Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Vinh
Phát biểu tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ mười ba, khóa VIII ngày 4.1, bà Trương Thị Mai bày tỏ sự tiếp thu những ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự. Bà Mai cho rằng, chỉ riêng việc khẳng định sự tiếp thu các ý kiến của đại biểu cũng chính là tạo sự đồng thuận thống nhất.
Nhiệm vụ của Mặt trận được xác định cụ thể là phải sâu sắc hơn để hoạt động của Mặt trận tác động trực tiếp tới người dân, từ đó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Bà Mai cũng thẳng thắn chỉ ra mặt hạn chế mà Mặt trận cần quan tâm là phát huy đầy đủ vai trò, sức mạnh của nhân dân cũng như công tác đánh giá, dự báo để nắm bắt tình hình nhân dân, từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước bám sát nhân dân.
Nhắc tới sứ mệnh đại đoàn kết của Mặt trận, bà Mai cho rằng, đại đoàn kết luôn luôn được khẳng định là đường lối chiến lược, vừa là động lực, vừa là nguồn lực.
Lấy ví dụ từ những tâm tư của người Việt Nam ở nước ngoài muốn tham gia vào xây dựng đất nước và mong muốn là đại biểu Quốc hội, Trưởng ban Dân vận Trung ương cho rằng ở đây vai trò của Mặt trận rất quan trọng trong việc kết nối người Việt Nam trong và ngoài nước, kêu gọi, tập hợp để hiện thực hóa tinh thần đại đoàn kết.
Nghị quyết 12 của Đảng cũng đề cập đến việc Mặt trận tạo sinh lực mới cho đại đoàn kết dân tộc. Nhiệm kỳ đại hội còn 3 năm, chính vì vậy, Mặt trận cần tiếp tục tạo sinh lực mới cho khối đại đoàn kết.
Các đại biểu dự hội nghị.
Bà Trương Thị Mai cho hay, vừa qua Ban Bí thư đã thảo luận chỉ thị chỉ đạo Đại hội Mặt trận nhiệm kỳ tới với mong muốn Mặt trận làm sáng tỏ tinh thần đã được ghi nhận tại Điều 6 Hiến pháp 2013.
Đó là nhân dân phải thực hiện quyền lực nhà nước để từ đó minh chứng cho việc Mặt trận là quyền lực mang tính chất xã hội quan trọng và tạo điều kiện quan trọng cho nhân dân tham gia.
Một vấn đề nữa cần quan tâm chính là cuộc sống của nhân dân và làm sao phát huy được vai trò của nhân dân trong quá trình phát triển đất nước. Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội cùng các thành viên khác đang đứng trước cơ hội bảo vệ đời sống nhân dân nhưng cũng đứng trước thách thức lớn đó chính là sự phân hóa giàu nghèo.
“Sự phân hóa giàu nghèo của một đất nước đang phát triển là một vấn đề lớn, hiện vẫn còn một số bộ phận nhân dân bị đẩy lại phía sau. Chính vì vậy, nếu không giải quyết được phân hóa giàu nghèo thì không thể tạo được công bằng, đồng thuận trong xã hội”, bà Trương Thị Mai khẳng định.
Nguồn: Huyên Nguyễn/ laodong.vn