“Mỗi năm Việt Nam có hơn 100,000 người lao động di cư ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thời hạn, hàng chục ngàn người du học hay kết hôn với người ngoại quốc để định cư…”

Đó là thông tin được ông Vũ Việt Anh, cục trưởng Cục Lãnh Sự Bộ Ngoại Giao đưa ra tại hội nghị “Phổ Biến Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Di Cư Hợp Pháp, An Toàn và Trật Tự” do Bộ Ngoại Giao phối hợp với Tổ Chức Di Cư Quốc Tế (IOM) tổ chức ngày 20 Tháng Tám, 2019, tại Hà Nội.

Tờ Pháp Luật dẫn lời ông Vũ Việt Anh, cho biết số lượng công dân Việt Nam ra ngoại quốc ngày càng nhiều và cộng đồng người Việt ở ngoại quốc hiện đã có 4.5 triệu người.

42 1 Nguoi Viet Nam Tap Nap Di Cu Ra Ngoai Quoc Lam Viec Du Hoc Ket HonNhiều người dân chen lấn xin visa 5 năm tại Lãnh Sự Quán Nam Hàn ở Hà Nội. (Hình: Hải Quan)

Ngược lại, người ngoại quốc vào Việt Nam làm việc, học tập cũng có xu hướng gia tăng, với trên 80,000 người tính đến hiện nay.

Tại hội nghị, ông David Knight, trưởng phái đoàn IOM tại Việt Nam, đánh giá tình hình di cư từ Việt Nam sang các quốc gia ngoài khu vực hiện nay “rất đa dạng về hình thức và phức tạp về mục đích.”

“Trong hơn một thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến sự dịch chuyển của người di cư vì mục đích lao động, kết hôn, điều trị y tế… Những người di cư quay trở lại Việt Nam không chỉ mang theo nguồn vốn tri thức khổng lồ, hàng tỷ Mỹ kim kiều hối mà còn đặt ra nhiều thách thức liên quan đến quyền và phúc lợi của người di cư,” ông David Knight nói.

Đây là hội nghị đầu tiên mà Bộ Ngoại Giao tổ chức trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền về “Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Di Cư Hợp Pháp, An Toàn và Trật Tự” (Thỏa Thuận GCM) ở Việt Nam trong thời gian tới theo chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Chính phủ CSVN.

Việt Nam đã thông qua Thỏa Thuận GCM vào hồi Tháng Mười Hai, 2018 và được xây dựng trên cơ sở “Tuyên Bố New York Về Người Di Cư Và Người Tị Nạn” được thông qua tại phiên họp 71 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi Tháng Chín, 2016 (Tuyên Bố New York 2016).

Liên Hiệp Quốc đã tổ chức sáu vòng tham vấn xây dựng “Thỏa Thuận Toàn Cầu Về Người Tị Nạn (GCRs)” và dự kiến sẽ được thông qua tại phiên họp Đại Hội Đồng trong thời gian tới.

 

Nguồn: Nguoi-viet.com




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC