Năm nào ấm thì cả nhà quây quần bên nồi bánh ngoài trời
Mùa đông, không ra ngoài nhóm lửa, canh nồi bánh chưng cả đêm được, mình dùng nồi áp suất, bếp điện từ luộc bánh. Dẻo, thơm, nóng hổi
Con trai mình sang định cư Latvia từ khi 2,5 tuổi, nên con rất dễ chấp nhận món tây, còn những món Việt thì khó trăm bề, mà món Việt truyền thống ngày Tết thì càng khó hơn. Con chấp nhận ăn món Tết là đã khó, con cảm được mùi Tết, không khí Tết, hồn Tết, nét duyên Tết trong từng món ngon ngày Tết thì gần như là nhiệm vụ bất khả thi.
Mình vẫn kiên nhẫn, mỗi ngày, hơn 10 năm trời nấu món truyền thống ngày Tết, cố len lỏi vào ký ức tuổi thơ con chút hương vị Tết quê Việt. Ở những nước cộng đồng người Việt đông thì dễ hơn, ở Latvia, mình phải nhập từng kg lá chuối đông đá, nếp, măng khô, ớt… từ nước ngoài trước cả tháng. Mình gói bánh chưng, bánh ú miền Trung bằng lá chuối (vì không có lá dong).
Lá chuối mắc gấp 15 lần thịt gà nên chỉ bọc một lớp lá mỏng cho có mùi lá, màu lá, rồi bọc thêm một lớp màng bọc thực phẩm cho khỏi bị vô nước. Dây lạt buộc bánh quá xa xỉ với xứ này, nên mình dùng dây cột thực phẩm của Tây.
Mình trưng dụng cả cái lò xông khói thịt cá của Tây để luộc bánh chưng, mà luộc bằng gỗ thông và gỗ, lá bạch dương, bánh có mùi đặc biệt lắm, không thể nào tả được
Cả nhà quây quần gói bánh, ăn bánh, nhà tràn ngập mùi Tết giữa trời Đông lạnh giá, tối đen
Rồi mình vào bếp cùng con làm dưa món miền Trung để giữ cho con chút gốc gác, cội nguồn. Hổng có đu đủ xanh, mình thế su hào. Hổng có cái nắng xuân hanh hanh miền Trung, mình dùng lò sấy điện. Hổng có nước mắm truyền thống Nha Trang, mình tự muối mắm cá trích biển Baltic.
Vậy là con biết món bánh chưng là phải có dưa món ngâm mắm mới đúng gu quê miền Trung
Tết miền Trung là không thể thiếu dưa hành được, mà ở châu Âu không có hành tím. Mình ra tiệm bán hành tây làm giống, củ giống be bé, là a lê hấp, có ngay dưa hành.
Mình dạy 3 thằng con trai làm mứt dừa, mứt dẻo miền Trung để con cảm nhận không khí Tết, để con hiểu thế nào là Tết Việt, nhưng khó vô cùng. Dừa khô ở đây cứng như đá, và già đến hôi mùi dầu.
Thằng con 8 tuổi, chưa nhìn thấy mứt dừa ngoài tiệm thế nào, con băm, chặt, đập để tách vỏ trái dừa, nát bét. Vậy là năm nay cả nhà ăn mứt dừa viên.
"Mứt dừa sao cứ phải sợi hả mẹ? Viên cũng ngon mà". "Ừa, thì rất ngon!".
Mình hì hục làm mẻ kẹo chuối mà không có chuối sứ, phải dùng chuối già nhão nhẹt, lại thêm hổng có mạch nha nữa nhưng mẻ kẹo quê là một kiệt tác mùa Tết nhà mình
Cũng khô là lá chanh gói lá bàng đúng điệu luôn
Nem chua không được ủ men bằng lá chùm ruột, lá chuối thần thánh như ở Việt Nam, nhưng tụi nhỏ vẫn hiểu được nem chua ngày Tết.
Đầu heo ngâm mắm là món bắt buộc phải có trong Tết miền Trung dù Tết ở Latvia. Tây không ăn nên không bán tai, mũi, đầu. Mình xách xe, chạy xa lắm mới mua được mớ đầu heo về ngâm nước mắm nhĩ thắng đường.
Lạp xưởng Mai Quế Lộ. Rượu Mai Quế Lộ mình tự ngâm vì ở đây chẳng bán món gì. Tụi nhỏ nhà mình thì cực mê lạp xưởng, chắc do giống xúc xích của Tây.
Nồi măng hầm, đậu kho trứng thì miền Trung nhà nào cũng có. Miền Trung ở Latvia thì càng phải có để tụi nhỏ hiểu chút chút về Tết cổ truyền.
Tụi nhỏ rất không thích món giò thủ ăn kèm dưa hành, nem chua. Bao nhiêu năm cố gắng, mình cũng chỉ thành công đến miếng thứ nhất, không năm nào thuyết phục được chúng bỏ vào miệng miếng thứ hai.
Khó nhất là hoa mai, hoa đào ngày Tết. Mình đặt hoa giả bên Ba Lan về, chạy đi chặt 1 cành cây táo dại to, rồi thì về cả nhà ngồi cắt cắt, dán dán… hô biến thành gốc đào Việt Nam. Vậy chớ mà khách Tây, khách ta, diện áo dài món lá lên, đứng chụp bên cành đào thì Tết vẫn truyền thống chán.
Cái đoạn lì xì là vui nhất, cứ y hệt như lì xì sáng ngày mồng một Tết ở nhà từ đường ở miền Trung. Chỉ khác là mình thức cả đêm cắt, dán, deco bao lì xì vì ngoài chợ không bán.
Vậy nhưng đều đặn năm nào nhà cũng tràn ngập món Tết.
Mình ăn Tết với đầy nhiệt huyết và niềm tin một ngày nào đó, Tết sẽ thiêng liêng trong con từ gian bếp ấm nồng của mẹ. Chỉ có không khí chợ hoa, chợ quê ngày 30 Tết, tiếng hô lô tô là mình không nhập khẩu được sang EU, nên có dịp là mang con về Việt Nam để cảm Tết, để yêu Tết Việt vậy.
Ngày Tết đối với người xa xứ, đặc biệt là với những người mới đi định cư theo làn sóng đầu tư định cư Latvia 5 năm trở lại đây, cả nước chỉ vỏn vẹn vài trăm người Việt thì Tết vẫn linh thiêng lắm.
... Ôi, Tết Việt!
Nguồn: THANH MY (từ Latvia) / TTO