui nhìn họ, bắt đầu cùng lúc với họ, họ làm gì, tui làm theo, như cái máy.

Mặt tui cứ tỉnh như không, nhưng người tui cứ như bị sốt, và tay thì run, luống cuống.

Tui không biết rành các thao tác cũng như cách sử dụng hết các hóa chất có trong hộp đồ nghề. Tui chưa kịp học những thứ đó trong trường. Hơn nữa thực tế bao giờ cũng khác lý thuyết. Thêm điều tai hại là bản thân tui chưa từng đi làm móng tay móng chân ngoài tiệm nên xem như mù trất!

Tui cứ làm, mắt liếc nhìn người bên cạnh, trống ngực đập bum bum liên hồi.

Các bước làm cũng xong. Cuối cùng là sơn.

Tui nhớ hoài người khách chọn nước sơn màu đỏ đậm, trên bàn chân trắng bóc. Ðối với thợ lành nghề thì sơn màu gì cũng như nhau thôi, nhưng với người thợ mới tinh như tui, lần đầu cầm một chai nước sơn đậm, không khác gì một đứa học ESL phải đánh vật với một bài luận văn dài 4-5 trang giấy.

Mà như đã nói, tay tui run liên tục, nên tui sơn nhìn gớm ghiếc kinh khủng! Mà có lẽ như chị chủ tiệm đã nói, người khách này dễ tính, nên cô nàng chẳng nhìn xem chân cẳng mình được làm ra sao. Tui không sơn sát được vào phao chân, dù bài học lý thuyết bảo sơn cách phao chân phao tay khoảng 1 sợi tóc. Tui thì cách cả một sợi dây thừng. Tay tui cứ run run, tim tôi cứ loạn nhịp, còn hơn cả lúc tui có ý định tỏ tình với anh nào nữa. Cho đến bây giờ, chưa khi nào tui bắt gặp lại cảm giác như lúc đó.

Sau khi người khách hơ chân khô xong, tính tiền và ra về. Chị chủ tiệm nói, “Lan ơi, khách không có cho típ nghe.” Tui “dạ” và nói trong bụng “làm xong cổ đi là mừng rồi, không cần gì hết” (có điều, sau này phải hiểu, đối với những nghề phục vụ kiểu như vầy mà khách không cho típ là “chuyện lớn”).

Chưa kịp hoàn hồn, tui được kêu làm tiếp cho người khách thứ hai.

Lần này thì tả hữu đều không có ai, chỉ mình tui với tui.

Thế nhưng khi tui ngồi xuống bắt tay vào việc thì cô Nga nhảy phóc lên cái ghế bên cạnh vừa cầm cái cell phone vừa nói, “Cứ làm đi, cô nhắc cho, nhưng đừng nhìn cô, không thôi khách họ biết.” Tui mừng quá trời, “Dạ, cô làm ơn chỉ giùm con.”

Thế là cô Nga cứ ôm cái phone làm như nói chuyện, nhưng thực tình là cô đang chỉ tui làm từng bước từng bước một.

“Chùi sơn… Cắt đi… Giũa… Bỏ softener lên. Sủi… Chân kia. Ðừng cắt da nhiều quá… Rồi chà đi. Lấy cái cục chà cho softener lên chà… Rồi, rửa sạch. Xả nước đi. Massage….”

Cứ vậy, rất hên cho tui là cô Nga không có khách làm trong lúc ngồi chỉ tui hoàn tất người khách thứ hai này. Nhờ vậy mà tui nắm liền bài bản. Chứ còn người đầu tiên làm sao cho xong thì tui chẳng nhớ nữa.

Ðến khoảng 1, 2 giờ trưa, lúc đã làm được 4, 5 người khách nữa thì bỗng nhiên tui ngó ra cửa, và thấy người khách đầu tiên của tui đang từ ngoài bãi xe đi hướng vào tiệm. Tui kêu như khóc trong bụng: “Trời ơi!”

Linh tính quả không sai. “Hồi sáng ai làm cho người này, giờ sơn lại giùm kìa!” Chị chủ tiệm nói lớn.

Tui giơ tay lên. Chị Liên bảo, “À, cổ có đưa đây 10 đồng luôn rồi nha, nói cho chị, hồi sáng cổ quên!”

Cô nàng khách hàng ngồi xuống ghế nói với tui, “Tôi xin lỗi, tôi đi chợ, con tôi nó nhảy giẫm lên chân tôi nên nó bị trầy, cô sơn lại giùm tôi.”

Tui chùi cái móng chân bị trầy sơn để sơn lại. Không khá hơn lúc sáng bao nhiêu. Ðến lúc này, dường như cô nàng mới có thời giờ nhìn ngắm lại chân mình, rồi thắc mắc, “Ủa, sao cô không sơn sát phao chân vậy?” – “Ờ, sơn sát nhìn không đẹp, khi móng mọc dài ra thì xấu lắm…” Tui nói bừa.

Cô nàng chẳng nói năng gì thêm. Có điều, gần một năm tui làm ở đó, chưa bao giờ tui gặp lại người khách đầu tiên của mình.

Ðến gần chiều, chị Liên hỏi tui, “Lan có làm facial bao giờ chưa?” – “Có, làm nhiều lúc học tại trường” – “Chắc chắn là được phải không?” – “Dạ, làm nail thì sợ chứ làm facial thì ok.”

Thế là trong ngày đầu tiên đó, tui được thực hành luôn nghề mình đã học, chỉ khác một chút là trong trường, tui được dạy làm mặt, còn hôm nay, tui làm facial cho một cái lưng!

Cô khách này nói tối nay cổ đi dự tiệc, cổ sẽ mặc đầm hở lưng, thành ra muốn chiếc lưng phơi ra phải đẹp.

Cũng trong ngày này, tui “wax” luôn cho mấy cái lông mày. Cũng tàm tạm. Ðến lúc chị Liên kêu lại hỏi, “Lan có ‘wax bikini’ bao giờ chưa?” thì tui đành chịu chết, “Dạ, lúc học ở trường, cô có dạy, nhưng em chưa làm thử bao giờ.” – “Vậy thôi, để mình làm, rồi từ từ mình chỉ cho.”

Ðến cuối ngày, chị Liên nói, “Mình biết sáng giờ Lan không có ghi phiếu, mình làm giùm rồi. Hôm nay là ngày trả lương, mình trả luôn cho Lan. Hôm sau Lan đi làm nữa nghe.”

Tui nhớ số tiền tui kiếm được trong ngày đầu tiên là $184 đồng, cùng với $38 tiền tip.

Hôm đó, chị Hồng, một thợ làm trong tiệm, cho tui quá giang về. Chị nói ngày đầu chị không lấy tiền xe, nhưng sau này nếu đi chung thì mỗi ngày tui sẽ trả chị $10 tiền chở đi chở về.

Sau hai tuần làm việc tại đó vào Thứ Bảy và Chủ Nhật, tui quyết định nghỉ hẳn việc tại trung tâm người già để bắt đầu chính thức làm công việc full-time của một người thợ nail và waxing, trong lúc tiếp tục theo học để lấy cho được cái bằng manicurist sau đó 4 tháng.

***

Tui đã không còn làm thợ nail từ cuối năm 2007 bởi những bước ngoặt khác mở ra.

Nhưng gần một năm sống với công việc này mãi là những ngày khó quên với tui, để tui hiểu hơn về một nghề đã giúp bao gia đình Việt Nam thành công nơi xứ người cũng như yêu thương và quý trọng hơn những người đã chọn công việc này để mưu sinh.

 

Nguồn: Ngọc Lan

Người Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC